Nghiên cứu - Trao đổi  

Đại biểu HĐND không cần tăng nhiều về số lượng nhưng phải tăng mạnh về chất lượng

Cập nhật ngày 14/04/2015 15:35:45 PM - Lượt xem: 256

Tiếp tục khẳng định quan điểm, tổ chức chính quyền địa phương phải bao gồm HĐND và UBND, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các Ủy viên UBTVQH cũng nêu rõ: để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND thì cần phải tăng chất lượng đại biểu. Theo đó, nên giảm tối đa đại biểu ở cơ quan hành chính nhà nước; tăng đại biểu ở Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức xã hội, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia. Đại biểu HĐND không cần tăng nhiều về số lượng nhưng phải tăng mạnh về chất lượng. Phải chọn được những đại biểu dám nghĩ và dám nói đại diện cho dân.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước: Từ Chính phủ, các bộ, ngành đến địa phương, phải phân định rõ, cấp nào làm cái gì và quản lý đến khúc nào

Thứ nhất, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tôi tán thành phương án 1, chúng ta xây dựng chính quyền địa phương gồm có cả HĐND và UBND. Vấn đề bây giờ phải làm rất kỹ là bắt đầu từ Chính phủ và các ngành phải xem từng cấp quản lý đến khúc nào và chính quyền địa phương quản lý khúc nào. Ví dụ, đối với ngành giáo dục, cấp xã chỉ làm đến mẫu giáo, tức là cấp xã chỉ lo các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhưng đến cấp huyện là trường phổ thông, còn cấp tỉnh là trường dạy nghề, cao đẳng, đại học của tỉnh… Ở từng cấp, anh chỉ lo việc theo đúng phân cấp để khi nào có kiểm điểm, có vấn đề xảy ra, ví dụ, một trường cấp III nào đó xảy ra vấn đề gì thì nói về quản lý nhà nước là ông Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm chứ không phải là ông Chủ tịch tỉnh. Từ đó, phân ra trong các dịch vụ công, dịch vụ nào bắt buộc cơ quan nhà nước phải trực tiếp làm, dịch vụ nào có thể giao cho các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp làm. Phải phân công rõ ràng chỗ này. Bắt đầu là từng cấp một làm cái gì, bắt đầu từ nhiệm vụ về quản lý nhà nước, quản trị quốc gia chung rồi mới phân đến tỉnh làm cái gì, huyện làm cái gì, xã làm cái gì chứ không nên để chức năng, nhiệm vụ giống nhau, chỗ nào cũng cấp trên hết thì không phải.

Thứ hai, đối với HĐND, tôi đề nghị phải tăng số lượng đại biểu chuyên trách không kiêm nhiệm bên chính quyền. HĐND mà có nhiều đại biểu kiêm nhiệm là người của chính quyền thì việc đi họp, việc thực hiện chức năng giám sát cũng rất khó khăn. Các đại biểu kiêm nhiệm thì nên tăng đại biểu của Đảng, đoàn thể, Mặt trận và người dân bình thường tham gia HĐND. Cơ cấu như vậy thì hay hơn. Tôi đồng ý tăng số lượng đại biểu đối với các tỉnh, quận, huyện dân số quá đông. Có những quận tới 50 vạn dân thì còn đông hơn dân số của cả một tỉnh. Nếu khống chế số lượng đại biểu như cấp huyện thì không hợp lý, vì đại biểu HĐND phải lắng nghe ý kiến của cử tri, cử tri đông như thế mà đại biểu ít quá thì làm sao mà lắng nghe được hết? Do đó, phải lấy tỷ lệ dân số để xác định số lượng đại biểu HĐND.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Nếu quy định 2 Phó chủ tịch HĐND tỉnh và 2 Phó chủ tịch HĐND huyện thì tôi ủng hộ

Dự thảo Luật đề cập một vấn đề rất quan trọng. Đó là, việc phân định thẩm quyền giữa Trung ương với địa phương, và giữa các địa phương với nhau. Tôi đề nghị, chúng ta cũng cần nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị dự kiến trình Đại hội XII của Đảng có đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế vùng. Trong này, có nói rất rõ: tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng, tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước. Bây giờ có trung gian rồi, chứ không phải ngắt ra đoạn Trung ương, ngắt ra đoạn của địa phương nữa có phát triển vùng đó. Lâu nay đã nói mãi, nhưng lần này dự thảo nghị quyết có rõ hơn vì phải nghiên cứu chứ không thể không nghiên cứu được. Có như vậy thì mới phát huy được năng lực, tiềm lực, sức mạnh của đất nước trong quá trình phát triển. Tôi đề nghị nghiên cứu thêm phần này.

Cuối cùng, về số lượng của Phó chủ tịch HĐND 3 cấp còn lại. Có vẻ chúng ta nói hơi rộng quá. Ví dụ tỉnh, thành phố tới 4 phó chủ tịch, huyện thì 2 phó chủ tịch, ở xã thì chỉ cần 1 phó chủ tịch là được rồi. Hiện nay, cơ bản chỉ có 1 phó chủ tịch và 1 ủy viên thường trực. Mong ước của địa phương thêm 1 phó chủ tịch nữa cũng là hạnh phúc rồi. Nếu 2 phó thì tôi ủng hộ. Tôi muốn là Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và huyện là 2.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương: Đại biểu HĐND không cần đông, chỉ cần chất lượng

Tôi được làm Trưởng đoàn hai đoàn giám sát của UBTVQH: một là, giám sát việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; hai là, giám sát về hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ vừa qua. Từ thực tế giám sát, tôi thấy nổi lên mấy vấn đề:

Thứ nhất, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, xác định mô hình tổ chức HĐND quay lại như cũ thì đáp ứng được nguyện vọng, ý chí của cử tri và nhân dân, của tất cả các địa phương thực hiện thí điểm và các địa phương không thực hiện thí điểm. Tôi thấy rất mừng vì lần này, chúng ta đã xác định được như vậy. Mặc dù, Bộ Nội vụ nói sẽ trình QH 2 phương án, nhưng tôi nghĩ, nhất định chúng ta sẽ chọn phương án 1.

Thứ hai, về cơ cấu tổ chức của HĐND, đa số các địa phương mong muốn: số lượng đại biểu thì không cần phải tăng nhiều nhưng phải tăng về chất lượng. Tất cả các nơi đều nói rằng, việc có đại biểu HĐND là Giám đốc Sở, lãnh đạo tỉnh, trưởng các ngành hầu như hạn chế hoạt động của HĐND, tăng thêm hoạt động hình thức, tức là tự mình làm tăng hoạt động hình thức vì tổ chức các cuộc họp rất hoành tráng theo luật quy định thì rất tốt nhưng khi giám sát thì hầu như không ai dám nói. Vì vậy, về cơ cấu, các địa phương muốn: giảm tối đa đại biểu ở cơ quan hành chính nhà nước và tăng các đại biểu ở Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức xã hội và Hội cựu chiến binh, cũng như các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia, không nặng về cơ cấu mà chú trọng đến chất lượng, tăng đại biểu dám nghĩ nhưng phải dám nói. Không cần đông, chỉ cần chất lượng.

Thứ ba, đa số ý kiến và thực tế qua giám sát chúng tôi thấy, chúng ta nói HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương. Nhưng việc bố trí đại biểu vừa qua chưa hợp lý, ở các cấp càng thấp thì càng ít đại biểu chuyên trách. Thực tế cho thấy, số lượng đại biểu không cần tăng nhiều nhưng cần chuyên trách ở cấp dưới nhiều hơn. Chúng ta có chủ trương không tăng biên chế thì thực chất, hiệån nay ở cấp xã chỉ có 1 biên chế về HĐND, Chủ tịch HĐND là bí thư kiêm nhiệm rồi, còn một phó chủ tịch làm công tác HĐND. Nhưng nhiệm vụ của HĐND xã được quy định rất lớn, quyết định, giám sát rất nhiều vấn đề lớn, một ông chuyên trách thì không thể làm được. Trong khi đó, văn phòng cũng không có người, phải mượn văn phòng của UBND. Vì vậy, đa số địa phương muốn tăng cường hoạt động của HĐND xã theo hướng: ở xã nên tổ chức các tổ HĐND giúp cho Thường trực HĐND xã, nhất là trong hoạt động giám sát; có một chuyên viên giúp việc cho HĐND xã. Hiện nay, mỗi xã chỉ có 1 biên chế của HĐND. Cơ quan quyền lực nhà nước ở xã mà có mỗi một người thì không thể làm được. Chúng tôi đi địa phương, ai cũng kêu. Rõ ràng, từ cách thức tổ chức và cách làm việc như vậy thì HĐND xã không thể làm được chức năng là cơ quan quyền lực nhà nước ở cấp xã được.

Thứ tư, tôi thấy giữa dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dự án Luật Tổ chức Chính phủ hiện nay đang có sự chồng chéo giữa Chính phủ và UBTVQH trong nhiệm vụ hướng dẫn hoạt động của HĐND. Theo luật hiện hành, việc ban hành nghị quyết công nhận chủ tịch, phó chủ tịch HĐND tỉnh là do UBTVQH phê chuẩn. Tương tự như vậy, việc phê chuẩn lãnh đạo của HĐND các cấp là do HĐND cấp trên phê chuẩn đối với HĐND cấp dưới. Nhưng luật hiện nay không đưa vào nên không biết sẽ như thế nào. Hiện nay quy định Chính phủ hướng dẫn và kiểm tra HĐND về việc thực hiện các văn bản cấp trên; UBTVQH hướng dẫn và giám sát HĐND. Địa phương kêu bây giờ không biết ai làm. Nhiều tỉnh đề nghị phải có quy định vấn đề này cho rõ ràng. Tôi thấy, dự kiến đưa vào luật này quy định UBTVQH làm vấn đề gì, Chính phủ làm vấn đề gì, nhất là việc giám sát về tính hợp Hiến, hợp pháp, về tính đúng đắn của nghị quyết của HĐND. Trong dự thảo của Chính phủ nói rằng, kiểm tra tính hợp pháp của các nghị quyết của HĐND - tôi thấy có lẽ không phải. Nên phân định rõ. Chính phủ hướng dẫn và kiểm tra HĐND trong việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết và các văn bản cấp trên thì rất đúng. Nhưng giám sát tính hợp pháp, hợp Hiến của nghị quyết của HĐND hoặc bãi bỏ nghị quyết của HĐND thì khoản 7, Điều 74 của Hiến pháp đã quy định rất rõ là quyền hạn của UBTVQH, tức là, UBTVQH giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND, bãi bỏ nghị quyết của HĐND trái pháp luật và văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên, cũng như giải thể HĐND nếu vi phạm. Tôi đề nghị Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải có một luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ đối với HĐND, nhiệm vụ và quyền hạn của UBTVQH đối với HĐND.

Theo daibieunhandan.vn
 


Tin liên quan
Tập trung lãnh đạo phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2015
Không ngừng đổi mới, Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh năm 2015
Nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của các ban HĐND tỉnh
Công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và kiến nghị của MTTQ với HĐND, UBND, Đại biểu HĐND
Kinh nghiệm trong công tác thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình của UBND trình kỳ họp HĐND
Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu hội đồng nhân dân
Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu và tổ đại biểu HĐND tỉnh
Nổi bật những thành tựu xây dựng Điện Biên giàu đẹp theo Di chúc của Bác
Công tác phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Giảm nghèo ở Điện Biên thành tựu và thách thức