Nghiên cứu - Trao đổi  

Hiệu quả trong đối thoại trực tiếp với dân

Cập nhật ngày 24/07/2015 08:48:01 AM - Lượt xem: 242

CTTĐT - Thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh tăng cường công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Các đơn thư, kiến nghị của công dân gửi đến Thường trực HĐND tỉnh đêù được nghiên cứu chuyển các cơ quan chức năng xem xét trả lời. Những đơn thư bức xúc gửi đến nhiều lần, Thường trực HĐND đã phối hợp với Đoàn đại biểu QH tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân, họp với các ngành chức năng tìm biện pháp giải quyết. Sau khi có ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh các cấp các ngành đã có phương án tích cực giải quyết, sau đây là một số vụ việc đã được giải quyết có hiệu quả


1. Ông Vũ Duy Tâm sau 7 năm đã nhận được đất.

Năm 2007 thực hiện chủ trương của tỉnh về việc phê duyệt qui hoạch để đấu giá quyền sử dụng đất khu Sân bay phường Thanh Bình lấy kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố. Theo qui định đất được đấu giá phải là đất "sạch", trong khi gia đình ông Tâm trúng 361m2, ông đã đi vay tiền Ngân hàng làm đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước, đến khi thành phố giao đất cho gia đình ông thì đất có chủ. Thành phố sau nhiều lần thương thảo với các hộ gia đình có đất, đành bó tay. Gia đình ông Tâm đi lên đi xuống, đến hết cấp này đến ngành kia cũng không giải quyết được. Ngày 19/12/2014, Thường trực HĐND tỉnh đã họp với UBND thành phố, các đơn vị liên quan và mời gia đình ông Tâm lên đối thoại trực tiếp. Trách nhiệm trước hết là của UBND thành phố, gia đình ông Tâm tha thiết đề nghị nếu không nhận được ô đất đã trúng, có thể nhận ở các khu đất khác tương tự để ổn định cuộc sống, gia đình ông không chờ đợi thêm được nữa.

Trước đòi hỏi chính đáng của người dân, đồng chí Giàng Thị Hoa, Phó chủ tịch HĐND tỉnh đã kết luận, giao cho UBND thành phố phối hợp với các ngành liên quan trong thời gian ngắn nhất tìm quỹ đất để giao cho gia đình ông Tâm. Thế là sau gần 7 năm, với mấy chục lá đơn, không biết ông đã gõ cửa bao nhiêu cơ quan, đi lại bao nhiêu km, ông đã đến đích. Niềm vui của ông khi UBND thành phố mời ra nhận đất, hôm nay ông nhận trên thực địa chứ không phải nhận trên giấy như trước kia.

2. Gia đình bà Nguyễn Thị Minh đã có đường đi

Chị Minh đưa 2 con nhỏ từ Vĩnh Phú lên Điện Biên sinh sống từ những năm 1992. Sau nhiều năm làm nghề thu nhặt phế liệu, sống nay đây mai đó, năm 2002 chị mua được mảnh đất trên đồi thông, nay thuộc Tổ dân phố 16 phường Mường Thanh. Trước hoàn cảnh của chị, UBND thành phố đã vận động xây cho gia đình chị căn nhà Đại đoàn kết. Năm 2008 UBND tỉnh quyết định giao 4778m2 đất cho Sở Tài nguyên - Môi trường xây dựng trụ sở cho 3 đơn vị của Sở, từ đó gia đình chị Minh không còn lối đi mà phải đi nhờ các cơ quan trên. Ban ngày thì dễ, ban đêm, cứ tầm 10h các cơ quan đóng cổng, nhà chị Minh nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mà công việc của 3 mẹ con thu nhặt ve chai thì không định được thời gian sớm muộn, có hôm về thì các cơ quan đã đóng cửa, đành cậy nhờ chú bảo vệ. Thật là bất tiện cho việc đi lại, chị Minh cùng con trai lớn đã nhiều lần viết đơn đến các cơ quan thành phố, sở Tài nguyên - Môi trường nhưng không được giải quyết.

Gửi đơn lên Thường trực HĐND tỉnh với hy vọng cuối cùng, chị Minh tâm sự. Khi đã có đường đi riêng 3 mẹ con chị Minh đến tận nhà đồng chí Giàng Thị Hoa cảm ơn HĐND tỉnh đã cứu gia đình, trên tay cầm gói bánh gạo vừa mua ngoài chợ, chị Minh không nói lên lời, mãi sau chị bảo: Tôi mà biết có Hội đồng nhân dân sớm thì mẹ con đỡ khổ.  

3. Nhân dân bản Lả Chà đã có cây cầu mới

Bản Lả Chà thuộc xã Pa Tần huyện Nậm Pồ có hơn 60 hộ là đồng bào dân tộc Cống. Bản như một ốc đảo, cách biệt với bên ngoài là một dòng suối, người dân hàng ngày phải lội qua con suối này để đi nương hoặc ra xã về huyện. Về mùa cạn thì lội được, bơi được, mùa mưa nước chảy siết thì đành chịu chờ con nước xuống. Trước tình hình đó, Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc Cống quyết định đầu tư gần 4 tỷ đồng làm cầu treo cho bà con qua sông. Nhân dân trong bản vô cùng phấn khởi khi cây cầu được khởi công. Thế nhưng niềm vui chẳng tầy gang, sau 3 năm, đơn vị thi công mới làm xong 2 mố cầu, đắp chiếu nằm đó. Những cây sắt đã han rỉ theo thời gian, người dân ngày ngày vẫn phải lội, phải bơi qua sông ngước mắt nhìn lên thất vọng.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã vào tận nơi xem hai mố cầu thực hư ra sao? Đúng là hai mố cầu đã thi công xong, phần việc chính của cây cầu, bây giờ chỉ cần kéo cáp, rải gỗ mặt cầu, hoàn thiện lan can là xong, thế mà đơn vị thi công không làm suốt hơn 3 năm trời, người dân bản Lả Chà không tin vào những gì cán bộ nói. Thường trực HĐND tỉnh đã mời chủ đầu tư là Ban Dân tộc tỉnh, UBND huyện Nậm Pồ và các ngành chức năng ngồi lại bàn biện pháp khắc phục, làm sao trước mùa mưa năm nay dân phải có cầu đi.

Hôm nay khi tôi viết những dòng chữ này thì người dân bản Lả Chà đã có cây cầu không sợ mùa mưa lũ. Một việc không lớn nhưng các cơ quan nhà nước, nhất là chủ đầu tư và đơn vị thi công đã làm mất lòng tin của dân, không thực sự vì lợi ích của dân để làm việc có lợi cho dân như lời Bác Hồ đã dặn.

4. 130 hộ dân Tổ dân phố 2, 3 phường Noong Bua sắp có đường nước sạch.

Bãi rác thải Noong bua được hình thành từ khi thành lập thị xã Điện Biên Phủ, những năm gần đây, mặc dù đã được Công ty môi trường đô thị san lấp, mở rộng, nhưng sức chứa của nó đã quá tải. Đặc biệt hơn 130 hộ dân Tổ dân phố 2 và 3 sống gần bãi rác bị ô nhiễm nặng nề, nhất là nguồn nước sinh hoạt. Đa số các hộ dân dùng giếng khoan, bãi rác lâu năm ngấm vào mạch nước ngầm, giếng khoan không thể sử dụng được. Trước thực trạng đó các hộ dân đã kiến nghị với các cấp chính quyền dừng việc đổ rác vào bãi, có lúc dân rào đường không cho xe chở rác vào.

Thường trực HĐND tỉnh đã mời các ngành, UBND thành phố, UBND phường Noong Bua vào thị sát bãi rác, bàn biện pháp khắc phục tạm thời trong khi tìm địa điểm xây dựng bãi rác khác, đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh nghiên cứu đầu tư đường nước sinh hoạt cho các hộ dân khu vực này.

Sau khi có quyết định đầu tư của UBND tỉnh, các ngành chức năng và UBND thành phố đang chuẩn bị các bước tiếp theo để người dân sớm có nguồn nước sạch phục vụ đời sống.                                           

             Như Ngọc

 

 


Tin liên quan
Điện Biên triển khai, thi hành Luật căn cước công dân
Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành
Những ý kiến tham gia đã được đưa vào luật Tổ chức Chính quyền địa phương
Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND
Mường Nhé nhiều chương trình, dự án đầu tư có hiệu quả dành cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tên gọi khác của đồi A1 trước chiến dịch điên biên phủ năm 1954.
Tiếp thêm niềm tin cho dân tộc rất ít người
Còn nhiều việc cần “bàn”
Giám sát mạnh sẽ tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động
Đại biểu HĐND không cần tăng nhiều về số lượng nhưng phải tăng mạnh về chất lượng