Nghiên cứu - Trao đổi  

Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu hội đồng nhân dân

Cập nhật ngày 21/03/2015 15:53:27 PM - Lượt xem: 256

Trước khi được cử tri tín nhiệm bầu vào đại biểu Hội đồng nhân dân hầu như ai cũng chưa hiểu nhiều về nhiệm vụ của người đại biểu, người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân phải làm những việc gì? Để làm tốt nhiệm vụ của người đại biểu thì phải có kỹ năng hoạt động. Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin trao đổi 3 kỹ năng quan trọng khi thực hiện nhiệm vụ người đại biểu Hội đồng nhân dân, đó là kỹ năng tại kỳ họp; kỹ năng giám sát và kỹ năng tiếp xúc cử tri.


1. Kỹ năng tại kỳ họp HĐND

Theo qui định của pháp luật, hoạt động của cơ quan dân cử chủ yếu tập trung tại kỳ họp, một năm HĐND thường tổ chức 2 kỳ họp thường kỳ. Trong các kỳ họp, đại biểu HĐND có trách nhiệm xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương; giám sát các hoạt động của UBND và các ngành, các cấp; tổng hợp và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Như vậy tại kỳ họp, người đại biểu phải có kỹ năng để xem xét các vấn đề trình tại kỳ họp để tham gia ý kiến, cuối cùng đi đến biểu quyết, quyết định hay không quyết định; phải có kỹ năng giám sát các hoạt động của UBND và các cấp, các ngành thông qua báo cáo, thông qua ý kiến chất vấn; phải lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, trả lời của cơ quan chức năng đối với các ý kiến đó. Như vậy kỳ họp HĐND là tổng hợp các vấn đề mà nhiệm vụ người đại biểu phải thực hiện.

Kỹ năng phân tích vấn đề trong nội dung chương trình kỳ họp, cần xem xét vấn đề đó một cách toàn diện, cả những mặt thuận lợi, mặt khó khăn, trên cơ sở đó mới đánh giá một cách khách quan, đưa ra các quyết định có chất lượng. Người đại biểu là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, nên những ý kiến , kiến nghị của đại biểu đưa ra tại kỳ họp phải chính xác, kịp thời đóng góp vào những quyết sách đúng đắn của Hội đồng nhân dân, thể hiện được những yêu cầu của thực tiễn đặt ra, đáp ứng tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân

Người đại biểu phải chủ động thu thập và xử lý thông tin cần thiết để tham gia ý kiến vào các báo cáo, đề án, tờ trình đảm bảo đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Để thu thập được thông tin, người đại biểu có thể thu thập từ rất nhiều nguồn khác nhau (Từ báo chí, từ các cuộc tiếp xúc cử tri, đơn thư phản ánh của nhân dân, tại các hội nghị...) đặc biệt cần thiết theo dõi và nắm bắt kịp thời các tin tức thời sự, nhất là các vấn đề đang diễn ra ở địa phương. Để làm tốt việc này, người đại biểu luôn phải kiểm tra thông tin bằng các câu hỏi như: Thông tin này từ nguồn nào? Có đảm bảo độ chính xác, tin cậy không? Thông tin mới hay đã lạc hậu? Thông tin này cần thiết cho việc gì? Những thông tin này rất cần thiết cho việc tham gia ý kiến, chất vấn tại kỳ họp.

 Kỹ năng trình bầy ý kiến của mình tại buổi thảo luận, là việc đại biểu đưa ra quan điểm, cách nhìn, cách nghĩ, cách đánh giá trước một vấn đề nào đó. Việc trình bầy ý kiến của người đại biểu là vô cùng quan trọng, đây chính là cách thức, là phương pháp, là hoạt động mà đại biểu thường xuyên phải làm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Những nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu chỉ được hoàn thành khi đại biểu tiến hành thực hiện bằng nhiều hoạt động, trong đó việc thể hiện quan điểm, trình bầy ý kiến rõ ràng là điều không thể thiếu. Người đại biểu cần rèn luyện cho mình phong cách trình bầy ý kiến tự tin, mạch lạc và có sức thu hút, tạo cho người nghe có những ấn tượng.

Chất vấn tại kỳ họp là việc hỏi của đại biểu và yêu cầu phải trả lời. Chất vấn là quyền của đại biểu HĐND, chất vấn như một công cụ giám sát hữu hiệu của đại biểu. Cơ quan hoặc người bị chất vấn có trách nhiệm phải trả lời tại kỳ họp hoặc bằng văn bản cho đại biểu. Kỹ năng chất vấn đòi hỏi một trình độ nhất định và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý, giao tiếp của người đại biểu. Câu hỏi chất vấn không giống với câu hỏi bình thường, vì vậy trước khi chất vấn đại biểu phải chú ý tìm hiểu rất kỹ, nắm nhiều thông tin về vấn đề mình chất vấn để có thể trao đổi làm rõ hơn những vấn đề chất vấn.

 2. Kỹ năng giám sát

Giám sát là theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều qui định không. Giám sát của HĐND là việc HĐND theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND ở địa phương.

Để thực hiện tốt chức năng giám sát, người đại biểu phải nghiên cứu kỹ các qui định, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, của tỉnh, của HĐND; đồng thời nắm bắt các thông tin qua báo cáo, dư luận, đơn thư của công dân, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng... về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực giám sát. Việc thu thập tài liệu có liên quan đến vấn đề giám sát, nghiên cứu nó trước khi tiến hành giám sát, người đại biểu phải có cách tiếp cận, tập trung nghiên cứu vào những vấn đề trọng tâm, cốt nõi, chứ không thể xem hết được tài liệu, báo cáo.

Giám sát nội dung nào phải có các chuyên gia về lãnh vực để giúp cho đại biểu hiểu sâu về vấn đề đó (chuyên gia ở đây là những người có chuyên môn sâu, có thể là đại biểu HĐND hoặc không phải là đại biểu HĐND tham gia Đoàn giám sát). Đoàn giám sát, ngoài các đại biểu HĐND tỉnh, bố trí một số thành phần của các ngành liên quan đến nội dung giám sát, họ là những người chỉ đạo, tổ chức thực hiện, họ nắm được sâu nội dung đó. Họ là những người ở "trong chăn" nên họ biết "chăn có rận hay không".

Đi thực tế để kiểm định thông tin là khâu không thể thiếu của cuộc giám sát. Nghe báo cáo và nhìn thực tế xem có đúng không, vì "Trăm nghe không bằng một thấy". Nhiều khi nghe để biết, còn xem để khẳng định. Ví dụ giám sát các công trình giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, thì việc nhìn tận mắt các hạng mục công tình là cần thiết, kiểm tra những đoạn đường quanh co, khó thi công để kiểm định chất lượng.

Trao đổi với các đơn vị chịu sự giám sát, người đại biểu phải có kỹ năng nêu câu hỏi, nêu những vấn đề mình còn băn khoăn, gợi ý cho đối tượng chịu sự giám sát trả lời nội dung mà mình quan tâm. Câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, đi sâu vào những mặt tồn tại, vướng mắc, hướng khắc phục.

3. Kỹ năng tiếp xúc cử tri

Tiếp xúc cử tri là hoạt động thường xuyên của đại biểu nhằm giữ mối liên hệ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri nơi bầu ra mình. Người đại biểu có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Kỹ năng tiếp xúc cử tri bao gồm chọn địa bàn, đối tượng và thời điểm; chuẩn bị nội dung; cách ghi chép tổng hợp và xử lý các kiến nghị của cử tri

Chọn địa bàn tiếp xúc cử tri dựa trên nội dung kỳ họp mà đại biểu tìm hiểu sâu. Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp chọn địa bàn sẽ khác tiếp xúc cử tri sau kỳ họp. Tiếp xúc trước kỳ họp, việc thu thập thông tin, tham vấn ý kiến nhân dân về những vấn đề được bàn thảo được cho là quan trọng đối với đại biểu, cho nên địa bàn tiếp xúc cần chọn đó là những nơi có điều kiện, trình độ dân trí cao. Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, vấn đề được quan tâm là thông báo kết quả kỳ họp, tuyên truyền, giải thích những Nghị quyết mà HĐND vừa thông qua để các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện, thì địa bàn chọn cần ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Ví dụ khi HĐND bàn về vấn đề xóa đói giảm nghèo thì nên tiếp xúc ở những nơi khó khăn có nhiều hộ nghèo; hoặc khi HĐND ban hành nghị quyết về công tác phòng chống ma túy thì nên chọn những nơi có nhiều tụ điểm phức tạp về ma túy. Không hạn chế điểm tiếp xúc cử tri, đại biểu càng tiếp xúc ở nhiều điểm thì càng có điều kiện thu thập đầy đủ ý kiến của cử tri, nắm được đầy đủ tâm tư nguyện vọng của cử tri

Đối tượng tiếp xúc cử tri phải phù hợp, căn cứ vào nội dung kỳ họp để chọn đối tượng cử tri tiếp xúc cho phù hợp thì mới đạt hiệu quả cao. Nếu tiếp xúc với cử tri là cán bộ công nhân viên chức mà trình bầy những nội dung về nông nghiệp, nông thôn, về xóa đói giảm nghèo thì sẽ khó mà có hiệu quả cao. Không hạn chế số lượng cử tri dự buổi tiếp xúc, càng nhiều càng tốt, các ý kiến của cử tri sẽ phong phú hơn. Tránh tiếp xúc cử tri là đại diện các ban, ngành, tổ chức, trưởng bản...vì những ý kiến phản ánh của cử tri rất có thể là chủ quan, một chiều. Thời điểm tiếp xúc cử tri cũng cần nghiên cứu cho phù hợp, nếu đang vào kỳ thu hoạch lúa, thời vụ gieo cấy thì việc mời cử tri tham dự sẽ khó khăn, số người tham dự sẽ ít. Cũng tránh một địa bàn trong một thời điểm có nhiều cuộc tiếp xúc cử tri (ĐBQH, ĐB hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã)

Kỹ năng trình bầy nội dung tiếp xúc cử tri của người đại biểu là nội dung chính. Nên trình bầy tóm tắt, lướt nhanh những nội dung, chọn một vài nội dung thiết thực có liên quan đến địa bàn, cử tri quan tâm để phổ biến sâu, giải thích cụ thể để cử tri hiểu, như là các chế độ chính sách có liên quan đến sản xuất kinh doanh, đến đời sống người dân. Cần chuẩn bị sâu những nội dung thiết thực với đối tượng cử tri, cách trình bầy cũng phải phù hợp với đối tượng tiếp xúc, trình bầy ngắn gọn, rõ ràng, ngôn ngữ sử dụng dễ hiểu, giọng nói tình cảm, thái độ nghiêm túc, tôn trọng cử tri; trang phục lịch sự, phù hợp... Tất cả những kỹ năng trên nhằm tạo cho buổi tiếp xúc giữa đại biểu và cử tri thân thiện, cởi mở tạo không khí gần gữi, thân tình.

Kỹ năng nghe cử tri nói là của đại biểu và cách ghi chép, tổng hợp ý kiến của cử tri, việc này chủ yếu do thư ký thực hiện, nhưng đại biểu cũng cần ghi chép những nội dung cơ bản để theo dõi, phân loại, xử lý. Nghe để hiểu ý của cử tri, nhất là cử tri người dân tộc thiểu số tiếng phổ thông không thạo, cách diễn đạt hạn chế, cho nên phải có kỹ năng nghe như thế nào để hiểu ý kiến của cử tri. Sau khi hết ý kiến, đại biểu phải phân loại nhanh ý kiến nào thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã, cấp huyện thì đề nghị đại diện chính quyền trả lời trực tiếp; những ý kiến nào đại biểu hiểu sâu có thể trao đổi ngay với cử tri; những ý kiến thuộc cấp tỉnh, Trung ương, đại biểu tiếp thu về chuyển đến các cấp, các ngành xem xét, trả lời. Thường thì các ý kiến của cử tri phần lớn thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã, cấp huyện, số ít ý kiến thuộc thẩm quyền cấp tỉnh và Trung ương. Tổ đại biểu sau khi tổng hợp chung, phân loại ý kiến để chuyển trực tiếp cho cấp đó, ngành đó xem xét trả lời. Sau khi có ý kiến trả lời của các cấp, các ngành, Tổ đại biểu hoặc đại biểu gửi ý kiến trả lời cho cử tri. Làm được như vậy ý kiến của cử tri hầu như được xem xét và trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản

Để thực hiện tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, trước hết phải được bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, từ đó đại biểu tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình hoạt động để nâng cao. Không lúc nào là đủ, dù đại biểu có tham gia nhiều khóa HĐND, dù trình độ thế nào cũng cần tiếp tục được bồi dưỡng, trau dồi./. 

 

                                             Nhữ Văn Quảng

                                                                Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh

 


Tin liên quan
Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu và tổ đại biểu HĐND tỉnh
Nổi bật những thành tựu xây dựng Điện Biên giàu đẹp theo Di chúc của Bác
Công tác phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Giảm nghèo ở Điện Biên thành tựu và thách thức
Tổ chức tiếp xúc cử tri như thế nào cho hiệu quả, khắc phục tính hình thức
Luật Tiếp công dân - khẳng định bản chất dân chủ của Nhà nước ta
Ý kiến trao đổi - Hoàn thiện thể chế đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã
Bước chuyển nông thôn mới ở Điện Biên
Thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú và trường dân tộc ban trú
Mỗi quan hệ giữa thi đua và khen thưởng