Nghiên cứu - Trao đổi  

Còn nhiều việc cần “bàn”

Cập nhật ngày 22/06/2015 13:46:44 PM - Lượt xem: 256

Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND, ngày 30/5/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh được xem như là động thái “trải thảm đỏ” chào đón các doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển cây cao su tại tỉnh Điện Biên, đồng thời tiếp thêm động lực cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia góp đất để trồng cây cao su yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, để áp dụng chính sách vào thực tiễn không phải là việc đơn giản. Thực tế sau 4 năm triển khai, xung quanh việc áp dụng chính sách này vẫn còn nhiều việc cần “bàn”.


Cây cao su trồng trên địa bàn huyện Điện Biên đang phát triển tốt, dự kiến cho thu hoạch mủ vào đầu năm 2016.Trong ảnh: Công nhân Nông trường Cao su Điện Biên phát dọn cỏ chăm sóc vườn cây.

Người dân mơ hồ về quyền lợi

Theo báo cáo của UBND huyện Điện Biên, tổng diện tích đất do người dân góp trồng cao su từ năm 2008 đến nay khoảng trên 1.000ha. Trong đó, có khoảng 600ha cao su trồng từ năm 2008 tại các xã: Thanh Nưa, Hua Thanh và Mường Pồn dự kiến cho thu hoạch vào năm 2016. Hiện nay, hầu hết người dân góp đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Song, nghịch lý là người dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không biết diện tích đất trồng cao su của mình nằm ở đâu và những quyền lợi được hưởng qua việc góp đất trồng cao su.

Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đến bản Tâu, xã Hua Thanh, hỏi người dân về cây cao su, họ chỉ lắc đầu không biết, nhiều người vẫn còn “ngây ngô” bảo rằng vườn cây cao su là của Nhà nước. Ông Quàng Văn Pâng, Bí thư Chi bộ bản Tâu cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất góp trồng cao su nhưng khi chúng tôi bày tỏ muốn được ông Pâng dẫn lên thăm vườn cao su của gia đình thì ông Pâng chỉ lắc đầu. Ông Pâng cho biết: Năm 2008, bà con bản Tâu đồng ý góp đất để trồng cao su theo đề nghị của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên. Đến tháng 10/2010,

UBND xã phát cho mỗi hộ một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hộ nghèo được sở hữu 4.500m2/hộ, hộ không phải diện nghèo có 3.500m2/hộ. Mặc dù có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật nhưng từ khi góp đất trồng cao su đến nay, chúng tôi chưa hề biết vị trí vườn cao su của mình nằm ở đâu; vườn cao su như thế nào. Liệu đến năm 2016 thu hoạch, chúng tôi có được chia lợi nhuận theo cam kết giữa các bên?

Đang dở câu chuyện thì ông Lò Văn Đôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hua Thanh cắt ngang: “Không thể biết chính xác được đâu! Ngay cả như tôi, phó chủ tịch UBND xã phụ trách việc phát triển cao su của xã mấy năm nay còn không biết thì người dân làm sao biết được. Nhà tôi cũng có 3.500m2 đất góp trồng cao su nhưng tôi cũng không thể xác định được diện tích đó nằm ở đâu”.

Giống như bản Tâu, người dân đội 13 – bản Mển, xã Thanh Nưa cũng chung cảnh ngộ. 65 hộ dân đội 13 – bản Mển cũng góp đất để Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên trồng cao su từ năm 2008 và 100% hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng khi đ

ược hỏi vườn cao su nhà mình ở đâu, diện tích vườn cao su của bản nằm chỗ nào thì ông Lò Văn Khánh, Đội trưởng Đội 13 – bản Mển cho biết:  Vườn cao su ở nhà thì “chịu” không biết được, còn vườn cao su của bản thì nó nằm đâu đó ở quả đồi bên kia.

