Nghiên cứu - Trao đổi  

Công tác phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Cập nhật ngày 21/03/2015 11:41:57 AM - Lượt xem: 256

Hiện nay, theo số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh có khoảng 370 phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương không rõ lý do, tập trung nhiều tại các huyện: Tuần Giáo (84 người), Tủa Chùa (89 người), Nậm Pồ (50 người), Mường Ảng (33 người). Từ năm 2011 đến tháng 6/2014, cơ quan công an đã khởi tố 35 vụ mua bán người với 47 đối tượng phạm tội, làm rõ 80 nạn nhân bị mua bán.


Điện Biên với diện tích tự nhiên rộng, địa bàn hiểm trở, tiếp giáp với 2 nước là Trung Quốc và Lào. Trên tuyến biên giới Việt - Lào có cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, cửa khẩu Quốc gia Huổi Puốc - Na Son; trên tuyến biên giới Việt - Trung có lối mở A Pa Chải - Long Phú và hàng trăm đường tiểu ngạch qua lại 2 bên biên giới. Đời sống nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp và không đồng đều. Tại các xã vùng cao, vùng biên giới với đặc điểm địa hình đồi núi chia cắt, hiểm trở, nhân dân sống phân tán, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu, đặc biệt là kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, lừa gạt đồng bào gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Vì vậy, trong những năm gần đây trên địa bàn các huyện vùng cao, vùng giáp biên giới hoạt động mua bán người ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, tính chất phạm tội nghiêm trọng, ngày càng nguy hiểm, thủ đoạn tinh vi, phương thức hoạt động liều lĩnh, xu hướng hoạt động xuyên quốc gia, yếu tố phạm tội quốc tế gia tăng.

Tội phạm mua, bán người chủ yếu là các đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, buôn bán tự do, chủ chứa mại dâm, môi giới mại dâm, nạn nhân từng bị mua bán làm gái mại dâm. Thủ đoạn của bọn chúng thường dùng lời nói dễ nghe lôi kéo nạn nhân, lợi dụng sự cả tin của nạn nhận giả vờ bày tỏ tình cảm yêu thương để dụ dỗ hoặc hứa tìm việc làm với công việc ổn định, thu nhập cao. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em; phần lớn nạn nhân là những người điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình không hạnh phúc, trình độ nhận thức thấp, thu nhập không ổn định, bị lợi dụng, dụ dỗ; một phần các cô gái thích hưởng thụ vật chất nhưng lười lao động. Hầu hết nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài (chủ yếu là sang Trung Quốc) làm gái bán dâm, làm vợ ngoài ý muốn hoặc bị bóc lột công sức lao động.

Từ năm 2011 đến nay, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các mục tiêu tổng quát của "Chương trình hành động Phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Điện Biên" cơ bản đạt kế hoạch.

Đối với Đề án “Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người trong toàn xã hội”. Sở Thông tin và truyền thông đã chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tiến hành thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc ít người, nhân dân sống tại các khu vực biên giới. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã phối hợp với ngành Tư pháp, Công an tỉnh mở các lớp tập huấn phòng, chống tội phạm mua bán người cho các báo cáo viên của các đơn vị: Công an, các đồn Biên phòng, Tư pháp, Mặt trận tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN cấp tỉnh và huyện. Hoạt động, tuyên truyền, phổ biến được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú: thông qua các buổi tập huấn, giao lưu văn hóa văn nghệ, tọa đàm, hội thi, họp tổ dân phố, thôn, bản, các buổi sinh hoạt lồng ghép tại các câu lạc bộ, chiếu phim lưu động, phát tờ rơi, cung cấp tài liệu, nói chuyện trực tiếp...

Đối với Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm mua bán người". Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp tiến hành thực hiện các biện pháp nghiệp vụ được triển khai tại 10 huyện, thị, thành phố, đặc biệt chú trọng 6 địa bàn trọng điểm: huyện Điện Biên, Tuần Giáo. Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa và 2 tuyến giao thông trọng điểm: Điện Biên đi Lai Châu - Lào Cai, Điện Biên đi Hà Nội - Quảng Ninh. Hàng năm, Công an tỉnh đã tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên các địa bàn trọng điểm khu vực nội địa và biên giới. Từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2014, Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức đưa 04 vụ án mua bán người xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm nơi xảy ra vụ án: huyện Tủa Chùa, Mường Nhé, Mường Chà, Tuần Giáo. Việc xét xử lưu động đã góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, giáo dục pháp luật trong nhân dân, đồng thời răn đe, ngăn chặn tình trạng tội phạm mua bán người.

