Nghiên cứu - Trao đổi  

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1963 – 1975 (HĐND tỉnh khóa I-IV)

Cập nhật ngày 05/06/2023 17:58:21 PM - Lượt xem: 256


Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa II đã đổi tên Khu tự trị Thái-Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc và tái thành lập 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu, thành lập thêm tỉnh Nghĩa Lộ. Sau khi tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời, ngày 09/6/1963, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên, Lai Châu) đã tiến hành bầu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa I. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, với 97,7% cử tri đi bầu, lựa chọn được 59 đại biểu đai diện cho 18 dân tộc, trong đại biểu dân tộc Thái 33,9%, dân tộc Mông 25,42%, dân tộc Kinh 5,1%, các dân tộc khác 35,38%; đại biểu trình độ văn hóa cấp I: 72,4%, cấp II: 24,2%, đại biểu chưa biết chữ 3,4 %; đại biểu là đảng viên 69,5%, đại biểu nữ 22%, đại biểu cơ sở 54%, đại biểu trẻ tuổi 28%. Từ ngày 04 -09/7/1963 HĐND tỉnh khóa I đã họp Kỳ thứ nhất bầu Ủy ban hành chính chính thức của tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Thẩm phán và Hội thẩm tòa án nhân dân tỉnh; xem xét các báo cáo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội; ngân sách; phát triển nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp; công tác y tế và thông qua nghị quyết về công tác xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa; nghị quyết về công tác chăm sóc, bảo vệ gia súc.

Cử tri đi bầu cử - nguồn Internet

Hội đồng nhân dân tỉnh khóa II, nhiệm kỳ (1965 - 1968), Có 61 đại biểu của 20 dân tộc, trong đó đại biểu dân tộc Thái 32,8%, dân tộc Mông 24,6%, dân tộc Kinh 6,5%, các dân tộc khác 36,1%; đại biểu là đảng viên 60,0%, đại biểu nữ 24,6%, đại biểu trẻ tuổi 24,6%. Nghị quyết kỳ họp thứ Hai HĐND tỉnh khóa II đã đề ra nhiệm vụ hai năm 1966 - 1967 là: Tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp tiến lên những bước nhanh, mạnh, vững chắc theo hướng phân vùng trọng điểm. Tận dụng và phát huy khả năng của từng vùng, tích cực xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nông nghiệp nhằm đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, chú trọng đưa vùng cao tiến lên mạnh hơn. Tích cực đẩy mạnh cơ sở công nghiệp, khai thác khả năng thủ công nghiệp, mở mang đường sá, bảo đảm tốt giao thông vận tải thời chiến. Đồng thời các mặt kinh tế, văn hóa khác phải được tiếp tục đẩy mạnh một cách cân đối phù hợp với tình hình vừa sản xuất, vừa xây dựng, vừa chiến đấu.

HĐND tỉnh khóa III bầu được 65 đại biểu đại diện cho 21 dân tộc, trong đó đại biểu dân tộc Thái 27,7%, dân tộc Mông 23,1%, dân tộc Kinh 12,3%, các dân tộc khác 36,9%; đại biểu là nữ 33,8%. Hội đồng nhân dân khóa III đề ra nhiệm vụ trong những năm 1968 - 1971 là: Tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch phân vùng kinh tế, tạo cơ sở cho việc phát triển trước mắt và lâu dài về sau. Đồng thời không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của cán bộ và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với những nhiệm vụ trước mắt đối với quân, dân các dân tộc trong tỉnh cần thực hiện: Tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang; nghiêm chỉnh chấp hành chính sách của Đảng, Chính phủ đối với gia đình bộ đội, thương binh, liệt sĩ… sẵn sàng chi viện đầy đủ sức người, sức của với mức cao nhất cho tiền tuyến và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IV, nhiệm kỳ (1971 - 1974), có 65 đại biểu của 20 dân tộc, trong đó đại biểu dân tộc Thái 27,7%, dân tộc Mông 23,1%, dân tộc Kinh 12,3%, các dân tộc khác 36,9%; đại biểu nữ 32,3%. Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IV nêu rõ: Trước mắt tập trung thực hiện cuộc điều tra, củng cố hợp tác xã địa phương, hợp tác xã khai hoang; đẩy mạnh định canh, định cư kết hợp với hợp tác hóa; đưa kỹ thuật vào sản xuất... Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và trồng rừng, phát triển khoanh vùng cây công nghiệp chè, quả đen, dược liệu, cây ăn quả. Củng cố, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp quốc doanh phục vụ cho nông nghiệp, nhu cầu đời sống nhân dân; bảo đảm giao thông mùa mưa; đẩy mạnh xây dựng cơ bản, dồn sức hoàn thành công trình trọng điểm như Đại thủy nông Nậm Rốm,…

Trong giai đoạn từ 1963 – 1975 (HĐND tỉnh khóa I – IV), HĐND tỉnh tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính các cấp năm 1962. Về cơ cấu tổ chức Luật chưa quy định thành lập Thường trực HĐND; tùy theo nhu cầu công tác, HĐND có thể  lập các Ban của HĐND để giúp HĐND tìm hiểu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, góp ý kiến với HĐND trong xây dựng và thực hiện những chủ trương công tác ở địa phương. Tuy nhiên, HĐND cấp tỉnh có bao nhiêu ban, gồm những ban gì thì chưa được quy định, HĐND tỉnh Lai Châu trong giai đoạn này chưa thành lập các Ban. Hội nghị Hội đồng nhân dân cấp nào do Uỷ ban hành chính cấp ấy triệu tập. Mỗi kỳ họp, Hội đồng nhân dân bầu ra đoàn Chủ tịch và đoàn thư ký của kỳ họp.

Trong 12 năm (1963-1975), HĐND tỉnh qua 4 khóa đã tổ chức được 20 kỳ họp thường xuyên, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Các kỳ họp của HĐND tỉnh được chuẩn bị chu đáo về nội dung và tổ chức. Tại các kỳ họp, căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của Quốc hội và Hội đồng Chính phủ, nghị quyết tại các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu, căn cứ tình hình địa phương, HĐND tỉnh đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyết định những mục tiêu chủ yếu hằng năm, những biện pháp lớn để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh năm 1975, kinh tế, văn hóa - xã hội trong tỉnh có nhiều tiến bộ, tổng giá trị sản lượng nông nghiệp năm 1975 tăng 27,48% so với năm 1965; tổng chiều dài đường ô tô tăng 25% so với năm 1970; số học sinh tăng 13,6% so với năm 1974. Trong quá trình hoạt động, các đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy vai trò giám sát các hoạt động của cơ quan chính quyền, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Qua tiếp xúc cử tri, các đại biểu đã phản ánh được ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Tuy nhiên, chức năng giám sát của một số đại biểu ở cơ sở chưa được phát huy./.

                 Cát Tường

 

 

 


Tin liên quan
Cần có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia
Xuống với dân bằng cái tâm sáng
Làm thế nào để các Ban làm tốt nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân
Một số chuyển biến về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh qua các giai đoạn trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Khi kết quả thực hiện Nghị quyết chưa đạt như kỳ vọng
Nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát cơ động
Kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh
ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực
Tình hình phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên