Nghiên cứu - Trao đổi  

Giám sát mạnh sẽ tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động

Cập nhật ngày 10/06/2015 13:56:13 PM - Lượt xem: 256

iệc QH xem xét, ban hành một đạo luật về hoạt động giám sát của QH và HĐND sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động để QH, HĐND thực hiện tốt hơn nữa một trong ba chức năng Hiến định của mình; đồng thời, các chủ thể chịu sự giám sát cũng sẽ ý thức rõ hơn về việc chấp hành nghiêm các nghị quyết, kiến nghị, kết luận giám sát của QH.


Giám sát của QH toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm

Qua thực tế tham gia các Đoàn giám sát của QH, có thể nhận thấy, trong nhiệm kỳ này, hoạt động giám sát của QH đã ngày càng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả, thể hiện qua 4 ưu điểm:

Thứ nhất, QH tiếp tục dành thời gian, sự quan tâm để tổ chức hoạt động giám sát ở nhiều cấp độ: giám sát của QH, giám sát của UBTVQH, giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và giám sát của Đoàn ĐBQH. Có thể nói, QH đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các chủ thể giám sát để thực hiện chức năng quan trọng này.

ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phát biểu tại Hội trường Ảnh: Lâm Hiển

Thứ hai, nội dung giám sát vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh tế, QH đã giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, QH đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng; trong lĩnh vực tư pháp, ngay tại Kỳ họp này, QH đã giám sát tình hình oan, sai trong áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật...

Thứ ba, về hình thức, phương thức giám sát ngày càng được đổi mới theo hướng công khai, dân chủ. Đặc biệt, một điểm nhấn quan trọng là, giám sát của QH đã tiếp cận nhiều hơn với người dân. Nếu trước đây, các đoàn giám sát chủ yếu làm việc với bộ, ban, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương thì trong nhiệm kỳ này, hầu hết các Đoàn đều xuống tận địa bàn cơ sở, gặp gỡ người dân, lắng nghe ý kiến, phản hồi từ chính người dân về việc thực hiện các chính sách, pháp luật trên địa bàn. Nhờ đó, tiếng nói từ cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân được phản ánh đầy đủ hơn trong các báo cáo kết quả giám sát, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.

Thứ tư, hiệu quả giám sát được nâng cao. Sau giám sát, QH đã ban hành Nghị quyết làm rõ những thiếu sót, hạn chế trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, nêu rõ những việc cần tiếp tục xử lý... Ví dụ, sau chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết 494/NQ - UBTVQH13, thực hiện sửa đổi hai pháp lệnh: Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một ví dụ như vậy để thấy rằng, hiệu quả giám sát của QH là rất rõ. 

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn đánh giá, một số hoạt động giám sát còn chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của cử tri, của nhân dân, nhất là việc phát hiện, xử lý những sai phạm, vi phạm cụ thể. Nguyên nhân xuất phát từ đặc thù giám sát của QH là ở tầm vĩ mô - giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, chứ không phải thanh tra, kiểm tra những vụ việc cụ thể; nhưng cử tri thì luôn mong muốn giám sát của QH phải chỉ ra những địa chỉ, những cá nhân, tổ chức có khuyết điểm, có vi phạm để xử lý. Hay một số hoạt động giám sát mặc dù đã được quy định nhưng đến nay cũng chưa được thực hiện như: bỏ phiếu tín nhiệm; giám sát của cá nhân ĐBQH; giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Đã có cơ chế để dân giám sát lại hoạt động giám sát của QH, HĐND

Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND trình QH tại Kỳ họp này đã được xây dựng theo hướng đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của QH, HĐND. Cụ thể, các quy định của Dự thảo Luật đã thể hiện rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát của QH, HĐND như: phải thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu giám sát; giải quyết kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH, Đoàn ĐBQH và ĐBQH; nghiêm chỉnh chấp hành Nghị quyết giám sát của QH, UBTVQH, HĐND...

Dự thảo Luật cũng đã quy định nguyên tắc bảo đảm sự công khai, minh bạch, khách quan trong hoạt động giám sát như: các cơ quan thông tin đại chúng có quyền tiếp cận, đưa tin về hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật. Chúng ta đang xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân. Vì vậy, quy định này sẽ tạo điều kiện để người dân có thể theo dõi và giám sát lại hoạt động giám sát của QH, HĐND. Người dân có quyền thể hiện chính kiến, mong muốn, nguyện vọng và quyền lực của mình đối với bộ máy nhà nước nói chung và với chính QH, HĐND - các cơ quan do dân bầu ra, thay dân giám sát việc thực hiện quyền lực, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước.

Dự thảo Luật cũng tiếp tục quy định chi tiết, toàn diện hơn các điều kiện về vật chất, tài chính, chuyên gia, chủ thể tham gia hoạt động giám sát nhằm bảo đảm hiệu quả giám sát. Tôi còn nhớ, từ nhiệm kỳ QH Khóa XII, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri về tình trạng người dân bị nhiễm điện do sống trong khu vực có đường điện cao thế đi qua tại huyện Đại Từ và thành phố Thái Nguyên. Một vấn đề rất quan trọng đặt ra lúc đó là, Đoàn ĐBQH phải tổ chức giám định xem môi trường sống ở khu vực cử tri phản ánh có đúng là bị nhiễm điện thật không? Tuy nhiên, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên không có điều kiện về kinh phí, thiết bị, con người để tổ chức giám định kỹ thuật. Việc tổ chức giám định vẫn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện. Điều này đã khiến người dân băn khoăn, thậm chí, một số người còn nói thẳng là, không tin vào tính khách quan của hoạt động giám sát và đặt câu hỏi: tại sao Đoàn ĐBQH tỉnh không tổ chức giám định việc này? Rõ ràng, nếu Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên có đủ thẩm quyền, đủ điều kiện và cơ chế để tổ chức giám định độc lập thì quá trình giám sát sẽ thuận lợi hơn, khách quan hơn, đáp ứng ngay được yêu cầu của cử tri và cử tri cũng sẽ nhìn thấy ngay được giám sát của Đoàn ĐBQH có hiệu quả hay không. Nhưng ở thời điểm đó, chúng tôi chưa làm được như vậy vì chưa có cơ chế, chưa có điều kiện để thực hiện. Điều đáng mừng là, Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH, HĐND đã khắc phục được hạn chế này, quy định rõ, chủ thể giám sát có quyền trưng cầu giám định khi cần thiết.

Tăng thực quyền cho giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban

Trước đây, chương trình giám sát của các Đoàn ĐBQH phải căn cứ vào kế hoạch giám sát hàng năm của QH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Vì vậy dễ phát sinh tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong nội dung giám sát. Dự thảo Luật lần này, theo tôi, cần phải quan tâm đến sự phân cấp giữa các chủ thể giám sát. Giám sát tối cao của QH, giám sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật, tức là giám sát ở tầm vĩ mô; còn giám sát của Đoàn ĐBQH, cá nhân ĐBQH thì có thể tập trung vào những vấn đề cử tri ở địa phương kiến nghị, phản ánh hoặc Đoàn ĐBQH, ĐBQH phát hiện thấy có những hạn chế, thiếu sót, sai phạm trong thực hiện chính sách pháp luật ở địa phương thì có thể tiến hành giám sát, tức là giám sát của Đoàn ĐBQH, ĐBQH nên đi vào các vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền giám sát của HĐND ở địa phương đối với các kiến nghị của cử tri. Như vậy, hoạt động giám sát vừa trở nên đồng bộ, gắn kết, nhưng cũng mạch lạc theo chức năng, nhiệm vụ, không bị chồng chéo, góp phần tăng hiệu quả giám sát.

Các nghị quyết sau giám sát của QH, UBTVQH đã được đổi mới theo hướng tăng hiệu lực pháp lý, đồng thời giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra, những vấn đề mà cử tri, nhân dân mong muốn. Ví dụ, khi giám sát về giảm nghèo, QH đã ban hành nghị quyết yêu cầu Chính phủ phải xây dựng ban hành chuẩn nghèo mới; phải bố trí nguồn lực, có biện pháp giảm nghèo tập trung vào những vùng lõi nghèo như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn - đó chính là hệ quả pháp lý của hoạt động giám sát tối cao của QH.

Tuy nhiên, đối với giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, theo tôi, cần quy định rõ thẩm quyền ban hành Nghị quyết sau giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Theo Luật Hoạt động giám sát của QH hiện nay, sau mỗi đợt giám sát, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban chỉ có Báo cáo kết quả giám sát. Tôi cho rằng, trong phạm vi, trách nhiệm quyền hạn được giao, sau giám sát, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban có thể ban hành kết luận, kiến nghị và thậm chí cả nghị quyết về hoạt động giám sát nhằm tăng tính pháp lý, thực quyền cho giám sát của các cơ quan này. Một điểm đáng lưu ý nữa là, vừa qua, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban đã tổ chức khá nhiều phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Hiệu quả của các phiên giải trình này cũng đã được ghi nhận. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về hình thức giám sát này. Tôi cho rằng, Dự thảo Luật cần làm rõ hơn phương thức tổ chức và hệ quả pháp lý của các phiên giải trình. Nếu cần thiết, có thể quy định thêm hình thức điều trần của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban.

Đối với giám sát của Đoàn ĐBQH, Đoàn ĐBQH chỉ là phương thức tập hợp đại biểu để tổ chức các hoạt động giám sát, hay phải quy định Đoàn ĐBQH thực chất là chủ thể giám sát có thẩm quyền trong hoạt động giám sát của QH? Nếu xác định đây là chủ thể giám sát, thì trình tự giám sát, quy trình giám sát của Đoàn ĐBQH cũng phải được quy định rõ từ khâu ban hành quyết định thành lập đoàn giám sát, các quyết định cần thiết khi tổ chức giám sát, các kế hoạch, yêu cầu đối với các cơ quan tổ chức cá nhân chịu sự giám sát và sau giám sát, quy định rõ địa vị pháp lý của các văn bản do Đoàn ĐBQH ban hành. Còn đối với ĐBQH, cũng cần phải bảo đảm điều kiện để ĐBQH có thể tự mình giám sát...

Thực tế cho thấy, giám sát của QH, HĐND mạnh sẽ tác động rất lớn đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan nhà nước, hoàn thiện thể chế, bảo đảm tốt hơn ý nguyện của nhân dân... góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Vì thế, với việc QH xem xét, ban hành một đạo luật về hoạt động giám sát của QH và HĐND, tôi kỳ vọng, đây sẽ là cơ sở pháp lý để tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động để QH, HĐND thực hiện tốt hơn nữa chức năng của mình; đồng thời, các chủ thể chịu sự giám sát cũng sẽ ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc chấp hành nghị quyết, kiến nghị, kết luận giám sát của QH, HĐND.

Đỗ Mạnh Hùng
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
(Nguồn: daibieunhandan.vn)
 


Tin liên quan
Đại biểu HĐND không cần tăng nhiều về số lượng nhưng phải tăng mạnh về chất lượng
Tập trung lãnh đạo phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2015
Không ngừng đổi mới, Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh năm 2015
Nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của các ban HĐND tỉnh
Công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và kiến nghị của MTTQ với HĐND, UBND, Đại biểu HĐND
Kinh nghiệm trong công tác thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình của UBND trình kỳ họp HĐND
Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu hội đồng nhân dân
Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu và tổ đại biểu HĐND tỉnh
Nổi bật những thành tựu xây dựng Điện Biên giàu đẹp theo Di chúc của Bác
Công tác phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên