Nghiên cứu - Trao đổi  

Những điều chỉnh mới của Luật bảo hiểm xã hội

Cập nhật ngày 23/11/2015 11:11:41 AM - Lượt xem: 230

CTTĐT - Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2014, gồm 09 Chương, 125 Điều; Luật Bảo hiểm xã hội quy định chi tiết hơn một số chính sách về bảo hiểm xã hội hiện hành và bổ sung nhiều chính sách mới có lợi cho người lao động; Quy định lộ trình đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, sự bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội, đảm bảo tính khoa học và yêu cầu thực tiễn. Những điều chỉnh mới đó là:


 

 

 

Thứ nhất: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội bắt buộc bổ sung thêm 3 đối tượng mới: Người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, công dân nước ngoài (Điểm b, i  khoản 1, khoản 2 Điều 2). 

Bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được thay đổi, không khống chế tuổi trần, hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng BH, đa dạng các phương thức đóng BH. Đặc biệt, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho một số đối tượng. 

Thứ hai: Tăng mức trợ cấp ốm đau

Các mức trợ cấp ốm đau được điều chỉnh tăng so với trước. Cụ thể, mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày thay vì chia 26 ngày như hiện hành. Mức hỗ trợ ốm đau dài ngày (sau 180 ngày) tăng lên 50% thay vì 45% như hiện nay.

Sửa đổi quy định mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Thứ ba: Bổ sung nhiều chế độ thai sản

Đối với lao động nữ: Tăng thời gian hưởng thai sản khi sinh con lên 6 tháng phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2012. khó mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ muốn được nhận chế độ thai sản chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thay vì 6 tháng như quy định trước đó.

Luật bổ sung chế độ thai sản cho lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.

Đối với lao động nam: Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con, quy định trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội. (Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:- 05 ngày làm việc với trường hợp sinh thường;- 07 ngày làm việc với trường hợp sinh phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;- Trường hợp sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh 3 trở lên cứ thêm mỗi con thì nghỉ thêm 3 ngày làm việc;- Trong trường hợp sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.) Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Thứ tư: Điều chỉnh chế độ hưu trí

Luật mới quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với những trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Quy định các chế độ hưu trí đối với người bị phạt tù giam, ra nước ngoài để định cư

Đối tượng được hưởng lương hưu cũng bổ sung thêm lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu. Dưới đây là những thay đổi chính về chính sách trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. 

Tỷ lệ hưởng lương hưu cũng được điều chỉnh. Luật mới quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm (trước đó là 25 năm) đối với nữ và 35 năm (trước đó là 30 năm) đối với nam mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%. 

Về bảo hiểm xã hội một lần: Từ năm 2014, tăng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội từ 1,5 lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. 

Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội cũng được điều chỉnh, đối với người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 thì tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho mọi người lao động, không phân biệt người lao động thuộc khu vực nhà nước hay ngoài nhà nước.

Thứ năm: Đảm bảo bình đẳng trong tham gia bảo hiểm xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã xây dựng lộ trình tiến tới việc tính bình quân tiền lương, tiền công cả quá trình đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động trong khu vực nhà nước giống như khu vực ngoài nhà nước.

Lộ trình tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đó là:

 - Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

Thứ sáu: Tổ chức thực hiện minh bạch 

Người lao động có quyền tự quản lý sổ bảo hiểm xã hội, hàng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội, được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội. 

Luật cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động định kỳ 6 tháng phải niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp hàng năm. 

Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016,(Riêng quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018).

Đỗ Thị Luyến -  Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh

 


Tin liên quan
Cần giúp cử tri nhận thức đúng quy định: tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Nhớ về những ngày tháng hào hùng của dân tộc Việt Nam
Một số điểm mới của Luật Tổ chức Chính phủ 2015
Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt hoạt động
Những điểm mới trong Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri
Hiệu quả trong đối thoại trực tiếp với dân
Điện Biên triển khai, thi hành Luật căn cước công dân
Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành
Những ý kiến tham gia đã được đưa vào luật Tổ chức Chính quyền địa phương