Nghiên cứu - Trao đổi  

Mường Nhé nhiều chương trình, dự án đầu tư có hiệu quả dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật ngày 21/07/2015 10:38:23 AM - Lượt xem: 256

CTTĐT - Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã nhận được nhiều chương trình, dự án, chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước. Từ đó đời sống vật chất, tinh thần cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện rõ nét; nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và của các cấp uỷ, chính quyền địa phương; tình đoàn kết các dân tộc ngày thêm bền chặt; kinh tế - văn hoá - xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.


Cùng với các chính sách dân tộc, nhiều chương trình phát triển KT -  XH của Đảng và Nhà nước tiếp tục được triển khai, đã tác động tích cực đến vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Mường Nhé. Là một huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, huyện nằm ở ngã ba biên giới tiếp giáp với hai nước Lào và Trung Quốc; có 11 đơn vị hành chính cấp xã trong đó có 6 xã biên giới, với 96 bản, cụm dân cư, hơn 3,3 vạn dân, với 10 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số với gần 70%, dân tộc Thái 8,3%, Hà Nhì 8,8% và Dao 5,4%... Với đặc thù là huyện miền núi biên giới nghèo, kinh tế chậm phát triển, hệ thống hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; đời sống của đồng bào các DTTS còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tỷ lệ đói nghèo cao (năm 2014 là 54,9%); trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán canh tác lạc hậu, một bộ phận nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; tình trạng di dịch cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, buôn bán, sử dụng các chất ma túy vẫn còn xảy ra và theo chiều hướng phức tạp; Đây là những đặc điểm dễ bị các phần tử xấu, các thế lực phản động lợi dụng kích động, lôi kéo chia rẽ tình đoàn kết dân tộc, gây rối an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Trụ sở UBND huyện Mường Nhé:   Ảnh HL

Khó khăn là vậy, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thông qua các chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất, sinh hoạt đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Từ khi thành lập huyện theo Nghị định 08/2002/NĐ/CP ngày 14-1-2002 của Chính phủ. Đến nay, sau hơn 10 năm thành lập nhân dân các dân tộc Mường Nhé được thụ hưởng đầy đủ những chính sách, chương trình, dự án của Chính phủ dành cho địa bàn dân tộc, miền núi, 100% xã được thụ hưởng Chương trình Phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới (Chương trình 135) và các chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đối với các hộ nghèo dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg cùng Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS, Quyết định 102/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, Chương trình xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo…

 

 Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 30a của Chính phủ về xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững tại 62 huyện nghèo trong cả nước, Mường Nhé là huyện nghèo nhất trong các huyện được thực hiện đề án. Theo đó, đồng bào các DTTS đã được đầu tư một số chương trình, dự án chuyên biệt như: Giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất; Phát triển sản xuất nông nghiệp; Hỗ trợ xuất khẩu lao động… Chính phủ cũng đã phân công một số doanh nghiệp như: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam… hỗ trợ nguồn lực giúp huyện xóa đói giảm nghèo.

Tiếp đó là, Đề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015 (Đề án 79). Đến nay, đã hoàn thành việc lập quy hoạch và xây dựng các phương án sắp xếp, ổn định dân cư cho 31 điểm bản mới với kinh phí gần 284 tỷ đồng để sắp xếp ổn định dân cư, hỗ trợ sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng. Huyện đã tổ chức di chuyển, làm nhà, bố trí sắp xếp chỗ ở cho 769/993 hộ, thuộc 29 điểm bản, đạt 77,5% so với tổng số hộ được bố trí, di chuyển. Năm 2014 huyện Mường Nhé đã được phê duyệt 39/76 Dự án, trong đó 4 Dự án hoàn thành và 20 Dự án đang triển khai thực hiện. Đối với các điểm bố trí sắp xếp dân cư theo Quyết định 141 đã triển khai hỗ trợ di chuyển, làm nhà, dụng cụ sản xuất cho 586 hộ, hỗ trợ Dê giống cho 163/163 hộ, hỗ trợ trên 3.000 kg ngô giống để nhân dân trồng với tổng diện tích hơn 194ha; Công trình đường giao thông có tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng từ nguồn vốn Đề án 79 là tuyến đường Mường Toong - Huổi Lếch - Nậm Mỳ với chiều dài 17,8 km, đã cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa thuận lợi cho gần 10.000 người dân…Công trình đường giao thông, cầu treo Nậm Pố xã Mường Nhé có trọng tải 13 tấn và một số cầu treo tại các điểm sắp xếp dân cư cũng được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Đề án 79 đã hoàn thành đưa vào sử dung. Qua đó, đã tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS có nơi ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất lâu dài và được thụ hưởng các dịch vụ thiết yếu của xã hội. 

Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Mường Nhé đã giành được những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, năm qua, bình quân lương thực đầu người đạt 365kg/người/năm; số đàn gia súc, gia cầm hàng năm tăng trưởng từ 6-7%; diện tích cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, cây ăn quả được nhân dân các dân tộc mở rộng, tạo ra sản phẩm đa dạng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện. Nếu như năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 88,87%, đến năm 2014 giảm còn 54,9%, trung bình giảm 6,8%/ năm. Kinh tế tăng trưởng ổn định với tốc độ bình quân 9,75%/năm. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn thiện. Năm 2002, khi mới thành lập toàn huyện chỉ có 2 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đến nay 100% số xã đã có đường ô tô; hơn 40% số bản có đường ô tô, đường dân sinh đến bản, trên 70% hộ gia đình được cung cấp nước sinh hoạt.

Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, công tác giáo dục tiếp tục được chú trọng, các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với con em đồng bào các dân tộc đến với từng đối tượng. Khi mới thành lập huyện, ngành giáo dục huyện chỉ có 6 trường tiểu học, 4 trường trung học cơ sở; Đến nay, toàn huyện có 32 trường học ở các cấp học với hơn 1.094 giáo viên và 11.686 học sinh, trong đó, tỷ lệ học sinh DTTS chiếm 97,9%. Về y tế, năm 2002, huyện có 5 trạm y tế xã và 2 phòng khám khu vực, tới nay huyện đã có 1 Bệnh viện trung tâm, 3 phòng khám đa khoa khu vực và 11 trạm y tế xã, trong đó có 4 trạm đã đạt chuẩn quốc gia. Trên 60% thôn, bản có y tế bản hoạt động, cơ bản đáp ứng được công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn.

Các mục tiêu chương trình y tế quốc gia, các hoạt động phòng chống dịch bệnh ở người, không để xảy ra dịch lớn, đảm bảo các điều kiện và sẵn sàng lực lượng ứng phó với dịch khi có tình huống khẩn cấp. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào DTTS ngày càng được quan tâm. Đến nay 100% xã có y sĩ và nhân viên y tế. Công tác tuyên truyền về dân số - KHHGĐ được chú trọng, tập trung ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao. Công tác an sinh xã hội đã cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo là DTTS với tỷ lệ đạt trên 90%, tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT đạt 98,5%. Các chính sách trên đã góp phần bảo vệ sức khỏe đồng bào và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT đặc biệt là đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện vẫn còn hết sức khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân vẫn còn cao 54,9%, cá biệt có xã, bản, nhóm DTTS ít người chiếm tới trên 80%. Tập quán canh tác sản xuất của bà con còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Nhiều hộ thiếu đất sản xuất, thiếu đói vào mùa giáp hạt, cơ sở hạ tầng KT-XH tại các xã thuộc khu vực III còn thiếu. Gần 95% thôn, bản chưa có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, huyện còn 25/95 bản, cụm dân cư chưa có tổ chức Đảng và đảng viên. Bên cạnh đó chất lượng giáo dục còn thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa kỳ khá cao, trang thiết bị tại cơ sở y tế tuyến xã còn nghèo nàn, mức thụ hưởng văn hóa của đồng bào DTTS vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT- XH của huyện, do đó đòi hỏi cán bộ làm công tác dân tộc, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của địa phương cần có sự nỗ lực, cố gắng, tận tâm hơn trong việc chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc.

Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt và các phòng, ban chuyên môn của huyện, Đồng chí Trần Văn Sơn - Phó Bí thư tỉnh ủy Điện Biên nhấn mạnh: Thời gian tới, huyện phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới đồng bào các DTTS, nhất là tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư dành cho đồng bào, thường xuyên phối các Đồn biên phòng để vận động nhân dân khu vực biên giới thực hiện tốt việc bảo vệ đường biên, mốc giớ; Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, làm tốt công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị,  phát triển đảng viên là người địa phương, là người DTTS ở những thôn, bản, cụm dân cư chưa có Tổ chức đảng và đảng viên. Từ đó xây dựng và củng cố niềm tin của đồng bào DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, nêu cao cảnh giác cách mạng, không nghe, không tin và không làm theo lời xúi dục của kẻ xấu, yên tâm lao động sản xuất, không di dịch cư tự do và tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia./.

Từ những Chương trình, dự án các chính sách đầu tư có hiệu quả của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào các DTTS, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung, đặc biệt là đối với các DTTS của huyện Mường Nhé nói riêng. Người dân nơi đây, biết ơn và tin tưởng vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã dành cho họ, đồng bào các DTTS ssex đông sức, đồng lòng, quyết tâm đoàn kết cùng với đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Mường Nhé xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc trên dải biên cương cực Tây của Tổ quốc./.

                                                                                                            Khánh Toàn

                                                                                              Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 


Tin liên quan
Tên gọi khác của đồi A1 trước chiến dịch điên biên phủ năm 1954.
Tiếp thêm niềm tin cho dân tộc rất ít người
Còn nhiều việc cần “bàn”
Giám sát mạnh sẽ tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động
Đại biểu HĐND không cần tăng nhiều về số lượng nhưng phải tăng mạnh về chất lượng
Tập trung lãnh đạo phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2015
Không ngừng đổi mới, Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh năm 2015
Nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của các ban HĐND tỉnh
Công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và kiến nghị của MTTQ với HĐND, UBND, Đại biểu HĐND
Kinh nghiệm trong công tác thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình của UBND trình kỳ họp HĐND