Hoạt động giám sát  

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo

Cập nhật ngày 20/04/2022 20:53:21 PM - Lượt xem: 256

Ngày 19/4, tiếp tục chương trình giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm việc tại Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng chí Lò Thị Luyến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì các buổi làm việc.


Theo báo cáo của Sở Tài chính, với chức năng là cơ quan chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh về việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đề ra nhiều biện pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị coi đây là nhiệm vụ thường xuyên trong quá trình hoạt động. Do đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của tỉnh nói chung, của Sở Tài chính nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Cụ thể: Đã lập, thẩm định, phê duyệt và giao dự toán ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, công khai tài chính ngân sách theo quy định. Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai tích cực, điều hành ngân sách bám sát dự toán được giao, đồng thời chủ động sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ làm cơ sở cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Với kế hoạch cụ thể và quy định chặt chẽ trong công tác quản lý, điều hành ngân sách của tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương đã thực hiện việc mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc đảm bảo đúng đối tượng, phục vụ thiết thực cho công việc, đúng định mức, chế độ quy định, đồng thời ban hành quy chế quản lý, sử dụng phương tiện hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu; tập trung rà soát xe ô tô theo tiêu chuẩn, định mức cụ thể. Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng, đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý đầu tư vốn, rà soát các công trình thực hiện không hiệu quả để có giải pháp khắc phục, ưu tiên các công trình trọng điểm, triển khai có hiệu quả, cấp thiết.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hiệu quả sử dụng vốn chưa cao do công tác giải phóng, đền bù mặt bằng còn chậm dẫn tới thời gian thi công kéo dài. Công tác quyết toán vốn đầu tư còn tồn đọng, việc lập hồ sơ quyết toán gửi đến các cơ quan chức năng thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt của các chủ đầu tư còn chưa quyết liệt; việc thu nộp Ngân sách nhà nước sau quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành của các đơn vị chủ đầu tư còn chậm. Việc tổ chức thực hiện một số cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tế của địa phương, đơn vị có nơi, có chỗ còn lúng túng. Qua công tác kiểm tra giám sát, thanh tra, kiểm toán cho thấy có cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định của nhà nước hiện hành. Công tác phòng ngừa, tự kiểm tra, thanh tra của một số cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm thường xuyên, hoạt động chưa hiệu quả, xử lý còn thiếu kiên quyết. 

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai đầy đủ tới toàn thể cán bộ, nhà giáo và người lao động trong toàn ngành. Công tác xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện được triển khai kịp thời, đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Về cơ bản, công tác lập, thẩm định dự toán, thực hiện dự toán, thanh quyết toán các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế và đặc điểm của ngành Giáo dục và Đào tạo; Quản lý, bố trí, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, tài sản hiện có, thực hiện nghiêm túc quy định trong mua sắm, đấu giá, đấu thầu; Công tác công khai, minh bạch, quản lý tài sản công được thực hiện nghiêm túc; Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, ngăn ngừa các sai phạm có thể xảy ra, góp phần tác động tích cực trong công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí tạo được lòng tin đối với cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh và nhân dân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngành Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí, đó là: Người đứng đầu một số đơn vị chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình trong việc quán triệt, giáo dục, quản lý về công tác THTK, CLP. Việc chấp hành các quy định trong sử dụng ngân sách tại một số đơn vị có nội dung chi chưa đầy đủ, chưa đảm bảo thủ tục, chứng từ; chi còn trùng lặp, chưa đúng với định mức, chế độ, chính sách của nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị; kiểm soát chưa chặt chẽ công tác lập, thẩm tra, thẩm định dự toán công trình có một số hạng mục không chính xác dẫn đến tính sai khối lượng tại một số nội dung công việc thuộc các gói thầu nâng cấp, sửa chữa, xây mới các trường lớp học. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện 02 gói thầu (Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu năm học 2019-2020; Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường THPT năm 2020) do Sở GD&ĐT làm Chủ đầu tư chưa thực hiện đúng theo quy định của Luật Đấu thầu dẫn đến 02 cán bộ quản lý bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam…

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã đề nghị Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình, làm rõ một số nội dung về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; Việc giải ngân và quyết toán các dự án hoàn thành; Việc quản lý, mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; quản lý việc tinh giản biên chế, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán thuộc trách nhiệm của ngành…

Tin, ảnh: Mai Hồng

 

 


Tin liên quan
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo
Ủy ban Xã hội của Quốc hội khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Tổ công tác số 2 – Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Tuần Giáo
Giai đoạn 2015 - 2020, đã có hơn 2.400 cán bộ, công chức xã được cử đi bồi dưỡng
Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát về giảm nghèo bền vững tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát về giảm nghèo bền vững tại Sở Nội vụ
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát về giảm nghèo bền vững tại huyện Điện Biên Đông
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát về giảm nghèo bền vững tại huyện Mường Chà
Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững tại huyện Mường Nhé: Mục tiêu giảm nghèo khó đạt được theo Nghị quyết của Quốc hội