Nghiên cứu - Trao đổi  

Một số chuyển biến về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh qua các giai đoạn trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Cập nhật ngày 19/05/2023 14:14:09 PM - Lượt xem: 256


Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi Lễ công bố Nghị quyết của HĐND tỉnh và gắn biển tên Đường 7 tháng 5 chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập thành phố Điện Biên Phủ (18/4/1992 - 18/4/2022). Ảnh: PV

Ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa X đã phê chuẩn việc điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu. Theo đó, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh là Lai Châu mới và Điện Biên. Trải qua từng năm và các giai đoạn về thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đến nay, tỉnh Điện Biên đã trải qua 03 giai đoạn về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020) và đang thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Các giai đoạn đều có những mục tiêu chung, nhưng cũng có nhiều nhiệm vụ phản ánh đặc điểm, mục tiêu mang tính đặc thù của bối cảnh cụ thể từng giai đoạn. Sau 15 năm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ 2006 - 2020, kinh tế tỉnh Điện Biên đã đạt được một số kết quả nổi bật, như: 

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010

Giai đoạn 2006 - 2010 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, trong nước có nhiều biến động phức tạp, trong điều kiện của một tỉnh miền núi kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí còn hạn chế. Song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện, quốc phòng – an ninh được bảo đảm, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm là 11,62%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2001 - 2005 (9,3%), đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm đã đề ra (mục tiêu 11-12%). Quy mô GDP theo giá thực tế năm 2010 đạt 5.625 tỷ đồng, gấp 2,37 lần năm 2005; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4,46 triệu đồng năm 2005 lên 11,15 triệu đồng năm 2010. Tổng sản lượng lương thực tăng từ 176,7 ngàn tấn năm 2005 lên 222,49 ngàn tấn năm 2010 (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra). Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2006 - 2010 trung bình hàng năm tăng 27,7%, năm 2010 đạt 440,5 tỷ đồng gấp 3,4 lần so với năm 2005. Cơ bản hoàn thành chương trình di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Các lĩnh vực về giáo dục - đào tạo, dân số, việc làm và giảm nghèo, y tế chăm sóc sức khỏe Nhân dân và các hoạt động văn hóa – xã hội khác đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững, nâng cao từng bước đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đến năm 2010, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 là tạo việc làm mới, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I, xây dựng gia đình, thôn, bản văn hóa… 

Giai đoạn 2011 - 2015, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết 

Tại kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 248/2011/NQ-HĐND, ngày 25 tháng 7 năm 2011 Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2011 - 2015, trong đó cụ thể mục tiêu tổng quát và các nhiệm vụ chủ yếu. Qua 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, vượt qua những khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế phát triển ổn định, tăng trưởng bình quân hàng năm cao hơn so với nhịp độ tăng trưởng GDP cả nước. Các ngành sản xuất chủ yếu có mức tăng trưởng khá. Văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục có chuyển biến tích cực. Công tác giảm nghèo, phát triển nông thôn mới đạt kết quả đáng khích lệ; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện. Kết cấu hạ tầng xã hội tiếp tục được đầu tư đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng – an ninh. Quốc phòng – an ninh và hoạt động đối ngoại được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Đến hết năm 2015, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm cơ bản hoàn thành, đưa tỉnh Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển, cụ thể như sau: 

Tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân trong giai đoạn đạt 9,12%/năm, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 4,53%/năm; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 7,3%/năm; khu vực dịch vụ tăng 12,95%/năm (tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP) theo thông báo của tổng cục Thống kê bình quân 5 năm (2011 - 2015) đạt 5,93%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 1.012 USD, gấp 1,84 lần năm 2010 và gần bằng 50% GRDP bình quân đầu người cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 23,92%, công nghiệp – xây dựng chiếm 26,37%; dịch vụ chiếm 49,71% trong cơ cấu kinh tế. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 13,37%/năm. Thu ngân sách năm 2015 đạt 824,94 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với năm 2010; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 7.242 tỷ đồng, gấp 2,99 lần so với năm 2010. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 là 33.615 tỷ đồng, tăng gấp 2,53 lần giai đoạn 2011 - 2015, vượt so với mục tiêu đề ra. Mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 - 8.500 lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 29,51% năm 2010 lên 43,77% năm 2015; tạo việc làm mới đạt trung bình 8.526 lao động/ năm. Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ II; học sinh 6 - 10 tuổi đến trường đạt 99,2%, học sinh 11 - 14 tuổi đi học THCS đạt 90,2%, học sinh 15 - 18 tuổi đi học THPT đạt 55,2%. Đến năm 2015, hều hết các chỉ tiêu chủ yếu về y tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,14%/năm; 73,26% dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 97,49% dân cư đô thị được cấp nước sạch sinh hoạt... 

Thực hiện tốt 3 đột phá, chiến lược theo Nghị quyết đại hội XII của Đảng và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên

Thực hiện Nghị quyết số 392/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh về kế khoạch phát triển 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020, đa số các mục tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển kết cấu hạ tầng về kinh tế xã hội cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết; cụ thể như: 18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, đa số các chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt kế hoạch. Trong đó thực hiện tốt 3 đột phá, chiến lược theo Nghị quyết đại hội XII của Đảng: Về xây dựng, ban hành hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, kịp thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, tâp trung vào một số công trình trọng điểm, hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị thiết yếu; phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020, đạt 6%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020, đạt 33,47 triệu đồng/ người/ năm. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, đạt trên 56.000 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020, đạt trên 1.200 tỷ đồng, tăng gấp 1,52 lần so với năm 2015. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển, tập trung chủ yếu vào ngành tiềm năng thế mạnh. Huy động, quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng kinh tế và các thành phần kinh tế theo hướng đa dạng. Công tác sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và vùng đồng bào tái định cư thủy điện Sơn La được quan tâm, chỉ đạo từng bước phát huy hiệu quả. Quản lý khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giáo dục, đào tạo đạt được kết quả tích cực, tiếp tục đổi mới, căn bản, toàn diện theo Nghị quyết đại hội 8 (khóa XI). Chất lượng giáo dục, đào tạo từng bước được nâng lên; Mạng lưới trường lớp học phát triển tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, huy động trẻ đến trường đạt tỷ lệ cao. Công tác y tế, dân số được quan tâm thực hiện, mạng lưới y tế từng bước được hoàn thiện và củng cố theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ y tế được nâng lên, nhất là bác sỹ, dược sỹ có trình độ sau đại học. Hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân; tập trung bảo tồn phát huy giá trị di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nhất là bản sắc văn hóa các dân tộc để phục vụ phát triển du lịch. Các chương trình, dự án, đề án chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng dân tộc khó khăn được triển khai hiệu quả, góp phần ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về khu vực phòng thủ, triển khai hiệu quả, toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ mọi tình huống...   

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết Số: 186/NQ-HĐNDngày  08  tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIV  Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; trong đó đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 về kinh tế, xã hội, hạ tầng thiết yếu, môi trường, xây dựng chính quyền; đồng thời, đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm và 7 giải pháp chủ yếu để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nhấn mạnh phần nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai, cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược trọng tâm là: Tập trung huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai và các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại; tập trung phát triển hạ tầng giao thông đối ngoại, nhất là các tuyến đường có tính kết nối có tác động liên vùng. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng đô thị với tầm nhìn dài hạn, đặc biệt là quy hoạch của thành phố Điện Biên Phủ; phấn đấu xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đạt tiêu chí đô thị loại II. Tập trung nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cơ chế thu hút mạnh nguồn lực cho đầu tư phát triển; chú trọng trong việc phát hiện người tài, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực.

Đến hết năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP năm 2022 (theo giá so sánh) đạt 13.963,91 tỷ đồng, tăng trên 10 % so với năm 2021; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo định hướng: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16,93%, giảm 0,67%; công nghiệp - xây dựng chiếm21,25%, tăng 1,63%; dịch vụ chiếm 57,41%, giảm 0,86%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 4,41% giảm 0,1% (so với năm 2021). GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) ước đạt 39,68 triệu đồng/người/năm, tăng 11,87% so với năm 2021.  Môi trường đầu tư kinh doanh tích cực được cải thiện, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu đã tạo được sự tín nhiệm và sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư lớn trong cả nước. Tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn hàng đầu của đất nước đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký kết thoả thuận hợp tác với tỉnh như: Sun Group, Vingroup, Công ty CP đầu tư xây dựng hạ tầng & Giao thông (Intracom),... đồng thời, UBND tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết số 57/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2022, với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng Nhân dân và tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trong giới thiệu vị trí, địa điểm đầu tư và tiến hành lập quy hoạch chi tiết, lập đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án có tiềm năng, triển vọng, xây dựng được mối quan hệ tin cậy, mở ra bức tranh tươi sáng về đầu tư của tỉnh trong thời gian tới./.

Thúy Chinh

 


Tin liên quan
Khi kết quả thực hiện Nghị quyết chưa đạt như kỳ vọng
Nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát cơ động
Kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh
ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực
Tình hình phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với các Báo cáo của UBND, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Cục Thi hành án dân sự
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Ủy Ban nhân dân tỉnh kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân
Chú trọng công tác tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
Cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách để đảm bảo yếu tố bền vững trong điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em