Nghiên cứu - Trao đổi  

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1975 – 1986 (HĐND tỉnh khóa V, VI, VII)

Cập nhật ngày 06/06/2023 07:31:52 AM - Lượt xem: 256

HĐND tỉnh tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính các cấp năm 1962, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1983. HĐND tỉnh khóa VI thành lập 03 Ban gồm: Ban Kinh tế kế hoạch và Ngân sách. Ban Văn hóa – Xã hội, Ban Quân sự, trị an. HĐND tỉnh khóa VII có 05 Ban gồm: Ban Quân sự trị an, Ban Kinh tế - kế hoạch, Ban Lưu thông phân phối, Ban Văn hóa – xã hội, Ban Vùng cao biên giới. Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1983 chưa quy định về Thường trực HĐND, đến Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1989 mới quy định Thường trực HĐND.


Thời kỳ này đất nước hoà bình, độc lập, thống nhất, nhưng kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Tỉnh Lai Châu có nhiều chuyển biến tiến bộ, song vẫn còn nhiều khó khăn. Hội đồng nhân dân tỉnh khóa V, nhiệm kỳ (1974 - 1977), có 65 đại biểu của 19 dân tộc, trong đó đại biểu dân tộc Thái  27,7 %, dân tộc Mông 21,5%, dân tộc Kinh 12,3%, các dân tộc khác 38,4%; đại biểu là đảng viên 72%, đại biểu là phụ nữ 31%; đại biểu có trình độ đại học 11%, đại biểu trẻ tuổi chiếm 38%, 07 đại biểu có trình độ đại học chiếm 11%. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa V đề ra nhiệm vụ trước mắt cần làm: Tập trung sản xuất nông nghiệp; tích cực phục hồi khai hoang, chống xói mòn; thực hiện thâm canh ruộng, định canh nương. Kết hợp chặt chẽ sản xuất nông nghiệp và định canh định cư; tích cực tu bổ, bảo vệ rừng. Vận động đồng bào các dân tộc thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu về cưới xin, ma chay, nghiện hút thuốc phiện; xây dựng bản làng văn hóa. Tiếp nhận đồng bào từ miền xuôi lên tham gia xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương, tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết cùng nhau chung sức xây dựng Lai Châu ngày càng giàu đẹp. Thực hiện Nghị quyết của HĐND khóa V, tổng sản lượng lương thực trong ba năm liền đều đạt và vượt kế hoạch: năm 1974 đạt 8 vạn tấn, năm 1975 đạt 8,66 vạn tấn, năm 1976 đạt 9,62 vạn tấn; các xí nghiệp quốc doanh, phong trào hợp tác xã, quan hệ sản xuất mới tiếp tục được củng cố kiện toàn.

Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ (1977 - 1981), gồm 69 đại biểu của 19 dân tộc, trong đó đại biểu dân tộc Thái 26,1%, dân tộc Mông 21,74%, dân tộc Kinh 17,4%, các dân tộc khác 34,76%; trình độ văn hóa cấp I: 23,18%, cấp II: 60,86%, cấp III: 15,95%; đại biểu có trình độ đại học 15,95%; đại biểu là đảng viên 68,11%. Tại kỳ họp thứ Hai, HĐND tỉnh khóa VI đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, hoàn thành cơ bản các công trình trọng điểm: Hồ chứa nước Pa Khoang, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, khai thông đường Mường Tè…Thực hiện Nghị quyết HĐND khóa VI, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh năm 1977 giành được những kết quả quan trọng. Tổng sản lượng lương thực đạt 11 vạn tấn, xây dựng cơ bản tăng 38% so với năm 1976, vận chuyển hàng hóa lên vùng cao vượt kế hoạch, số người đi học và được xóa mù chữ tăng gấp 5 lần so với năm 1976; các phong tục tập quán lạc hậu như mê tín dị đoan, nghiện hút thuốc phiện được bài trừ, ngăn chặn. Đến năm 1980, sản lượng lương thực đạt 12 vạn tấn, tăng 2,5 vạn tấn so với năm 1976. Trong chiến tranh biên giới phía Bắc, HĐND tỉnh đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng phù hợp yêu cầu, điều kiện thực tiễn của địa phương, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời động viên Nhân dân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc biên giới.

Hồ Pá Khoang – nguồn Internet

Ngày 26/4/1981, cử tri trong tỉnh đã đi bầu đại biểu HĐND tỉnh khóa VII, kết quả bầu được 77 đại biểu gồm 17 dân tộc, trong đó dân tộc Thái 29,87%, dân tộc Mông 22,08%, dân tộc Kinh 22,08%, các dân tộc khác 25,97%; đại biểu có trình độ đại học 15,6%, đại biểu là đảng viên 69,05%, đại biểu nữ 20,77%. HĐND tỉnh khóa VII tổ chức được 09 kỳ họp, đã phát huy vai trò cùng với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực phấn đấu khắc khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhân dân giao phó. Thực hiện Nghị quyết HĐND khóa VII, năm 1984 tổng sản lượng quy thóc đạt kế hoạch, tăng 4.000 tấn so với năm 1983, trong đó lúa đạt 81 nghìn tấn/năm, tăng 0,5%; công tác lưu thông phân phối có nhiều chuyển biến trong việc tiếp nhận hàng từ Trung ương, thu mua lương thực; công tác giáo dục, y tế từng bước được phát triển; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng biên giới. Về chức năng giám sát, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1983 đã quy định rõ hơn mối quan hệ giám sát giữa HĐND và UBND: “Hội đồng nhân dân giám sát công tác của Uỷ ban nhân dân, sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Giám sát công tác của Toà án nhân dân cùng cấp” (Điều 16). HĐND tỉnh đã tăng cường công tác giám sát. Tuy nhiên, chức năng giám sát của HĐND tỉnh đối với việc thực hiện nghị quyết, pháp luật ở các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể quần chúng còn hạn chế./.

Cát Tường

 

 


Tin liên quan
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1963 – 1975 (HĐND tỉnh khóa I-IV)
Cần có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia
Xuống với dân bằng cái tâm sáng
Làm thế nào để các Ban làm tốt nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân
Một số chuyển biến về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh qua các giai đoạn trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Khi kết quả thực hiện Nghị quyết chưa đạt như kỳ vọng
Nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát cơ động
Kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh
ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực