Nghiên cứu - Trao đổi  

Ý kiến trao đổi - Hoàn thiện thể chế đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Cập nhật ngày 21/03/2015 11:18:36 AM - Lượt xem: 256

Triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, Quốc hội tập trung xây dựng nhiều dự án luật rất quan trọng nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp. Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương được xây dựng đảm bảo mục tiêu là tổ chức chính quyền địa phương hợp lý, phù hợp với đô thị, nông thôn, miền núi; bảo đảm chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương.


Trong các cấp chính quyền địa phương thì Chính quyền cấp xã là cấp cơ sở trong hệ thống các cơ quan nhà nước, là chính quyền gần dân nhất, là cầu nối trực tiếp giữa Nhà nước và nhân dân trên địa bàn, là cơ quan hành chính nhà nước sâu sát và nắm chắc tình hình dân cư, là nơi thể hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Chính quyền cấp xã có vai trò quan trọng trong việc thu thập và phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân để giúp Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, biện pháp tổ chức, quản lý phù hợp với tình hình thực tế. Mọi hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã sẽ tác động trực tiếp đến đời sống xã hội và công dân trên địa bàn. Do đó về nguyên tắc, đòi hỏi phải xây dựng một chính quyền cấp xã vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thì cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có chất lượng, có phẩm chất đạo đức, có năng lực thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ ở địa phương.

Hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã bao gồm cán bộ, công chức và “những người hoạt động không chuyên trách". Trong đó, đội ngũ "những người hoạt động không chuyên trách" là một bộ phận của đội ngũ cán bộ cơ sở. Đây là nguồn dự bị cho cán bộ, công chức cấp xã, là lực lượng luôn song hành cùng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong việc làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là lực lượng tham gia trực tiếp vào các hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở, góp phần vào hoạt động quản lý nhà nước cũng như thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được quy định trong khoản 4 Điều 84 Luật Cán bộ, công chức năm 2008: “Chính phủ quy định khung số lượng, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”. Cụ thể hóa quy định này, tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Tuy nhiên, về tên gọi vẫn chưa phù hợp, việc xác định về khái niệm về "những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã" chưa được rõ; chức năng, nhiệm vụ chưa được quy định cụ thể và chế độ chính sách vẫn còn bất cập.

Về tên gọi "những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã": Trước đây, khi chưa có văn bản thống nhất quy định về cán bộ, công chức thì tất cả những người làm việc trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội đều được gọi chung “cán bộ” hoặc “cán bộ, công chức” hay “cán bộ, công nhân viên chức”. Năm 1998, Pháp lệnh Cán bộ, công chức được ban hành. Chính phủ ban hành Nghị định 121/2003/NĐ-CP quy định về số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã; chế độ đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã. Nghị định này, lần đầu tiên tách bạch “cán bộ, công chức cấp xã” với những “người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” và sử dụng thuật ngữ “cán bộ không chuyên trách ở cấp xã”. Nghị định đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xác định chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Tuy nhiên đến khi Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 ra đời, Chính phủ đã ban hành Nghị định 92/2009/NĐ-CP bãi bỏ Nghị định 121/2003/NĐ-CP và trong Nghị định này, Chính phủ sử dụng thuật ngữ “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” để phù hợp và thống nhất với Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Nghị quyết TW5  khoá IX về "đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn" đã sử dụng thuật ngữ "cán bộ không chuyên trách". Bên cạnh đó, khi sử dụng thuật ngữ “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” sẽ tạo nên tâm lý phân biệt giữa những người làm việc tại cấp xã vì cán bộ, công chức cấp xã được gọi là “cán bộ, công chức” trong khi đó nhóm đối tượng còn lại được gọi là “những người”. Dó đó việc xác định tên gọi cũng như khái niệm về "những người hoạt động không chuyên trách" cũng nên cần điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo tính phù hợp với Nghị quyết TW 5, đảm bảo phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của nhóm đối tượng này trên thực tế.

Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh này: Theo Nghị định 92 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì số lượng những người hoạt động không chuyên trách được bố trí theo phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, quy định này chỉ mới dừng lại ở việc quy định khung số lượng còn việc quy định tên gọi cụ thể các chức danh "những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã" thì vẫn chưa được xác định. Bên cạnh đó việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn của nhóm đối tượng này cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Thực tế hiện nay, tính chất công việc của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, nhất là cấp phó của người đứng đầu của các tổ chức chính trị xã hội (Phó Bí thư Đoàn thanh niên, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ…) cũng giống như công việc của người đứng đầu các tổ chức này (cán bộ cấp xã) trong khi chế độ, chính sách dành cho họ quá khác nhau.

Về các chế độ chính sách: Các chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố. Tuy đã được cải cách một bước, nâng lên cao hơn so với các quy định trước đây, nhưng mức phụ cấp hiện nay vẫn quá thấp so với mặt bằng chung, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Mức phụ cấp quy định cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã tối đa không quá 1,0 mức lương tối thiểu chung (hiện nay là 1.050.000 đồng), quá chênh lệch so với cấp trưởng. Trên thực tế những người hoạt động không chuyên trách, tham mưu, giúp việc cho cấp trưởng, trong khi đó đối tượng này chỉ hưởng phụ cấp; về chế độ bảo hiểm xã hội thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngoài ra đối với nhóm đối tượng cán bộ không chuyên trách và chuyên trách thuộc khối Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã không thuộc đối tượng được hưởng 30% phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội như đối với cán bộ, công chức công tác Đảng đoàn thể chính trị xã hội như cấp tỉnh, cấp huyện. Như vậy, chế độ chính sách đối với đội ngũ này còn nhiều bất cập, chưa hợp lý.

Chính vì vậy, ngoài việc xây dựng về mô hình, bộ máy chính quyền địa phương, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã cũng cần phải được tiếp tục quan tâm. Trong đó việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các thể chế đối với cán bộ cơ sở là vấn đề rất cần thiết trong tình hình hiện nay, tiến tới đảm bảo sự bình đẳng, công bằng, giữa cán bộ với công chức các cấp; giữa cán bộ, công chức với những người hoạt động không chuyên trách, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, yên tâm công tác, thực thi có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật, nâng cao năng lực hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã./.

 Hồ Văn Nam

Phó Trưởng phòng Công tác ĐBQH

 


Tin liên quan
Bước chuyển nông thôn mới ở Điện Biên
Thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú và trường dân tộc ban trú
Mỗi quan hệ giữa thi đua và khen thưởng
Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có giám sát quyền lực Ở đâu có chính quyền nhân dân, ở đó phải có HĐND
Mô hình chính quyền địa phương: Vẫn rối bời
Đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả giám sát, tiếp xúc cử tri
Đại biểu chuyên trách: hạt nhân của HĐND
Chưa thống nhất về tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, phường
Khó khăn khi giải quyết án hành chính tại Tòa án địa phương
DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DÂN TỘC SI LA, SAU 5 NĂM NHÌN LẠI