Theo hợp đồng phân chia lợi nhuận giữa UBND tỉnh ký kết với Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên thì các hộ góp đất trồng cao su sẽ được hưởng 10% lợi nhuận bán sản phẩm khi cây cao su cho thu hoạch. Tuy nhiên, trước thực trạng người dân góp đất không xác định được vị trí vườn cao su của nhà mình, không biết được vườn cao su phát triển, năng suất như thế nào? Liệu quyền lợi của người dân có được đảm bảo khi họ hoàn toàn phụ thuộc vào Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên? Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết: Tình trạng người dân góp đất trồng cao su không biết chính xác vị trí vườn cao su của mình ở đâu thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên. Đối với việc phân chia lợi nhuận, Công ty đảm bảo sẽ thực hiện đúng cam kết, người dân sẽ được hưởng 10% lợi nhuận từ sản phẩm cao su.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Những diện tích đất trên đều là đất cộng đồng, không có mốc giới bờ thửa nên quá trình đo đạc quy chủ gặp nhiều khó khăn, rất khó để xác định giới hạn cho từng hộ.

Người dân xã Thanh Nưa góp đất trồng cao su song họ không xác định được vị trí chính xác vườn cao su. Ảnh: PHẠM TRUNG

Thiếu sự phối hợp giữa các sở, ngành và doanh nghiệp

Đến nay, tổng kinh phí UBND tỉnh phân bổ thực hiện Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND là 13,8 tỷ đồng, chủ yếu tập trung hỗ trợ: đầu tư kinh phí cho việc quy hoạch, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ chuyển đổi các loại đất sang trồng cao su; hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân góp đất trồng cao su... Còn  việc hỗ trợ doanh nghiệp hầu như chưa được thực hiện mà nguyên nhân chính là do thiếu sự phối hợp giữa các sở, ngành chức năng và doanh nghiệp.

Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết: UBND tỉnh Điện Biên ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su được xem như là “trải thảm đỏ” mời doanh nghiệp vào đầu tư các dự án phát triển cao su trên địa bàn nhưng sự phối hợp giữa các sở ngành với Công ty chưa thực sự chặt chẽ. Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND quy định, doanh nghiệp đầu tư phát triển cao su được hỗ trợ: vay vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào, miễn thuế đất… tuy nhiên đến nay, phía Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên chưa được hỗ trợ hạng mục nào.

Bên cạnh đó, việc ì ạch tiến độ xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su tại bản Huổi Chan, xã Mường Pồn cũng cho thấy sự phối hợp thiếu thống nhất của doanh nghiệp và các sở, ngành của tỉnh. Hơn 1 năm kể từ ngày 29/5/2014, các sở, ngành bàn giao mốc giới quy hoạch xây dựng nhà máy cho Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên nhưng đến nay, dự án vẫn đang nằm trên giấy. Công trình chậm triển khai đem lại không ít khó khăn cho người dân trong vùng, đồng thời đẩy lùi thời gian cạo mủ cao su (dự kiến cạo lứa mủ đầu tiên vào tháng 5/2016) gây thiệt hại không nhỏ c

ho Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên.

Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tiến độ xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su chậm một phần nguyên nhân thuộc về phía Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên thiếu chủ động trong việc lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nên dù đã được bàn giao quy hoạch nhưng dự án vẫn chưa được thực hiện.

Hỗ trợ phát triển cây cao su là một chính sách lớn, có

chiều sâu của UBND tỉnh nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển cây cao su, góp phần phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt 20.000ha cây cao su vào 2020. Do đó, để đối tượng được thụ hưởng theo đúng mục đích, ý nghĩa như mong đợi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền trong việc triển khai chính sách.

Phạm Trung
(Nguồn: baodienbienphu.info.vn)

 

 


Tin liên quan
Giám sát mạnh sẽ tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động
Đại biểu HĐND không cần tăng nhiều về số lượng nhưng phải tăng mạnh về chất lượng
Tập trung lãnh đạo phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2015
Không ngừng đổi mới, Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh năm 2015
Nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của các ban HĐND tỉnh
Công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và kiến nghị của MTTQ với HĐND, UBND, Đại biểu HĐND
Kinh nghiệm trong công tác thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình của UBND trình kỳ họp HĐND
Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu hội đồng nhân dân
Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu và tổ đại biểu HĐND tỉnh
Nổi bật những thành tựu xây dựng Điện Biên giàu đẹp theo Di chúc của Bác