Nghiên cứu - Trao đổi  

Tình hình phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Cập nhật ngày 22/02/2023 09:24:14 AM - Lượt xem: 256

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực của đất nước nói chung và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức viên chức (CBCCVC) người dân tộc thiểu số nói riêng. Việc ban hành các chính sách phát triển nguồn nhân lực đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, cũng như phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của cả nước nói chung và các tỉnh miền núi nói riêng. Điển hình phải kể đến Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ “về việc phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”. Trên cơ sở Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành cụ thể hóa nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác quản lý nhà nước về xây dựng đội ngũ CBCCVC người dân tộc thiểu số của tỉnh tiếp tục được các cấp các ngành quan tâm, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ.


Đồng chí Mùa Thanh Sơn, UVTT, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát việc thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Mường Chà. 

Những kết quả nổi bật

Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án, số lượng, chất lượng đội ngũ CBCCVC người dân tộc thiểu số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh từng bước được nâng lên. Đội ngũ CBCCVC người dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, sau khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy năng lực, sở trường, củng cố chuyên môn, góp phần quan trọng vào hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ, công vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là tại các địa bàn có nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống; bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý: Tính đến thời điểm 30/6/2022, số CCVC người dân tộc thiểu số toàn tỉnh được tuyển dụng là 1.952 người trên 3.166 CCVC được tuyển dụng, chiếm 61,6%. Việc sử dụng, quản lý CCVC người dân tộc thiểu số được các cơ quan, đơn vị thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm đồng thời gắn với năng lực, sở truờng công tác, bảo đảm tương đối hài hoà, hợp lý. Bên cạnh đó công tác quản lý, đánh giá CBCCVC cũng được quan tâm chú trọng; kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng là cơ sở quan trọng trong thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC nói chung và CBCCVC người dân tộc thiểu số nói riêng. Vì vậy, chất lượng đội ngũ CBCCVC người dân tộc thiểu số từng bước được củng cố, nâng cao, ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong công tác, hoạt động. Trong công tác tuyển dụng, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chú trọng quan tâm tuyển dụng sinh viên là người dân tộc thiểu số tốt nghiệp hệ cử tuyển vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương (tuyển dụng được 183 sinh viên).

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao kiến thức, các kỹ năng hoạt động cho đội ngũ CBCCVC người dân tộc thiểu số tỉnh đã xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho 16.902 lượt CBCCVC người dân tộc thiểu số về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, kiến thức quản lý Nhà nước, trong đó, có 08 CBCCVC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

Đến nay, toàn tỉnh có 11.936 CBCCVC người dân tộc thiểu số trên 24.992 CBCCVC hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương (chiếm 47,76%). Trong đó, cấp tỉnh là 2.301 người trên 7.619 tổng số biên chế hiện có, đạt tỷ lệ 29,92%; cấp huyện là 7.476 người trên 14.797 tổng số biên chế hiện có, đạt tỷ lệ 50,52%; cấp xã là 2.159 người trên 2.576 tổng số biên chế hiện có, đạt tỷ lệ 83,81% .

Có 09 cơ quan, đơn vị đạt tỷ lệ CBCCVC người dân tộc thiểu số trên 20% so với biên chế và số lượng người được giao; 18 cơ quan, đơn vị có tỷ lệ CBCCVC người dân tộc thiểu số dưới 20% so với biên chế và số lượng người làm việc được giao, còn 08 cơ quan, đơn vị chưa bố trí CBCCVC người dân tộc thiểu số. 09/10 đơn vị cấp huyện đạt tỷ lệ CBCCVC người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị so với tổng biên chế và số lượng người làm việc được giao; 125 đơn vị cấp xã có tỷ lệ CBCC người dân tộc thiểu số đạt và vượt yêu cầu; 04 đơn vị cấp xã có tỷ lệ CBCC người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu của Đề án. Ban Dân tộc tỉnh có tỷ lệ công chức người dân tộc thiểu số là 45% (vượt 5% so với mục tiêu Đề án). Đối với Phòng Dân tộc cấp huyện, có 05/08 huyện đạt và vượt mục tiêu Đề án, 03/08 huyện chưa đạt tỷ lệ theo quy định.

Về Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển: Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển CBCCVC nói chung và CBCCVC người dân tộc thiểu số nói riêng được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của các cấp có thẩm quyền.  Số CBCCVC người dân tộc thiểu số được quy hoạch là 343 người. Số CBCCVC người dân tộc thiểu số được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh Trưởng phòng và tương đương trở lên là 321 người. Số CBCCVC người dân tộc thiểu số luân chuyển là 36 người.

Việc bố trí CBCCVC người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện cơ bản bảo đảm tỷ lệ theo quy định. Đến thời điểm 30/6/2022, khối Chính quyền có 1.128 CBCCVC người dân tộc thiểu số các cấp giữ chức danh lãnh đạo quản lý trên 11.702 CBCCVC người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 9,63% (yêu cầu tối thiểu là 10%); Khối Đảng, Đoàn thể có 82 CBCCVC người dân tộc thiểu số các cấp giữ chức danh lãnh đạo quản lý trên 234 CBCCVC người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 35,04% (yêu cầu tối thiểu là 10%).

Những khó khăn, hạn chế cần khắc phục

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế: Số lượng CB,CC,VC người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý tại một số cơ quan, đơn vị chưa đạt tỷ lệ quy định; Năng lực chỉ đạo, điều hành, công tác của một bộ phận CB,CC,VC người dân tộc thiểu số nhất là cán bộ, công chức cơ sở còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới; việc tuyển d sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển còn gặp rất nhiều khó khăn; công tác phối hợp giữa cơ sở đào tạo, bồi dưỡng với các sở, ban, ngành, cấp huyện trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC còn hạn chế; kinh phí dành cho công tác đào tạo bồi dưỡng còn hạn hẹp...

Những giải pháp cơ bản

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quan tâm quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ “về việc phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra triển khai thực hiện các mục tiêu Đề án trên địa bàn toàn tỉnh. Hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc... cho đội ngũ CBCCVC người dân tộc thiểu số. Quan tâm phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC nói chung, CBCCVC người dân tộc thiểu số nói riêng. Nghiên cứu có các chính sách ưu tiên trong giáo dục và đào tạo đối với người dân tộc thiểu số; công tác đào tạo, cử tuyển sinh viên, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tiếp tục thực hiện việc dạy và học tiếng Thái, tiếng Mông cho CBCCVC toàn tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ CBCCVC người dân tộc thiểu số thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý, sử dụng, bảo đảm về số lượng, chất lượng và có năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, bản lĩnh chính trị vững vàng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

MÙA THANH SƠN
Uỷ viên Thường trực, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh

 

 

 


Tin liên quan
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với các Báo cáo của UBND, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Cục Thi hành án dân sự
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Ủy Ban nhân dân tỉnh kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân
Chú trọng công tác tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
Cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách để đảm bảo yếu tố bền vững trong điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em
CÔNG TÁC XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Một số giải pháp tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ các kỳ họp HĐND tỉnh của phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị
7 nhóm chính sách lớn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
HỌC TẬP PHONG CÁCH VIẾT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở