Nghiên cứu - Trao đổi  

Cần giúp cử tri nhận thức đúng quy định: tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

Cập nhật ngày 23/11/2015 11:02:51 AM - Lượt xem: 256

CTTĐT - Trong cuộc tiếp xúc cử tri ở huyện Điện Biên, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã nhận được nhiều ý kiến thắc mắc và có phần bức xúc của cử tri về việc thực hiện Luật sửa đổi bổ, sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế có hiệu lực từ 1.1.2015. Qua nắm tình hình dư luận, cử tri nhiều nơi trên địa bàn tỉnh cũng thắc mắc khá nhiều về vấn đề này.


Cử tri cho rằng luật quy định: tất cả thành viên thuộc hộ gia đình (các hộ không thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế) phải tham gia bảo hiểm y tế là hết sức vô lý. Cử tri đưa ra nhiều lý do khác nhau để chứng minh: Nào là quy định như vậy là làm khó khăn cho người dân; không bán lẻ cho từng người có nhu cầu như trước đây là làm mất quyền lợi của người dân vì họ không có điều kiện về kinh tế để tham gia bảo hiểm y tế cho cả hộ gia đình; đã là tự nguyện thì ai có nhu cầu thì tham gia đằng này lại bắt tất cả thành viên trong gia đình phải tham gia bảo hiểm y tế và phải mua bảo hiểm y tế theo hộ…. Chung quy lại có sự thắc mắc như trên là do cử tri thiếu những thông tin về phương thức đóng bảo hiểm y tế, quyền lợi được hưởng thụ khi tham gia bảo hiểm y tế, cử tri chưa nhận thức đúng tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội này, chưa nhận thức được sự rủi ro và nguy cơ lâm vào cảnh kinh tế nghèo kiệt, túng quẫn nếu không may bị bệnh trọng, ốm đau dài ngày phải nằm viện điều trị, mà chỉ thấy khó khăn khi trong một năm nếu trong gia đình có 4 người tham gia bảo hiểm y tế số tiền phải đóng là gần 2 triệu đồng....

Nếu chỉ nghĩ đơn thuần với những khó khăn trước mắt như ý kiến một số cử tri nêu trên, người dân không tham gia bảo hiểm y tế thì khi mắc bệnh phải vào viện điều trị chi phí sẽ rất lớn vì hầu hết giá các dịch vụ y tế đều sẽ điều chỉnh tăng và đảm bảo chi trả 7/7 yếu tố (hiện tại mức tối đa giá các dịch vụ y tế chưa phải là cao vì mới chỉ tính 3/7 yếu tố trực tiếp là: chi phí thuốc, vật tư sử dụng cho khám bệnh, ngày giường điều trị và dịch vụ kỹ thuật; chi phí điện nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu bảo dưỡng, mua sắm thay thế các tài sản, công cụ, dụng cụ nhỏ theo định mức kỹ thuật) vậy mà đối với những người không có bảo hiểm y tế khi phải nằm viện điều trị, mức giá dịch vụ y tế này đã vượt quá khả năng kinh tế của gia đình. Trong thời gian tới toàn quốc sẽ thực hiện thống nhất cùng một giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh viện đồng hạng do liên bộ Bộ y tế-Bộ tài chính quy định (địa phương không ban hành giá dịch vụ y tế riêng như trước đây), tức là giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng, tiến tới sẽ tính đủ 7/7 yếu tố trong giá dịch vụ y tế, thời gian tới sẽ tính thêm 4 yếu tố nữa, đó là: Tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản; khấu hao nhà cửa và trang thiết bị lớn; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Như vậy đối với người tham gia bảo hiểm y tế, quyền lợi được đảm bảo và dịch vụ y tế được hưởng sẽ ngày càng tốt hơn, còn đối với những người không tham gia bảo hiểm y tế thì chi phí điều trị sẽ rất cao, thấy rõ nguy cơ rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế khi bị bệnh phải nằm viện điều trị.

Nhận thức của một bộ phận cử tri về việc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình là nhà nước làm khó người dân, làm mất quyền lợi của họ… là hoàn toàn không đúng và hiểu sai chủ trương và chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm y tế. Theo quy định, khi tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, mức đóng bảo hiểm y tế của thành viên thứ hai được giảm dần, càng đông người tham gia thì mức đóng càng được giảm đi, cụ thể: Từ 1.1.2015 mức đóng của người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ hai đóng bằng 70%, người thứ ba đóng bằng 60%, người thứ tư đóng bằng 50%, từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Quy định về phương thức đóng bảo hiểm y tế cũng không bắt buộc người dân nộp một lần cho cả năm mà người đại diện hộ gia đình trực tiếp nộp tiền đóng bảo hiểm y tế cho tổ chức bảo hiểm xã hội hoặc đại lý thu bảo hiểm y tế tại xã và nộp định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng; quyền lợi của người dân được hưởng khi tham gia bảo hiểm y tế: Thời điểm thẻ có giá trị sử dụng khi tham gia lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính là 30 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế, có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn của thẻ lần trước nếu tham gia liên tục kể từ lần thứ hai trở đi; được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh đối với người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục tính từ thời điểm người đó tham gia bảo hiểm y tế đến thời điểm đi khám bệnh, chữa bệnh và có số tiền chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, tính từ thời điểm tham gia bảo hiểm y tế đủ 5 năm liên tục, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến; tại khoản 1 Điều 22 Luật sửa đổi bổ, sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định: khi khám, chữa bệnh được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh tại tuyến xã hoặc chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở; được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh tuyến trên theo đúng quy định trừ trường hợp đi khám chữa bệnh không đúng tuyến. Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật sửa đổi bổ, sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế: tại tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú kể từ ngày 1.1.2015 đến 31.12.2020, 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1.1.2021 trong phạm vi cả nước; tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày 1.1.2015 đến 31.12.2015, 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày 1.1.2016. Như vậy không thể nói quy định của nhà nước làm khó người dân, làm mất quyền lợi của người dân mà các quy định này chính là để đảm bảo quyền lợi của người dân khi tham gia bảo hiểm y tế theo lộ trình bao phủ trên 80% dân số toàn quốc đến năm 2020.

Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đã đạt  97% dân số (không kể lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn), tỷ lệ dân số của tỉnh tham gia bảo hiểm y tế so với tỷ lệ toàn quốc là đạt cao (mục tiêu toàn quốc thực hiện năm 2015 là 75,4% dân số tham gia bảo hiểm y tế) đạt được tỷ lệ cao như trên là do đa số các bộ phận dân cư trên địa bàn toàn tỉnh đều là các đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo, một bộ phận dân cư được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần khi tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ 3% dân số còn lại trên địa bàn toàn tỉnh là số sẽ phải thực hiện tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện và theo nhóm hộ gia đình, bộ phận dân cư này một phần là khó khăn về kinh tế, nhưng phần quan trọng hơn là do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ nên có phần thờ ơ với chính sách bảo hiểm y tế, chưa tham gia. Những năm trước đây, một bộ phận không nhỏ người dân chỉ tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện khi nhận thấy sức khỏe của bản thân có vấn đề, thậm trí có những trường hợp cá biệt bị mắc bệnh, khả năng phải điều trị lâu dài mới tính mua bảo hiểm y tế và chờ thẻ bảo hiểm y tế có hiệu lực mới vào viện điều trị. Do vậy, khi Luật sửa đổi bổ sung Luật bảo hiểm y tế quy định tại khoản 3 Điều 13 “tất cả thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của luật này phải tham gia bảo hiểm y tế” thì họ chưa sẵn sàng tham gia.

Chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số: 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Các đối tượng phải tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế chính là lộ trình để thực hiện đạt mục tiêu này. Ngày 14/9/2015 Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số: 1584/QĐ-TTg về việc giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2015-2020, quyết định nêu rõ: “Căn cứ chỉ tiêu được giao, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân của địa phương trong chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội hàng năm, 5 năm của địa phương” tại quyết định này chỉ tiêu giao tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đối với tỉnh Điện Biên năm 2015: 98,0%, năm 2016: 98,2%, năm 2017: 98,4%, năm 2018: 98,5%, năm 2019, 2020: 99,0%. Do đó, là cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giải thích cho cử tri, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh hiểu đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về lộ trình bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, việc tham gia bảo hiểm y tế là nhằm đảm bảo quyền lợi của họ, tránh gặp khó khăn về kinh tế khi không may bị mắc bệnh và phải nằm viện điều trị.

Lò Thị Luyến - Phó Ban VHXH HĐND tỉnh

 


Tin liên quan
Nhớ về những ngày tháng hào hùng của dân tộc Việt Nam
Một số điểm mới của Luật Tổ chức Chính phủ 2015
Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt hoạt động
Những điểm mới trong Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri
Hiệu quả trong đối thoại trực tiếp với dân
Điện Biên triển khai, thi hành Luật căn cước công dân
Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành
Những ý kiến tham gia đã được đưa vào luật Tổ chức Chính quyền địa phương
Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND