Nghiên cứu - Trao đổi  

Cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách để đảm bảo yếu tố bền vững trong điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em

Cập nhật ngày 22/02/2023 08:35:29 AM - Lượt xem: 256

“Đề nghị ban hành quy định để Bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính thể vừa và thể nặng” đó là ý kiến của đồng chí Lò Thị Luyến, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu chuyên trách và kỳ họp thứ 3, thứ 4, Quốc hội khoá XV.


ĐBQH Lò Thị Luyến cùng Đoàn khảo sát của Bộ Y tế và Tổ chức Unicef khảo sát đánh giá mô hình điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em tại xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông.
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 08 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố với 129 xã, phường, thị trấn, trong đó có 07 huyện nghèo, 94 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn và 29 xã thuộc khu vực biên giới; tổng dân số toàn tỉnh là trên 620 nghìn người với 19 dân tộc cùng sinh sống, 82,6% là dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2021 là 34,9%, đa số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến trẻ em, trong đó có vấn đề về y tế, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em. Tuy nhiên, chưa có chính sách hữu hiệu để điều trị hiệu quả bệnh SDD cấp tính nặng. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Điện Biên, mỗi năm trên địa bàn tỉnh ước tính có khoảng trên 3.400 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính mức độ nặng cần được can thiệp, điều trị.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV đã quy định việc chỉ định sử dụng dinh dưỡng sớm và theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh nội trú trong quá trình điều trị, các nguyên tắc đảm bảo khi chỉ định dùng sản phẩm, nhưng Dự thảo Luật chưa quy định việc chi trả kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế cho "sản phẩm dinh dưỡng điều trị" để điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã bỏ hoàn toàn các quy định trên với lý do trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và “sản phẩm dinh dưỡng điều trị” hiện vẫn chưa xác định rõ cơ chế quản lý (là thuốc hay là thực phẩm chức năng?), chưa đánh giá tác động chặt chẽ, nhiều chiều đến công tác quản lý nhà nước và khả năng đáp ứng của Quỹ Bảo hiểm y tế cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Hiện nay, việc điều trị SDD nói chung, SDD cấp tính nặng nói riêng tại Việt Nam mới đang tập trung ở công tác tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ, việc thực hành dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ và điều trị các bệnh nhiễm trùng khi trẻ bị bệnh, chưa có thuốc điều trị cho bệnh này. Sản phẩm dinh dưỡng điều trị đang được coi là “thuốc đặc hiệu duy nhất” điều trị hiệu quả bệnh SDD cấp tính nặng được Tổ chức y tế Thế giới khuyến cáo trên toàn cầu. Bộ Y tế cũng đã đưa vào trong Hướng dẫn Quốc gia chuẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi. Tuy nhiên do “sản phẩm dinh dưỡng điều trị” không phải là “thuốc” nên không được Bảo hiểm y tế chi trả.

Trong 3 năm (2019-2021), Điện Biên được Unicef và Tổ chức tầm nhìn thế giới lựa chọn để hỗ trợ thực hiện mô hình can thiệp dùng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng), với tổng số trẻ được tham gia điều trị là 360 trẻ. Kết quả, số trẻ được dùng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt để điều trị của 2 mô hình đều đáp ứng rất tốt (tỷ lệ phục hồi hoàn toàn của trẻ ở mô hình Unicef là 82,7%, Tổ chức tầm nhìn thế giới là 68,7%). Tuy nhiên độ bao phủ của can thiệp này còn rất hạn hẹp, mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 3% tổng số trẻ bị SDD cấp tính nặng trên địa bàn tỉnh, vẫn còn trên 97% số trẻ SDD cấp tính nặng mỗi năm chưa được can thiệp điều trị, chưa được cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ vì không có nguồn lực. Mỗi năm trên địa bàn tỉnh Điện Biên có khoảng gần 500 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do nhiều nguyên nhân, nhưng đa số các trẻ này đều bị SDD.

“Trẻ không phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo đều có thể bị suy dinh dưỡng. Nhưng nếu gia đình có điều kiện thì sẽ tìm cách để can thiệp ngay nhằm cải thiện thể trạng sức khỏe và số trẻ này sẽ không bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính. Số trẻ con nhà nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số đa số sẽ bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính do không có điều kiện chăm sóc đảm bảo dinh dưỡng. Sản phẩm dinh dưỡng điều trị (thành phần có đủ năng lượng, dưỡng chất và vi dưỡng chất, có thể dùng thay thế hoàn toàn bữa ăn cho trẻ) như là một loại thuốc cứu cánh trong điều trị. Trẻ dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí nhưng sản phẩm này không được gọi là thuốc nên không được Bảo hiểm y tế chi trả, trong khi gia đình thì khó khăn không có tiền mua nên rất cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách để đảm bảo yếu tố bền vững trong điều trị, cứu lấy sinh mạng và giúp số trẻ này được phát triển bình thường”, đại biểu Lò Thị Luyến nêu quan điểm.

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng “sản phẩm dinh dưỡng điều trị” là thuốc hay thực phẩm chức năng không quan trọng, quan trọng nhất là nó điều trị cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính hiệu quả, chỉ có điều chúng ta có chấp nhận cho Bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm này hay không. Sản phẩm này đã được Tổ chức y tế thế giới chính thức giới thiệu công thức từ 2007, khuyến cáo sử dụng sản phẩm để điều trị cho trẻ bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính, hiện có 53 quốc gia trên thế giới đã phân bổ kinh phí chi trả cho sử dụng sản phẩm này điều trị cho trẻ (khu vực châu Á có: Campuchia, Indonesia, Philippin, Đôngtimo). Việt Nam chúng ta là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (20/10/1990, đến nay đã được 32 năm), Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia đã đảm bảo về an ninh lương thực, chính sách an sinh xã hội được quan tâm nhưng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn ở mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực. Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, truyền thông nâng cao nhận thức thì việc giành ngân sách từ Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt để điều trị cho trẻ là yếu tố bền vững để cải thiện tình trạng trên.

Trong bài phát biểu của mình tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, đại biểu Lò Thị Luyến cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính toán đánh giá xem nếu áp dụng việc chi trả để điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi trên toàn quốc thì mỗi năm kinh phí chi trả sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng chi của Quỹ Bảo hiểm y tế.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4. Tuy nhiên trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, một số nội dung chưa có sự đồng thuận cao, có nội dung cần phải nghiên cứu đánh giá thêm, trong đó có nội dung về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Luật này tại kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian chuẩn bị một cách kỹ lưỡng hơn, tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, lấy ý kiến chuyên gia và đối tượng chịu sự tác động, hoàn thiện Dự thảo Luật./.

Nguyễn Mai Hồng 
Phó Trưởng phòng Công tác Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
 


Tin liên quan
CÔNG TÁC XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Một số giải pháp tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ các kỳ họp HĐND tỉnh của phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị
7 nhóm chính sách lớn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
HỌC TẬP PHONG CÁCH VIẾT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Tích cực, trách nhiệm, có nhiều đóng góp vào thành công của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên năm đầu tiên nhiệm kỳ Khóa XV Trách nhiệm, chủ động, tích cực
TỔ CHỨC THÀNH CÔNG 03 KỲ HỌP TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra 11 dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh khóa XV