Nghiên cứu - Trao đổi  

Ban Dân tộc nâng cao chất lượng trong công tác giám sát

Cập nhật ngày 05/07/2016 16:31:22 PM - Lượt xem: 256

CTTĐT - Việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và nhằm mục đích đảm bảo thực thi nghiêm túc, có hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND. Hoạt động giám sát của HĐND có nhiều hình thức, phương thức, thông qua nhiều chủ thể, trong đó có giám sát tại các kỳ họp, giám sát giữa các kỳ họp; giám sát của HĐND, của Thường trực, các ban HĐND, các tổ đại biểu và các đại biểu HĐND. Như vậy, hoạt động giám sát của HĐND có phạm vi rất rộng, nội dung phong phú, đối tượng đa dạng và được tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Đồng thời phải đổi mới về phương pháp, nội dung và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phù hợp với nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở từng thời kỳ.


Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc giám sát về các nội dung liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giám sát chuyên đề và giám sát thường xuyên. Nhìn chung, nội dung giám sát được bàn bạc, thống nhất lựa chọn, phù hợp với những vấn đề mà cử tri quan tâm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chất lượng, hiệu quả giám sát được nâng lên rõ rệt, được các ngành, các cấp đồng tình và đánh giá cao, được cử tri ủng hộ, hoan nghênh.

Thứ nhất là việc chuẩn bị nội dung chương trình, kế hoạch giám sát: Căn cứ chương trình giám sát, Ban xây dựng kế hoạch cụ thể: xác định nội dung, mục đích, yêu cầu; thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc cuộc giám sát; phạm vi, đối tượng giám sát; thành phần đoàn giám sát; các tài liệu, báo cáo theo yêu cầu... Trong đó, công tác thu thập, xử lý thông tin, lựa chọn nội dung và xây dựng kế hoạch giám sát là khâu đầu tiên của quy trình giám sát và có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND. Thu thập thông tin chính xác sẽ giúp cho việc lựa chọn nội dung giám sát vừa bao quát, vừa có trọng tâm, trọng điểm, đúng, trúng, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mong muốn của cử tri, đồng thời cũng giúp cho việc xây dựng kế hoạch giám sát một cách chi tiết, cụ thể, hợp lý, khoa học, hiệu quả. Ngược lại, nếu không có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác sẽ có những tác động, ảnh hưởng đến kết quả giám sát, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Các nội dung giám sát của HĐND phải được thông báo trước đến các cơ quan, đơn vị liên quan để chủ động chuẩn bị và phối hợp thực hiện; đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Thứ hai là phương thức tổ chức giám sát:          Để hoạt động giám sát phát huy tốt hiệu quả, Ban Dân tộc HĐND tỉnh thường áp dụng hình thức giám sát trực tiếp tại cơ sở trước, sau đó mới tiến hành giám sát tại các sở, ban, ngành liên quan. Do vậy, các thành viên Đoàn giám sát sẽ có cái nhìn toàn diện và phân tích một cách sâu sắc hơn. Ngoài ra, các thành viên Đoàn giám sát sẽ chủ động nghiên cứu thông qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương, thu thập thông tin thông qua tiếp xúc cử tri và nhiều kênh khác nhau để có những đánh giá, kết luận chính xác, khách quan.

Thứ ba là việc giải quyết vấn đề sau giám sát: Từ thực tiễn cho thấy, hiệu quả "hậu giám sát" chưa cao. Bên cạnh những kiến nghị đã được giải quyết thỏa đáng thì vẫn còn những kiến nghị chưa được quan tâm giải quyết triệt để. Việc tổ chức khắc phục các vấn đề xung quanh kiến nghị sau giám sát và phản hồi lại cho HĐND tỉnh biết vẫn chưa được thực thi nghiêm túc; một số cuộc giám sát chưa theo dõi, bám sát đến cùng hoặc tổ chức tái giám sát khi xét thấy cần thiết.

Từ tồn tại trên, nhiệm vụ đặt ra là các kiến nghị đưa ra phải sát thực tế, có căn cứ pháp lý, mang tính giải pháp để góp phần tháo gỡ những hạn chế, tồn tại; đồng thời mỗi kiến nghị phải xác định được rõ mốc thời gian cụ thể yêu cầu giải quyết và chủ thể chịu trách nhiệm giải quyết. Đối với những cơ quan, đơn vị chậm giải quyết các kiến nghị của Đoàn giám sát sẽ đôn đốc bằng văn bản hoặc tổ chức giám sát trực tiếp. Tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc xem xét, giải quyết những kiến nghị sau giám sát. Tại các kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND cũng cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ đại biểu theo dõi, đôn đốc và giám sát việc thực hiện những kiến nghị sau giám sát đối với địa phương nơi đại biểu ứng cử.

Thứ tư là nâng cao nhận thức về hoạt động giám sát của HĐND tỉnh:  Hoạt động giám sát chưa được nhận thức đầy đủ và thiếu toàn diện, còn bị nhầm lẫn với công tác thanh tra, kiểm tra làm cho giám sát nặng về phát hiện những hạn chế, yếu kém, vi phạm pháp luật,...nhẹ về phần phát hiện, tổng kết những kinh nghiệm hay, những việc làm tốt, các điển hình tiên tiến và kiến nghị hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách,... Mặt khác, cũng có những ý kiến đánh giá rằng hoạt động giám sát của HĐND còn chung chung, chiếu lệ, mang tính hình thức, hiệu quả không cao. Để khắc phục cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, giải thích, quán triệt cho các thành viên Đoàn giám sát, các đối tượng giám sát, các cơ quan, đơn vị, địa phương thấy được bản chất hoạt động giám sát của HĐND tỉnh. Cụ thể hóa những điều đó trong việc xác định mục đích, yêu cầu, nội dung, phương thức tiến hành giám sát, những kết luận và đề xuất thông qua giám sát; nêu bật những ý nghĩa tích cực mang tính xây dựng trong công tác giám sát, coi giám sát là một việc làm cần thiết, là cơ hội để xem xét, đánh giá một cách khách quan quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình, từ đó hợp tác tích cực với Đoàn giám sát của HĐND. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, sức lan tỏa trong dư luận xã hội, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của HĐND, trong đó có hoạt động giám sát và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc chấp hành và thực hiện các kết luận giám sát của HĐND để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát  của HĐND, tạo áp lực cho các cơ quan chức năng sớm giải quyết, chấn chỉnh những bất cập, tồn tại trong thực tế.

Lầu Nỏ Sa, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh

 


Tin liên quan
Đẩy nhanh tiến độ các dự án tái định cư gắn với việc phát triển sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân thị xã Mường Lay
Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Tủa Chùa
Giải pháp tổ chức huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tuần Giáo
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở thành phố Điện Biên Phủ
Chúng tôi đã đến trường sa
Nữ đại biểu dân cử được Nhân dân mến phục tin yêu
Văn phòng – chuyện vui, buồn
Những điều chỉnh mới của Luật bảo hiểm xã hội
Cần giúp cử tri nhận thức đúng quy định: tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Nhớ về những ngày tháng hào hùng của dân tộc Việt Nam