Tính đến tháng 6/2014 trên địa bàn toàn tỉnh đã bắt giữ và tiến hành khởi tố điều tra 35 vụ, 47 đối tượng phạm tội, làm rõ 80 nạn nhân bị mua bán. Trong đó: 33/35 vụ và  43/47 đối tượng phạm tội Mua bán người ra nước ngoài. Qua những con số biết nói này đã thấy được tội phạm mua bán người ngày càng gia tăng, phức tạp, đặc biệt là tội phạm mua bán người tại các khu vực biên giới để đưa ra nước ngoài (chủ yếu là “thị trường” Trung Quốc).

Đối với Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về". 100 % các trường hợp nạn nhân bị mua bán sau khi được giải cứu, tự trở về đều được tiếp nhận, xác minh lai lịch, nhân thân hoặc bảo vệ bí mật thông tin theo nguyện vọng của nạn nhân. 100 % Nạn nhân sau khi trở về được hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đăng ký lại các giấy tờ cần thiết, tư vấn pháp luật, y tế, giáo dục; trường hợp nạn nhân có nhu cầu về việc làm, học nghề, vay vốn để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng đều được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng có liên quan tạo điều kiện.

Đối với Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người. Hiệp định hợp tác Quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam với nước  Lào, Trung Hoa trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người được triển khai, thực hiện nghiêm túc. Các Hội nghị giao ban, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, thông báo tình hình tội phạm mua bán người được tổ chức định kỳ giữa Công an tỉnh Điện Biên với Công an thành phố Phổ Nhĩ, huyện Giang Thành - Vân Nam, Trung Quốc và Công an tỉnh Phong Sa Ly và Luông Pha Băng - Lào. Việc phối hợp giữa các địa bàn biên giới nước ta với nước CHDCND Lào, CHDCND Trung Hoa ngày càng được tăng cường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, đó là công tác phối kết hợp giữa các đơn vị được giao thực hiện Đề án trong Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người chưa thường xuyên, chặt chẽ; coi công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ riêng của lực lượng vũ trang; Công tác tập huấn nghiệp vụ về phòng, chống tội phạm mua bán người còn ít, tài liệu tuyên truyền chưa phong phú, thiếu sinh động; công tác tuyên truyền được triển khai song có nơi, có lúc chưa được thường xuyên.

Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng buôn bán người qua biên giới chúng ta cần: Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường hơn nữa sự phối hợp của các cấp, các ban, ngành có liên quan, đặc biệt là sự phối hợp giữa Lực lượng Công an các cấp với lực lượng Bộ đội Biên phòng trong công tác quản lý biên giới, tuyên truyền chính sách pháp luật, giải cứu, tiếp nhận và bảo vệ nạn nhân bị mua bán.

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân cần được tăng cường, chú trọng, đẩy mạnh; đặc biệt tuyên truyền nêu cao ý thức đấu tranh, cảnh giác trước mọi thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người; hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng, cụ thể, phù hợp với nhận thức của người dân từng địa bàn, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa đối với các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người.

Chủ động, tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng,chống tội phạm mua bán người. Cụ thể: tăng cường sự phối hợp giữa Công an tỉnh Điện Biên với Công an các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, theo nguyên tắc phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam, luật pháp quốc tế và hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng./.

          Nguyễn Dung - Phòng Công tác HĐND

 


Tin liên quan
Giảm nghèo ở Điện Biên thành tựu và thách thức
Tổ chức tiếp xúc cử tri như thế nào cho hiệu quả, khắc phục tính hình thức
Luật Tiếp công dân - khẳng định bản chất dân chủ của Nhà nước ta
Ý kiến trao đổi - Hoàn thiện thể chế đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã
Bước chuyển nông thôn mới ở Điện Biên
Thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú và trường dân tộc ban trú
Mỗi quan hệ giữa thi đua và khen thưởng
Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có giám sát quyền lực Ở đâu có chính quyền nhân dân, ở đó phải có HĐND
Mô hình chính quyền địa phương: Vẫn rối bời
Đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả giám sát, tiếp xúc cử tri