Nghiên cứu - Trao đổi  

Chúng tôi đã đến trường sa

Cập nhật ngày 05/07/2016 16:03:51 PM - Lượt xem: 256

CTTĐT - Con tàu hú ba hồi còi dài, rời Cảng Cát Lái đưa chúng tôi đi Trường Sa. Gần 200 cán bộ, của nhiều đơn vị, mỗi người một tâm trạng khó tả trên con tàu 561 của Lữ đoàn 146 Hải quân nhân dân Việt nam ra thăm, tặng quà động viên quân, dân đảo Trường Sa. Đa số là đi lần đầu ra biển lớn, ra đảo, cho nên ai ai cũng háo hức, mong chờ, muốn ra ngay với Đảo.


Sau hai ngày, một đêm, khoảng 5 giờ chiều ngày thứ hai chúng tôi đã nhìn thấy một chấm trắng xa xa, anh lính Hải quân bảo đấy là Đảo Đá Lát. Tất cả không ai bảo ai lên boong nhìn cái chấm trắng ấy. Thế mà phải đi hơn một giờ nữa tầu chúng tôi mới tới gần Đảo, hai bên đã nhìn thấy nhau, nhưng không vào được, trời gần tối rồi. Theo lịch trình sáng mai chúng tôi mới lên Đảo. Người trên Đảo ngóng người dưới tầu, người trên tàu thì đứng hết trên boong lấy máy ảnh, điện thoại chụp liên tục, còn xa nên trong ảnh người chỉ mờ mờ, áo Hải quân có dải xanh nước biển là rõ hơn cả.

Tôi chưa nghĩ Đảo mà như thế này, nói đúng hơn là một ngôi nhà xây trên biển, xung quanh là nước. Ca nô đưa chúng tôi từng chuyến vào Đảo. Ai cũng háo hức đi thật nhanh khắp ngôi nhà, gặp các chiến sỹ, tay bắt, mặt mừng như những người ruột thịt lâu ngày gặp nhau, hỏi thăm sức khỏe, quê quán, bố mẹ, vợ con. Đa số các chiến sỹ còn rất trẻ, người Thái bình, người Quảng Nam, nhưng có một nét chung là da rạm nắng, gió biển. Ở đây nước biển, gió biển như bào mòn họ, người sắt lại, cứng cỏi. Trong Đoàn ai cũng muốn tìm hiểu về cuộc sống của chiến sỹ, muốn chia sẻ những khó khăn thiếu thốn về vật chất, tình cảm của những người ở đất liền gửi ra Đảo. Các đồng chí lãnh đạo thì đang trên hội trường phát biểu, trao quà. Chúng tôi thì cứ rôm rả, chỗ này một nhóm, chỗ kia một nhóm. Các loại máy ảnh, máy quay thi nhau bấm máy, nhất là chụp ảnh ở khu biển tên Đảo. Nơi này thật thiêng liêng, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển.

Ở đảo Trường Sa lớn, nếu không nhìn ra biển thì như đất liền. Những cây phong ba, cây bàng vuông xanh tốt hòa cùng tiếng mày thi công của các công trường đang xây dựng, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy... thì không ai bảo đây là đảo.  Đoàn nào ra đây, hoạt động đầu tiên là chào cờ Tổ quốc ở cột mốc chủ quyền trên biển. Trời nắng, có lẽ không ở đâu nắng bằng, mọi người đứng nghiêm hát Quốc ca trong tiếng gió, tiếng sóng. Khác với mọi nghi lễ chào cờ là đọc 10 lời thề của quân, dân trên đảo. Tôi không nhớ hết từng điều, nhưng có một điều tôi nhớ nhất là quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liên của Tổ quốc. Là lời hứa với đất liền của quân dân huyện đảo Trường Sa.

Tối nay có chương trình văn nghệ chào mừng 41 năm ngày giải phóng Trường Sa. Đúng hôm chúng tôi đến là ngày giải phóng Trường Sa 29/4/1975, trước khi văn nghệ, một trận mưa rào bất chợt òa xuống, xoa dịu cái nóng trên đảo, các chiến sỹ nói đó là điềm may, thời điểm này ngoài đảo không có mưa bao giờ. Vẫn bài hát ấy, hát về biển đảo, hát về người chiến sỹ Hải quân, nghe bao lần rồi, nhưng hôm nay được nghe tại đảo, người thật, cảnh thật, ngay dưới chân cột mốc chủ quyền nghe thật xúc động. Các nghệ sỹ trẻ trường nghệ thuật Hà Nội cùng các chiến sỹ Hải quân hát, đảo này là của ta, biển này là của ta, nghe đến lao lòng. Trên sân khấu các nữ nghệ sỹ trẻ mạnh bạo bao nhiêu thì các chiến sỹ Hải quân lại rụt rè, e thẹn bấy nhiêu.

