Nghiên cứu - Trao đổi  

Nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát cơ động

Cập nhật ngày 03/04/2023 10:03:55 AM - Lượt xem: 256

Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 (Luật số 04/2022/QH15) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3; gồm 05 chương, 33 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, thay thế Pháp lệnh Cảnh sát cơ động số 08/2013/UBTVQH13.


Vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động

Điều 3 Luật Cảnh sát cơ động quy định: “Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Nhà nước xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát cơ động. Cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh. Ngày 15 tháng 4 hằng năm là ngày truyền thống của Cảnh sát cơ động (Điều 6).

Cảnh sát cơ động (nguồn Internet)

Điều 9 Luật Cảnh sát cơ động quy định 09 nhóm nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, trong đó, bổ sung 02 nhiệm vụ mới (khoản 5, khoản 8). Cảnh sát cơ động có nhiệm vụ: Tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an về biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố. Sử dụng biện pháp vũ trang và các biện pháp công tác khác để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Xây dựng, diễn tập phương án để thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động và cán bộ, chiến sĩ, học viên trong Công an nhân dân; chủ trì, phối hợp huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng được huy động tham gia chống khủng bố; tham gia huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ thuộc các Bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật. Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện nghi lễ trong Công an nhân dân và các sự kiện quan trọng theo quy định. Phối hợp, hỗ trợ các lực lượng trong Công an nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị, các lực lượng khác trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 10 Luật Cảnh sát cơ động quy định 07 nhóm quyền hạn của Cảnh sát cơ động. Cụ thể: Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định. Được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ thuộc một trong các trường hợp theo quy định. Ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam theo quy định. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện, trừ công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân theo quy định tại Điều 13 của Luật Cảnh sát cơ động để chống khủng bố, giải cứu con tin. Các quyền hạn khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định của pháp luật có liên quan.

Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động

Nhà nước bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, đất đai, trụ sở, công trình cho hoạt động của Cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật có liên quan (Điều 22). Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát cơ động (Điều 23). Luật quy định Cảnh sát cơ động có phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu riêng (khoản 2 Điều 24). Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (khoản 1 Điều 25); Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi phục vụ tại ngũ được hưởng các chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất, nhiệm vụ và địa bàn hoạt động”(khoản 2 Điều 25). Sĩ quan cảnh sát cơ động được bố trí nhà ở công vụ (khoản 3 Điều 25). Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ; huấn luyện quân sự, võ thuật và kiến thức cần thiết khác phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao; khuyến khích phát triển tài năng để phục vụ lâu dài trong Cảnh sát cơ động; Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được tổ chức theo biểu biên chế và bố trí sử dụng phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của từng đơn vị, lực lượng (Điều 27).

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động; Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động (Điều 29).

Điều 30 Luật Cảnh sát cơ động quy định cụ thể trách nhiệm Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, bao gồm: (1) Phối hợp với Bộ Công an quy hoạch quỹ đất phù hợp để xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường huấn luyện cho Cảnh sát cơ động; (2) Hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; (3) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Cảnh sát cơ động; (4) Ưu tiên thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về Cảnh sát cơ động; giám sát việc thực hiện pháp luật về Cảnh sát cơ động; hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ (Điều 31).

Điều 32 Luật Cảnh sát cơ động quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động: Cung cấp kịp thời cho người có thẩm quyền thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác của Cảnh sát cơ động; Chấp hành quyết định, yêu cầu của Cảnh sát cơ động theo quy định; Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và giữ bí mật thông tin khi có yêu cầu. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù, bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân, gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Cảnh sát cơ động là một trong những “quả đấm thép” của lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm khủng bố, các loại tội phạm có trang bị vũ khí nguy hiểm, đây là một trong những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Luật Cảnh sát cơ động được ban hành là một bước tiến mới trong quá trình cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội của Đảng, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn, tăng cường sức mạnh cho lực lượng Cảnh sát cơ động để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, cùng với các lực lượng khác trong Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.

Tin, ảnh: Cát Tường 

 

 


Tin liên quan
Kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh
ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực
Tình hình phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với các Báo cáo của UBND, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Cục Thi hành án dân sự
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Ủy Ban nhân dân tỉnh kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân
Chú trọng công tác tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
Cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách để đảm bảo yếu tố bền vững trong điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em
CÔNG TÁC XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Một số giải pháp tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ các kỳ họp HĐND tỉnh của phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị