Nghiên cứu - Trao đổi  

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri

Cập nhật ngày 24/07/2015 08:55:39 AM - Lượt xem: 256

CTTĐT - Hoạt động tiếp xúc cử tri là một kênh thông tin rất quan trọng để mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân thấy được hiệu quả của những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân được các cấp chính quyền tổ chức triển khai thực hiện; những phát sinh từ thực tiễn, những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của cử tri..., thông qua đó giúp các đại biểu dân cử thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đồng thời, có những đóng góp để HĐND quyết định, đề ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm phát huy những tiềm năng thế mạnh thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Như vậy, tiếp xúc cử tri là một trong những chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của đại biểu Hội đồng nhân dân, song vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân?


Từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016, việc TXCT của đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh đã từng bước đổi mới, cải tiến về nội dung, hình thức, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng nguyện vọng của cử tri; chất lượng, hiệu quả các cuộc TXCT được nâng lên. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp đầy đủ trình kỳ họp và được UBND tỉnh và các ngành chức năng tiếp thu, trả lời nghiêm túc, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, góp phần ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động TXCT của đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh thời gian qua vẫn còn một số tồn tại hạn chế: Một số đại biểu chưa tích cực tham gia tiếp xúc cử tri; cử tri ít đề xuất, đóng góp ý kiến hoặc những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương. nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyền của địa phương (cấp huyện, xã) chưa được trả lời, giải quyết thỏa đáng còn đùn đẩy, né tránh. Hoạt động tiếp xúc cử tri hầu hết mới chỉ tiếp xúc trước và sau kỳ họp; một số ý kiến, kiến nghị của cử tri, mặc dù đã được các cơ quan chức năng ghi nhận và trả lời nhưng việc giải quyết, tổ chức thực hiện lời hứa với cử tri còn chậm, chưa kịp thời.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là: Đầu nhiệm kỳ, một số đại biểu mới nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động dân cử, nhất là trong hoạt động tiếp xúc cử tri. Mặt khác, đại biểu hầu hết hoạt động kiêm nhiệm, chỉ có số ít đại biểu chuyên trách, đại biểu giữ vị trí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương chiếm tỷ lệ lớn bận nhiều công việc, nên việc bố trí thời gian tiếp xúc cử tri gặp khó khăn. Việc lựa chọn thời gian, địa điểm TXCT cũng là vấn đề cần quan tâm, vì các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử hiện nay thường chỉ diễn ra trước và sau kỳ họp của Hội đồng nhân dân các cấp và trong giờ hành chính, nên cử tri đến dự tiếp xúc hầu hết là người cao tuổi, là cán bộ cơ sở, bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng các tổ chức đoàn thể nhân dân; số lượng cử tri là người dân rất ít; mặt khác do trình độ dân trí không đồng đều nên ý kiến kiến nghị của cử tri thường là những vấn đề chung chung, trùng lặp hoặc những việc quá cụ thể thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp cơ sở. Lần tiếp xúc cử tri sau, đại biểu lại đến tiếp xúc ở địa điểm khác, nên không có điều kiện để báo cáo với cử tri về kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng về những kiến nghị của cử tri ở lần tiếp xúc trước đó. Một số cuộc TXCT, có huyện không cử đại diện lãnh đạo UBND cùng tham dự, do đó nhiều ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện chưa được trả lời, giải đáp trực tiếp mà phải tổng hợp. Việc trao đổi, giải trình, trả lời ý kiến kiến nghị cử tri của đại diện lãnh đạo UBND ở một số huyện, xã còn biểu hiện né tránh, trả lời chung chung chưa thấu đáo; nhiều ý kiến kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết ở cơ sở nhưng không giải quyết còn đùn đẩy lên cấp trên...

Từ hoạt động thực tiễn trên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri trong thời gian tới cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thị xã cần chủ động phối hợp  với các tổ đại biểu HĐND tỉnh và Thường trực HĐND, UBND các huyện, thị xã thống nhất thời gian và địa điểm tiếp xúc cử tri để xây dựng kế hoạch TXCT cho phù hợp, kế hoạch TXCT phải được xây dựng sớm để có thời gian chuẩn bị chu đáo.

Thứ hai, Uỷ ban nhân dân các cấp cần cử đại diện đến dự các cuộc tiếp xúc cử tri để nghe, tiếp thu ý kiến và giải trình những kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cấp mình; những kiến nghị của cử tri không thể giải quyết ngay được do khó khăn về cơ chế, chính sách, nguồn vốn, nguồn lực.... thì cùng trao đổi, thảo luận để giải đáp những thắc mắc, tạo sự cảm thông và chia sẻ của cử tri với chính quyền địa phương, tránh để nhân dân bức xúc.

Thứ ba, nên sắp xếp đại biểu là người dân tộc thiểu số TXCT tại các điểm đa số cử tri là người dân tộc, để đại biểu có thể dùng ngôn ngữ của dân tộc mình trả lời thỏa đáng ý kiến, kiến nghị mà cử tri quan tâm. Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm công tác TXCT tại các buổi sinh hoạt tổ đại biểu.

Thứ tư, trước khi tiếp xúc cử tri cần dành thời gian nắm tình hình địa bàn tiếp xúc, chuẩn bị kỹ nội dung và nên đến trước giờ quy định để có điều kiện gặp gỡ, thăm dò các vấn đề cử tri quan tâm; phát hiện vấn đề “nóng” có thể nảy sinh để chuẩn bị phương án xử lý.

Thứ năm, Đại biểu HĐND phải chuẩn bị nội dung báo cáo của mình với cử tri ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm; trong quá trình tiếp xúc đại biểu cần tạo không khí thân mật, gần gũi, thái độ ứng xử bình tĩnh, tự tin và có chính kiến rõ ràng. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri mà liên quan tới trách nhiệm của xã, huyện cần dành thời gian cho lãnh đạo xã, huyện trả lời, nếu vấn đề đều được cử tri đồng tình nhất trí thì không tổng hợp vào kiến nghị cử tri; những vấn đề có tính thời sự, mới, có liên quan tới nội dung sẽ trình tại kỳ họp, nếu thấy phù hợp thì lựa chọn đưa vào báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, làm cơ sở cho đại biểu Hội đồng nhân dân xem xét, thảo luận tại kỳ họp.

Thứ sáu, tăng cường đôn đốc giải quyết các ý kiến, kiến nghị, việc thực hiện lời hứa của các cơ quan chức năng, đồng thời có thể giám sát và tái giám sát việc thực hiện lời hứa của các cơ quan chức năng, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri./.

Nguyễn Hữu Khởi

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh

 


Tin liên quan
Hiệu quả trong đối thoại trực tiếp với dân
Điện Biên triển khai, thi hành Luật căn cước công dân
Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành
Những ý kiến tham gia đã được đưa vào luật Tổ chức Chính quyền địa phương
Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND
Mường Nhé nhiều chương trình, dự án đầu tư có hiệu quả dành cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tên gọi khác của đồi A1 trước chiến dịch điên biên phủ năm 1954.
Tiếp thêm niềm tin cho dân tộc rất ít người
Còn nhiều việc cần “bàn”
Giám sát mạnh sẽ tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động