Trong hành trình, Đoàn chúng tôi nghé thăm 8 đảo và Nhà giàn DK1, trong đó dành thời gian nhiều nhất ở đảo Trường Sa lớn. Ngoài viếng nghĩa trang liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Nhà chùa, chúng tôi chia thành từng nhóm đi thăm các Cụm chiến đấu, thăm các gia đình, thăm trường tiểu học. Ở đây không có chợ, có lẽ không ai phải mua bán gì, tất cả đều tự cung tự cấp. Những năm qua, Đảng Nhà nước đã thực sự quan tâm đầu tư, có nhiều chính sách ưu tiên đặc biệt đối với biển đảo. Nhân dân cả nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài đã có nhiều hoạt động ủng hộ quân, dân hải đảo. Bộ mặt của các đảo được thay đổi từng ngày, ở đây sóng Vietten rất khỏe, ti vi có nhiều kênh, điện năng lượng mặt trời, điện gió cũng đủ dùng cả đêm.

Đi đến Đảo nào cũng nuôi nhiều chó, đảo Tiên Nữ có mấy chục con chó, có con to mấy chục cân, khi chia tay cán bộ chiến sỹ ở đây còn tặng Đoàn 2 con chó để cải thiện. Nhưng tuyệt nhiên không thấy chó ở đây sủa, mọi người đến hàng đàn chó cứ vẫy đuôi mừng, quấn quýt đón khách cùng các chiến sỹ Hải quân. Cũng như các chiến sỹ ở đây, khi có Đoàn khách ra thăm thì mừng khôn tả. Chó cũng vậy, nó quên tiếng sủa vốn là bản năng của nó, nó cũng quên chức năng "trông nhà" vốn là nhiệm vụ của nó. Ngoài nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu, ngoài thời gian viết thư, gọi điện về nhà, hàng ngày các chiến sỹ làm bạn với các chú chó.

Đoàn chúng tôi tổ chức 2 lần tưởng niệm các chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền biển đảo. Khi bắt đầu ra đến đảo Đá Lát, trước khi lên đảo, Đoàn chúng tôi tổ chức tưởng niệm 68 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988. Qua lời tưởng niệm của đồng chí Trung tướng, chính ủy bộ tư lệnh Hải quân Đinh Gia Thật chúng tôi hình dung trận chiến bất ngờ, không cân sức giữa Hải quân ta và quân Trung Quốc. Tên từng cán bộ, chiến sỹ và những chiến công của họ được khắc sâu vào tâm khảm chúng tôi. Vòng hoa thả xuống biển như một dấu hỏi, nhắc nhở chúng tôi phải làm gì để tiếp bước các anh. Nhà nước đã xây dựng đài tưởng niệm các chiến sỹ Gạc Ma trên đất liền là sự ghi công các anh đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền biển đảo.

Lần tưởng niệm thứ 2 tại Nhà giàn DK1, tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh anh dũng khi chống chọi quyết liệt với bão tố để bảo vệ nhà giàn năm 1998 và năm 2001. Còn nhớ con bão số 10 năm 2001, siêu bão cấp 14, 15 đã quật đổ nhà giàn. Cán bộ chiến sỹ hơn 48 giờ chống chọi với cơn cuồng phong, sức đã kiệt, nhà giàn không chịu nổi sức gió quá mạnh đã bị hất tung, mặc dù đã được các lực lượng cứu hộ nhưng chỉ cứu được 5 người, còn 11 người đã vĩnh viễn nằm dưới đáy biển. Trong lời tưởng niệm, miêu tả con sóng cao tới 10 đến 14 m, sức gió cấp 14, 15 thì không có gì chống lại được, nhất thủy nhì hỏa mà. Hôm trời yên, biển lặng mà chúng tôi trèo lên nhà giàn đã khó khăn, có người còn bước hụt tý ngã. Những hôm có gió từ cấp 4, cấp 5 trở lên thì đừng hòng mà ra khỏi nhà. Các chiến sỹ kể, có Đoàn ra thăm vào hôm gió to, sóng lớn, ca nô không đi được, hai bên nhìn thấy nhau, đành chịu. Thế là nghĩ ra một cách hát qua điện thoại cho nhau nghe, miệng thì hát nhưng nước mắt cứ ứa trào.

Đất nước ta có biên giới trên đất liền và trên biển. Việc xác định biên giới trên đất liền đã khó, xác định biên giới trên biển còn khó gấp ngàn lần. Ở trên biển, ngoài khơi việc xác định biên giới, thềm lục địa chỉ có thể bằng máy móc, thiết bị chuyên dùng, mắt thường khó có thể hình dung được. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang thiết bị trên Đảo là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Hôm ra thăm đảo Tiên Nữ, thành phố Hà Nội tổ chức khởi công một công trình"Nhà Văn hóa" trị giá 35 tỷ đồng, do nhân dân Thủ đô quyên góp, ủng hộ. Trên một bãi đá chừng hơn 100m2 mà quân chủng Hải quân đã vận chuyển từng viên đá từ đất liền tạo ra, đây là mặt bằng của công trình. Hôm chúng tôi đến, các chiến sỹ công binh đang vận chuyển từng ca nô đá từ tầu lớn vào đảo, mỗi chuyến chỉ được khoảng một khối đá, bỏ tõm vào biển, không thấy tăm đâu. Tôi hỏi đồng chí đại tá Trần Thanh Tâm, Lữ đoàn trưởng 125, đơn vị vận tải của Binh chủng Hải quân, tiền thân của Đoàn tàu không số thời chống Mỹ: Bao nhiêu khối đá thì hoàn thành mặt bằng công trình này? Anh cười nói, cứ vận chuyển khi nào hoàn thành thì xong. Anh nói giọng xứ nghệ nhẹ như không, bây giờ còn sướng chán, trước kia chúng tớ phải vận chuyển bằng sức người. Anh miêu tả: Dùng hai sợi dây, một đầu buộc vào tàu, một đầu buộc vào đảo, lính chúng tớ cứ kéo theo sợi dây từng thuyền đá, thuyền cát, hôm nào biển lặng thì đỡ, vớ hôm biển có sóng thì ốm. Thế mà Quân chủng Hải quân hứa hết năm nay công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Đúng là nước sông, công lính.

Điểm cuối cùng là thăm Nhà giàn DK1, ra đây tôi mới biết DK là viết tắt của: "Trạm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật", được xây dựng năm 1989 để nghiên cứu, khai thác tài nguyên trong thềm lục địa của nước ta. Trông xa Nhà giàn như một cái chuồng chim nhiều tầng, đến gần cũng cao bằng ngôi nhà 5 tầng. Cạnh ngôi nhà to, có một ngôi nhà nhỏ, Binh chủng Hải quân gọi đó là "Nhà thế hệ thứ nhất", khi mới xây dựng Nhà giàn còn nhỏ, sơ sài, một phần do điều kiện lúc đó, phần vì chưa tính hết thiên tai, cho nên cơn siêu bão năm 2001 mới hất tung, hiện nó nghiêng khoảng 30 độ, bây giờ chỉ dùng để máy móc, thiết bị. Nay ta làm vững chắc hơn, dài rộng hơn, có thể chống được cấp gió 15, 16. Ở đây gần Vũng tàu lắm rồi, thềm lục địa của ta mà, rất nhiều tàu nước ngoài vào ăn hàng, tàu đánh cá của ngư dân qua lại, nhộn nhịp, báo hiệu sắp vào đến đất liền rồi.

Loa trên tàu thông báo, đề nghị các Đoàn gửi bản thu hoạch của cá nhân về Ban chỉ huy để tổng hợp. Hai mươi bốn bản thu hoạch của 24 thành viên Đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên góp tiếng nói cùng 196 thành viên các Đoàn nói điều gì đây? Chuyến đi 8 đêm, 9 ngày lênh đênh trên biển, đến được 3 đảo nổi, 5 đảo chìm trong hơn 20 đảo lớn nhỏ của quần đảo Trường Sa cùng Nhà giàn DK1, gặp cán bộ, chiến sỹ, biết được bao điều về biển đảo quê hương, về chủ quyền Tổ quốc trên biển, về lực lượng Hải quân nhân dân anh hùng....Cứ sắp đến đảo là trên loa của tàu lại thông tin đảo nơi Đoàn đến về tọa độ, vĩ tuyến, về những chiến công, thành tích mà lực lượng trên đảo giành được trong thời gian qua, cũng như những khó khăn, khắc nghiệt mà đảo phải gánh chịu. Từng ấy thứ là quá đủ tư liệu cho chúng tôi viết bản thu hoạch chuyến đi. Tư liệu đầy ắp, cảm xúc thì khôn tả, mỗi người có cách diễn đạt riêng, còn tôi, tôi chỉ ước mong BIỂN LUÔN LẶNG SÓNG.

Nhữ Văn Quảng, Chánh Văn Phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh

 


Tin liên quan
Nữ đại biểu dân cử được Nhân dân mến phục tin yêu
Văn phòng – chuyện vui, buồn
Những điều chỉnh mới của Luật bảo hiểm xã hội
Cần giúp cử tri nhận thức đúng quy định: tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Nhớ về những ngày tháng hào hùng của dân tộc Việt Nam
Một số điểm mới của Luật Tổ chức Chính phủ 2015
Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt hoạt động
Những điểm mới trong Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri
Hiệu quả trong đối thoại trực tiếp với dân