Nghiên cứu - Trao đổi  

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở thành phố Điện Biên Phủ

Cập nhật ngày 05/07/2016 16:11:12 PM - Lượt xem: 256

CTTĐT- Như chúng ta đã biết, tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, trong đó, đối với HĐND thành phố, các chủ thể có trách nhiệm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này bao gồm Thường trực HĐND và các Ban HĐND, ngoài ra đại biểu HĐND cũng có trách nhiệm thực hiện. Thông qua việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này Thường trực HĐND, đại biểu HĐND hiểu được tâm tư, nguyện vọng của công dân, đồng thời việc giám sát đảm bảo đơn thư của công dân được giải quyết, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.


Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được HĐND thành phố Điện Biên Phủ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. HĐND thành phố và HĐND các xã, phường đã tổ chức tiếp công dân với gần 1.500 lượt người, tiếp nhận 1.423 đơn thư. Qua nghiên cứu xem xét, HĐND thành phố và xã, phường đã xử lý, chuyển các đơn đủ điều kiện đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định, đồng thời đôn đốc việc trả lời, giải quyết; đã tổ chức một số đợt giám sát việc giải quyết đơn... đến nay hầu hết các đơn được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng quy định, đạt tỷ lệ 78,7%.

Công tác giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân được HĐND thành phố thực hiện dưới nhiều hình thức, như: thông qua việc xem xét các báo cáo về tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của UBND thành phố trình các kỳ họp của HĐND thành phố; cử đại diện tham gia các cuộc họp giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND thành phố và các phòng, ban, UBND các xã, phường… Đặc biệt là thông qua công tác tiếp công dân, thông qua việc tiếp nhận, xử lý và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh gửi trực tiếp đến HĐND thành phố (tiếp nhận trực tiếp từ công dân hoặc qua đường Bưu điện) và giám sát trực tiếp một số vụ việc nổi cộm, tồn đọng, kéo dài thông qua đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng như việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết thực hiện theo quy trình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của công dân.

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức giám sát 02 vụ việc liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, là những vụ việc bức xúc, phức tạp, kéo dài. Trên cơ sở giám sát, Đoàn giám sát đã kết luận, kiến nghị cụ thể để giải quyết dứt điểm vụ việc và đều được Uỷ ban nhân dân thành phố, các phòng, ban, UBND các xã, phường  tiếp thu, thực hiện.

Với những kết quả đã đạt được, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của HĐND thành phố Điện Biên Phủ từng bước được nâng cao về chất lượng, có sự kết hợp giữa các hình thức giám sát: Theo dõi và đánh giá chặt chẽ tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo và đưa thành một trong những nội dung xem xét, thảo luận hoặc chất vấn tại các kỳ họp; tổ chức giám sát vụ việc có hiệu quả; đặc biệt là gắn chặt công tác tiếp dân với giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ đó, hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng đi vào thực chất, phản ánh đúng thực tiễn, chỉ ra đúng những sai sót, hạn chế trong công tác của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, được các cơ quan này thừa nhận và tiếp thu khắc phục.

Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động này vẫn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Công tác xử lý đơn thư hiện nay vẫn chủ yếu là chuyển đơn đến cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định; số vụ việc Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng xem xét, phúc tra lại không nhiều; vẫn còn một số trường hợp đơn thư đã được giải quyết nhưng cơ quan có thẩm quyền không báo cáo kết quả cho Thường trực HĐND;

Công tác theo dõi, rà soát để tham mưu đôn đốc giải quyết đơn thư của công dân có lúc chưa thường xuyên. Hoạt động giám sát tình hình còn chung chung, có lúc còn chưa đi sâu chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết của các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc tổ chức các đoàn giám sát chuyên đề về khiếu nại, tố cáo và giám sát vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể chưa nhiều, chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu lực và hiệu quả giám sát chưa cao.

Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định chế tài đủ mạnh đối với các cơ quan hành chính nhà nước, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chậm giải quyết hoặc không trả lời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân do Hội đồng nhân dân chuyển đến.

Mặt khác, việc nắm thông tin cũng như tiếp cận với hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình giải quyết vụ việc cũng gặp không ít khó khăn do công dân chỉ gửi đơn không kèm theo tài liệu hoặc nếu có gửi kèm thì hầu hết là những tài liệu có lợi cho đương sự nên rất khó cho việc nghiên cứu, đánh giá việc giải quyết của cơ quan chức năng, dẫn đến nhiều vụ việc mặc dù phát hiện có sai phạm nhưng không có cơ sở để đề nghị phúc tra hoặc tổ chức giám sát theo quy định.

Để việc tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đạt hiệu quả cao hơn, cần nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Thường trực HĐND trong triển khai hiệu quả Luật Tiếp công dân, Nghị quyết 759 của UBTVQH Quy định về hoạt động tiếp công dân của HĐND, đại biểu HĐND. Theo đó, Thường trực HĐND thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND trong việc phân công, bố trí đại biểu tiếp công dân. Đồng thời, Thường trực HĐND tăng cường giám sát việc thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; đặc biệt coi trọng việc giám sát đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân để kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm hoặc vi phạm trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết.

Thứ hai, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND thành phố với HĐND tỉnh, UBMTTQ thành phố trong việc tổ chức tiếp công dân và tiến hành giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là giám sát các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực tư pháp; phải xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết đơn của công dân, nhằm thông tin kịp thời đến các đại biểu, người có thẩm quyền về quá trình xử lý và kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, tránh tình trạng chuyển đơn chồng chéo hoặc đã hết thẩm quyền giải quyết.

- Thứ ba, phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo do HĐND chuyển đến; gắn với từng bước thực hiện công khai hóa kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên cổng thông tin điện tử, giúp nhân dân nắm bắt, theo dõi, giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng nhằm tạo ra sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

- Thứ tư, cần đặc biệt quan tâm đến việc bố trí đủ về số lượng cán bộ, công chức, bố trí những cán bộ, công chức có năng lực, tâm huyết làm công tác này; chú ý tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc. Bên cạnh đó, cần có chế độ bồi dưỡng và chính sách động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong quá trình tiếp công dân, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; kiên quyết xử lý những trường hợp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân

BBT

 

 

 

 

 

 


Tin liên quan
Chúng tôi đã đến trường sa
Nữ đại biểu dân cử được Nhân dân mến phục tin yêu
Văn phòng – chuyện vui, buồn
Những điều chỉnh mới của Luật bảo hiểm xã hội
Cần giúp cử tri nhận thức đúng quy định: tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Nhớ về những ngày tháng hào hùng của dân tộc Việt Nam
Một số điểm mới của Luật Tổ chức Chính phủ 2015
Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt hoạt động
Những điểm mới trong Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri