Nghiên cứu - Trao đổi  

Điện Biên triển khai, thi hành Luật căn cước công dân

Cập nhật ngày 24/07/2015 08:43:56 AM - Lượt xem: 256

CTTĐT - Ngày 18/5/2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 385/QĐ-UBND Ban hành kế hoach triển khai Luật Căn cước công dân; UBND tỉnh đặt ra mục đích là triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật Căn cước công dân trên địa bàn tỉnh, đáp ứng các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính trong cấp và quản lý căn cước công dân; thực hiện quản lý, duy trì hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu căn cước công dân góp phần phục vụ quản lý dân cư, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.


Kế hoạch của UBND tỉnh cũng đã đề ra nội dung, công việc cụ thể và thời gian thực hiện, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong phối hợp triển khai, thực hiện Luật Căn cước công dân trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật Căn cước công dân, đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu.           

Luật Căn cước công dân quy định về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, sử dụng thẻ Căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, là Luật đầu tiên ghi nhận về việc căn cước công dân với nhiều điểm mới tích cực, Trong đó, điểm mới quan trọng nhất là việc quy định về Thẻ căn cước công dân thay cho Chứng minh nhân dân hiện tại. Cụ thể là:

Thẻ Căn cước công dân cũng giống như Chứng minh nhân dân hiện tại là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, thẻ căn cước công dân còn có ý nghĩa quốc tế khi được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Đặc biệt, Thẻ căn cước không chỉ có ý nghĩa là Giấy tờ nhận dạng như Chứng minh nhân dân mà còn có ý nghĩa là Giấy tờ thể hiện toàn bộ vấn đề về lai lịch, nhân dạng của công dân. Cụ thể là số thẻ căn cước công dân chính là số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là mã số dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được cấp duy nhất một lần cho một cá nhân. Vì vậy, với số định danh cá nhân này, có thể tìm kiếm được đầy đủ các thông tin nhân thân của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia như: Ảnh chân dung; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Họ, tên gọi khác; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Tình trạng hôn nhân; Nơi thường trú; Nơi ở hiện tại; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; Đặc điểm nhân dạng; Vân tay; Nhóm máu; Nghề nghiệp; Trình độ học vấn; Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích...

Bởi vậy, công dân chỉ cần xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm bất kỳ giấy tờ khác chứng nhận các thông tin nêu trên. Đồng thời, khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, cá nhân xuất trình thẻ căn cước công dân, trong đó có số định danh của mình. Quy định này nhằm giảm thiểu tối đa những giấy tờ hành chính cho công dân, đồng thời giúp cho thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ và nhanh chóng hơn.

Thẻ căn cước công dân cũng được cấp cho Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên như Chứng minh nhân dân. Trẻ em dưới 14 tuổi vẫn được cấp Giấy khai sinh theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quyền được khai sinh của trẻ em, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như phù hợp với bản chất của việc cấp Thẻ căn cước công dân – khi các đặc điểm nhận dạng của một cá nhân đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu như Chứng minh nhân dân hiện nay có giá trị sử dụng đều đặn là 15 năm, thì Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Đây là quy định nhằm đảm bảo đầy đủ tính khoa học trong cập nhật về đặc điểm nhận dạng của cá nhân tại mỗi độ tuổi khác nhau.

Luật Căn cước công dân cũng đã mở rộng thẩm quyền cấp Thẻ căn cước công dân cho các cơ quan và đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ căn cước công dân. Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi như cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an; cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an cấp tỉnh, hoặc Công an cấp huyện để xin cấp Thẻ căn cước công dân và không mất lệ phí cấp Thẻ. Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt, công dân có quyền yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác và trả thêm phí dịch vụ chuyển phát. Quy định về thủ tục cấp Thẻ căn cước công dân linh hoạt hơn rất nhiều so với quy định cấp Chứng minh nhân dân hiện nay sẽ đáp ứng nhu cầu cấp giấy tờ về căn cước công dân ngày càng tăng của công dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục và góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc không gây ảnh hưởng đến người dân đang sử dụng Chứng minh nhân dân, Luật mới cũng quy định khi công dân có yêu cầu thì sẽ được đổi Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân. Đồng thời, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Luật cũng quy định rõ lộ trình chuyển đổi từ Chứng minh nhân dân sang sử dụng Căn cước công dân, theo đó, các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019. Địa phương còn hạn chế về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày Luật căn cước công dân có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 phải thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hướng dẫn kịp thời, sát sao của các Bộ, ngành Trung ương và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, sự đồng thuận thực hiện của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, Tỉnh ta chắc chắn sẽ hoàn thành việc trển khai, thi hành Luật Căn cước công dân theo đúng lộ trình, tiến độ kế hoạch của tỉnh cũng như Trung ương đã đề ra./.

                                             Đỗ Thị Luyến

Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Điện Biên

 


Tin liên quan
Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành
Những ý kiến tham gia đã được đưa vào luật Tổ chức Chính quyền địa phương
Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND
Mường Nhé nhiều chương trình, dự án đầu tư có hiệu quả dành cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tên gọi khác của đồi A1 trước chiến dịch điên biên phủ năm 1954.
Tiếp thêm niềm tin cho dân tộc rất ít người
Còn nhiều việc cần “bàn”
Giám sát mạnh sẽ tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động
Đại biểu HĐND không cần tăng nhiều về số lượng nhưng phải tăng mạnh về chất lượng
Tập trung lãnh đạo phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2015