Nghiên cứu - Trao đổi  

Những điểm mới trong Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

Cập nhật ngày 24/07/2015 09:00:33 AM - Lượt xem: 256

CTTĐT - Ngày 20/6/2015 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương với gần 90% đại biểu tán thành. Luật gồm 8 chương với 143 điều: Chương 1 những qui định chung có 15 điều qui định chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và CTTĐT - Ủy ban nhân dân; chính quyền địa phương ở nông thôn phân đơn vị hành chính là tỉnh, huyện, xã; chính quyền địa phương ở đô thị có thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố và phường, thị trấn. Chương II có 21 điều qui định cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Chính quyền nông thôn. Ở nước ta hiện nay chính quyền nông thôn chiếm phần lớn (58/63 tỉnh). Chương III chính quyền đô thị có 35 điều. Chương IV chính quyền địa phương ở Hải đảo có 2 điều. Chương V chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập (Hiện nay ở nước ta chưa có). Chương VI qui định hoạt động của chính quyền địa phương có 50 điều. Chương VII thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính có 12 điều. Chương VIII điều khoản thi hành, luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.


Về cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương có một số điểm mới, đó là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm có Thường trực HĐND, các Ban HĐND là cơ quan của HĐND. Thường trực HĐND bao gồm Chủ tịch HĐND, 02 phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng các Ban HĐND và Chánh Văn phòng HĐND. Ngoài 3 Ban như hiện nay, đối với chính quyền đô thị thành lập Ban Đô thị. Mỗi Ban HĐND không quá 2 phó trưởng ban hoạt động chuyên trách. UBND tỉnh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Ủy viên UBND tỉnh là người đứng đầu các cơ chuyên môn thuộc UBND, cơ quan quân sự, công an.

Đối với cấp huyện, thị xã, thành phố: Thường trực HĐND huyện gồm Chủ tịch, 02 Phó chủ tịch và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND. Các phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Ngoài 2 ban, Ban Pháp chế và Ban KTXH, nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thì thành lập Ban Dân tộc. Các Phó trưởng Ban hoạt động chuyên trách. UBND huyện gồm Chủ tịch, không quá 2 Phó chủ tịch đối với huyện loại II, loại III và các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND huyện.

Đối với cấp xã, phường, thị trấn: HĐND thành lập 2 ban, Ban Pháp chế và ban Kinh tế xã hội, Trưởng, phó ban hoạt động kiêm nhiệm. UBND xã gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và Ủy viên phụ trách Quân sự, công an.

Bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương gồm có Văn phòng HĐND tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND; Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của UBND tỉnh. Văn phòng HĐND và UBND huyện, thị xã, thành phố là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân và UBND. Như vậy đối với cấp tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu QH&HĐND sẽ tách thành 2 Văn phòng, là Văn phòng HĐND và Văn phòng Đoàn đại biểu QH.

Theo qui định, đối với cấp tỉnh, cấp huyện số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách sẽ tăng lên, cụ thể HĐND tỉnh sẽ có từ 11 đến 15 đại biểu hoạt động chuyên trách, tăng 8 đến 9 đại biểu như hiện nay; đối với HĐND huyện, thị xã, thành phố, ngoài 2 Phó chủ tịch hoạt động chuyên trách, có Phó các Ban hoạt động chuyên trách, tối đa là 4 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Đây sẽ là điều kiện để hoạt động của HĐND có hiệu lực, hiệu quả hơn, giải quyết được tình trạng chủ yếu là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm như hiện nay. Như vậy nhiệm kỳ 2016-2021 sắp tới, điều kiện cơ sở vật chất, biên chế, kinh phí hoạt động của HĐND các cấp sẽ phải chuẩn bị ngay từ năm 2015 này.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính quyền địa phương, HĐND và UBND cơ bản như Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 cụ thể hóa Chính quyền địa phương ở nông thôn, Chính quyền địa phương ở đô thị, Chính quyền địa phương ở hải đảo cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên về tổ chức bộ máy, về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở nông thôn, đô thị, hải đảo không khác nhau là mấy. Ngay về tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn áp dụng chung cho miền núi là một bất cập. Địa bàn miền núi đất rộng, địa bàn đi lại khó khăn, dân trí thấp phân bố không tập trung, mà bộ máy HĐND và UBND giống nhau thì miền núi sẽ rất khó khăn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ./.

Nhữ văn Quảng

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh 

 


Tin liên quan
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri
Hiệu quả trong đối thoại trực tiếp với dân
Điện Biên triển khai, thi hành Luật căn cước công dân
Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành
Những ý kiến tham gia đã được đưa vào luật Tổ chức Chính quyền địa phương
Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND
Mường Nhé nhiều chương trình, dự án đầu tư có hiệu quả dành cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tên gọi khác của đồi A1 trước chiến dịch điên biên phủ năm 1954.
Tiếp thêm niềm tin cho dân tộc rất ít người
Còn nhiều việc cần “bàn”