Nghiên cứu - Trao đổi  

Kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh

Cập nhật ngày 22/02/2023 09:49:20 AM - Lượt xem: 256

Mắc ca được xác định là cây chiến lược, chủ lực, nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Việc phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy tích cực kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trồng cây Mắc ca, UBND tỉnh đã rất chủ động chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án.


Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với huyện Mường Nhé về việc phát triển Mắc ca

Tình hình, kết quả triển khai thực hiện các dự án trồng Mắc ca

Tính đến tháng 9/2022, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư 13 dự án trồng cây Mắc ca với quy mô 85.815 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 15.551 tỷ đồng. Tổng diện tích đã đo đạc, quy chủ của các dự án  là 14.496 ha, đạt 18% tổng diện tích phải thực hiện đo đạc của các dự án. Tổng diện tích cây Mắc ca đã trồng trên địa bàn là 4.129 ha, trong đó: 4.077 ha do nhà đầu tư trồng, đạt 28% so với tiến độ phê duyệt đến năm 2022 và đạt 5% so với quy mô được phê duyệt của các dự án trên địa bàn tỉnh; 52 ha do 02 Hợp tác xã tại Mường Ảng trồng. Đến nay, diện tích đã cho thu hoạch quả khoảng 300 ha của Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca trồng tại huyện Tuần Giáo, sản lượng năm 2022 ước đạt 100 tấn quả tươi.

Theo báo cáo của các nhà đầu tư, tổng kinh phí đầu tư thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca là 1.302.631 triệu đồng, đạt 8,4% so với tổng vốn đăng ký của các dự án. Trong đó: vốn góp của nhà đầu tư là 666.105 triệu đồng (chiếm 51%); vốn huy động là 636.526 triệu đồng (chiếm 49%).

Hầu hết các doanh nghiệp có dự án đầu tư trồng cây Mắc ca trên địa bàn đều tuyển dụng lao động thời vụ là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, trả công từ 200-300 nghìn đồng/ngày công. Công ty Cổ phần Liên Việt Điện Biên thực hiện khoán chăm sóc, bảo vệ theo diện tích người dân góp. Theo đó, tính bình quân tiền công khoảng 10 triệu/ha/năm, người dân có thể trồng xen cây trồng ngắn ngày như cây sắn tại taluy giữa hai đường đồng mức hiệu quả rất tốt, người dân vừa được hưởng công chăm sóc, vừa được thu hoạch sắn. Một số Công ty có tuyển dụng lao động thường xuyên là người địa phương làm công nhân, kỹ thuật, nhân viên.

Mặc dù các các cấp, các ngành, địa phương và các nhà đầu tư đã có nhiều cố gắng để triển khai thực hiện, song tiến độ thực hiện các dự án trồng Mắc ca còn rất chậm, so với tiến độ được phê duyệt năm 2022 mới chỉ đạt khoảng 14%, dự kiến phải điều chỉnh giảm 4.597ha. 04 dự án đã quá thời gian thực hiện nhưng chưa hoàn thành theo quy mô đầu tư được duyệt, cá biệt có dự án 02 năm không triển khai thực hiện trồng mới. Một số diện tích cây Mắc ca đã trồng các năm trước chưa được quan tâm chăm sóc theo đúng kỹ thuật, một số khu vực để thực bì phủ kín cây Mắc ca đã trồng. Nhiều nhà đầu tư chưa thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định hoặc tự phê duyệt khi chưa có ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương liên quan.

Nguyên nhân chậm tiến độ

Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do các vướng mắc về đất đai chưa được tập trung giải quyết dứt điểm. Đa số diện tích đất trong vùng dự án, bao gồm cả diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đều đang do người dân quản lý, sử dụng, canh tác nương rẫy, chưa được đo đạc, quy chủ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện chậm so với tiến độ đề ra. Công tác quản lý đất đai của một số UBND cấp xã còn buông lỏng, để người dân xâm canh luân canh giữa các bản, các xã giáp ranh dẫn đến tranh chấp làm chậm tiến độ đo đạc, quy chủ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn lúng túng, chưa nắm rõ yêu cầu, nhiệm vụ, chưa thống nhất trong cách thức triển khai thực hiện; việc phối hợp với các nhà đầu tư trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn nhiều bất cập. Công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận, tham gia thực hiện dự án của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực đất đai, tư pháp của các địa phương còn hạn chế, chưa nắm rõ về quy định của nhà nước về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên liên quan cũng như việc thực hiện các quy trình, thủ tục, hồ sơ về đất đai, hợp đồng dân sự đối với việc chuyển nhượng, góp vốn đầu tư bằng quyền sử dụng đất.

Đa số các nhà đầu tư chưa chủ động trong việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án theo quy định, chưa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác đo đạc, quy chủ, giải phóng mặt bằng và thực hiện hỗ trợ cho người dân công khai hoang, cải tạo đất. Một số nhà đầu tư chưa quyết liệt thực hiện đầu tư theo cam kết; việc huy động nguồn lực đầu tư hạn chế, nhất là việc huy động nguồn vốn để đầu tư mở rộng diện tích cây Mắc ca còn rất khó khăn do chưa đảm bảo thủ tục pháp lý để định giá vườn cây Mắc ca đã trồng; đầu tư thiếu trọng tâm trọng điểm, dàn trải trên nhiều địa bàn, khoảng cách, cự ly giữa các vùng không thuận lợi cho hoạt động quản lý.

Kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca

Qua khảo sát tình hình thực hiện phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị nhiều giải pháp đối với UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 2783/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh, ưu tiên đối với diện tích đất đã được đo đạc, quy chủ và diện tích đất trong vùng dự án trồng cây Mắc ca; chủ động phối hợp, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhà đầu tư trong quá trình tổ chức thực hiện các thủ tục pháp lý trong quá trình thực hiện Dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện các văn bản, hướng dẫn của UBND tỉnh, các sở, ngành về việc phát triển các dự án Mắc ca; khuyến khích thực hiện hình thức liên kết trồng cây Mắc ca giữa nhà đầu tư với người dân thông qua Tổ hợp tác song song với mô hình liên kết thông qua Hợp tác xã như hiện nay; kiểm tra, rà soát đánh giá lại năng lực, phương án tài chính, khả năng triển khai thực hiện của các nhà đầu tư; kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư đối với các chủ đầu tư, các dự án không có khả năng triển khai thực hiện, kịp thời yêu cầu điều chỉnh quy mô dự án, thời gian thực hiện phù hợp năng lực của nhà đầu tư, tiết kiệm quỹ đất để tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư khác đến tìm hiểu và đầu tư.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý giống cây Mắc ca; phối hợp với nhà đầu tư hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Mắc ca, hướng dẫn việc trồng xen các loài cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ có giá trị hoặc các loại cây ngắn ngày với cây Mắc ca.

Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người dân, cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhà đầu tư về các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Sở Tư pháp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người dân, cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp, nhà đầu tư về các thủ tục pháp lý liên quan đến việc chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Sở Kế hoạch và Đầu tư nâng cao năng lực thẩm định chủ trương đầu tư, tăng cường công tác kiểm tra tiến độ triển khai dự án; kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án của nhà đầu tư, trong đó chú trọng thời gian thực hiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục theo quy định.

Liên minh Hợp tác xã nâng cao chất lượng công tác phổ biến, tập huấn kiến thức pháp luật về Hợp tác xã, Tổ hợp tác để nâng cao nhận thức của nhân dân, thành viên Hợp tác xã, Tổ hợp tác về vị trí, vai trò, trách nhiệm và năng lực quản lý, điều hành, quản lý Hợp tác xã, Tổ hợp tác.                                                  

Các huyện và thành phố Điện Biên Phủ đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đối với diện tích đất đã được đo đạc, quy chủ và diện tích đất trong vùng dự án; chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển cây Mắc ca; thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng lao động và việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động của các doanh nghiệp tại các dự án trồng Mắc ca trên địa bàn.

Các nhà đầu tư thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định; huy động nguồn lực để triển khai hoàn thành diện tích mắc ca theo chủ trương được phê duyệt; chú trọng việc liên kết với người dân thông qua Hợp tác xã để trồng Mắc ca; kịp thời hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Mắc ca khi thực hiện việc liên kết; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong quá trình tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện dự án, nhất là trong công tác đo đạc, quy chủ, hỗ trợ khai hoang cho người dân và thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định; thực hiện ký kết hợp đồng lao động, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật

Việc phát triển cây Mắc ca phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước được đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị và Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, ngày 04/11/2022 UBND tỉnh Điện Biên đã gửi văn bản đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây  Mắc ca trên địa bàn miền núi, vùng đặc biệt khó khăn./.

Lò Thị Luyến
Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh

 

 

 


Tin liên quan
ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực
Tình hình phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với các Báo cáo của UBND, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Cục Thi hành án dân sự
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Ủy Ban nhân dân tỉnh kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân
Chú trọng công tác tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
Cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách để đảm bảo yếu tố bền vững trong điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em
CÔNG TÁC XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Một số giải pháp tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ các kỳ họp HĐND tỉnh của phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị
7 nhóm chính sách lớn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