Nghiên cứu - Trao đổi  

Giảm nghèo ở Điện Biên thành tựu và thách thức

Cập nhật ngày 21/03/2015 11:32:41 AM - Lượt xem: 256

Sau giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình giảm nghèo , bà Giàng Thị Hoa, Phó chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ: “Dù có chính sách tốt, dù cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc, nhưng nhận thức của một bộ phận người nghèo chưa thay đổi, còn ỷ lại thì công cuộc giảm nghèo chả khác chi “bắt cóc, bỏ đĩa”, khó bền vững. Người dân phải thay đổi nhận thức, phải có động lực, tự vươn lên, công cuộc thoát nghèo mới bền vững”.


Thành tựu sau hai năm thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh

Vấn đề đói nghèo mang tính chất toàn cầu. Xóa đói, giảm nghèo không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần, mà nó còn là vấn đề văn hoá - xã hội, an ninh ổn định chính trị. Xóa đói giảm nghèo về kinh tế là điều kiện tiên quyết để xóa đói giảm nghèo về văn hoá, xã hội và ổn định xã hội.  

Xác định rõ vai trò của công cuộc xóa đói, giảm nghèo đối với sự phát triển, tỉnh Điện Biên đã có nhiều cố gắng để giảm nghèo nhanh và bền vững. Tại kỳ họp thứ 3, khóa XIII, HĐND tỉnh Điện Biên đã ra Nghị quyết 267 phê duyệt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 267).

Phát huy những thành tựu và những kinh nghiệm trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong những năm trước đây. Sự nỗ lực cố gắng và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Điện Biên đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ giảm nghèo khá nhanh, nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 50% (cao nhất nước), đến năm 2014 ước xấp xỉ 31%. Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện và nâng lên, có trên 97% dân số tham gia bảo hiểm y tế, trên 74,5 % được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trên 80% được sử dụng điện. Các mục tiêu: đường ô tô tới trung tâm xã, phổ cập giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cơ bản đạt mục tiêu so với Nghị quyết của HĐND.

Trong khuôn khổ của một bài báo, không thể nêu hết những kết quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội trong công cuộc giảm nghèo ở Điện Biên sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 267. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn của một tỉnh miền núi, biên giới, xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, tội phạm về ma túy, truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thì những thành tựu trên là một kỳ tích.

Cuộc chiến giảm nghèo ở vùng đất này đòi hỏi sự huy động cao nhất của toàn bộ hệ thống chính trị. Hơn chục năm trước đây, Điện Biên đã phân công cho các cấp, các ngành giúp đỡ các xã theo địa chỉ. Đó là tiền đề thuận lợi khi các cấp, các ngành chung tay cùng địa phương triển khai công cuộc giảm nghèo. Những việc làm cụ thể của các tổ chức, chính trị, xã hội không chỉ là công tác vận động, tuyên truyền, tham gia điều tra, rà soát hộ nghèo. Mà trực tiếp tham mưu, đôi lúc còn cầm tay chỉ việc cho người dân thực hiện. Công tác, kiểm tra, giám sát của các cấp các ngành cũng được tăng cường, cùng với đó việc lãnh đạo tỉnh, thường xuyên “vi hành” tới những điểm nóng khó khăn, đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

Yếu tố quan trọng nhất để giảm nghèo, sau đó là giảm nghèo bền vững phụ thuộc vào đối tượng nghèo. Trong bức tranh của nhiều địa phương khó khăn, vẫn có những con người biết vượt khó, những triệu phú: rừng, cà phê, trâu bò, VAC… ở vùng sâu, vùng xa Điện Biên không hiếm. Trên "bản đồ" giảm nghèo nhanh ở Điện Biên trong 3 năm qua đã xuất hiện những điểm sáng, trong đó phải kể đến xã Tỏa Tình (Tuần Giáo), là xã vùng cao, cheo leo trên đỉnh đèo Pha Đin (cũ) kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, phụ thuộc vào cây ngô, cây lúa nương, dăm năm trước tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Theo quy hoạch Tỏa Tình là vùng chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên với độ cao trên 1000 m so với mặt biển, quanh năm mây phủ, sương sa, độ dốc lớn việc phát triển chăn nuôi gia súc không phù hợp. Lãnh đạo xã, cùng người dân đã tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Những cây có giá trị kinh tế cao như: táo mèo, thảo quả, đặc biệt là cà phê thay vào nương sắn nương ngô. Sau gần 10 năm, bằng nguồn vốn của chương trình dự án của Nhà nước, cùng sự năng động của cán bộ, người dân Tỏa Tình đã thoát nghèo. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 13% hộ nghèo, 6/7 bản đã được công nhận bản văn hóa. Hầu hết các gia đình trong xã đều có nhà xây khang trang, nhiều hộ mua sắm thêm được ti vi, tủ lạnh, xe máy, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Lộ trình đến đích còn nhiều gian nan

Trên con đường thực hiện mục tiêu chung của Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 267 của HĐND tỉnh, dù đã đạt được những thành tựu ban đầu nhưng lộ trình đến đích còn nhiều gian nan.

Về cơ chế chính sách: nhiều cơ chế, chính sách còn chồng chéo dẫn đến việc phân bổ, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chưa cao  sự liên kết thống nhất giữa các chính sách, vấn đề lồng ghép các chương trình, mục tiêu giảm nghèo, nguồn lực tài chính thiếu; tiêu chí đánh giá hộ nghèo… là những bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ giảm nghèo nhanh và bền vững không chỉ đối với Điện Biên và nhiều địa phương khác

Theo Ủy ban Dân tộc hiện tại có 130 chính sách của Nhà nước hỗ trợ đối với đồng bào khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ, sự giúp đỡ của Bộ, Ngành Trung ương, Doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Nên việc lồng ghép để giúp đỡ đối tượng nghèo rất khó khăn. Tỉnh, huyện chỉ đạo và lồng ghép các Chương trình, các hợp phần ở tầm vĩ mô. Còn  lồng ghép những Chương trình nhỏ lẻ thì rất khó. Vì vậy, mới có chuyện cùng một thời điểm 1 hộ nghèo nọ được 2 tổ chức hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh.

Nguồn lực tài chính thiếu là khó khăn lớn nhất để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững. Nghị quyết 267 xác định: “thực hiện chương trình giảm nghèo đồng bộ với xây dựng nông thôn mới và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa  nông nghiệp, nông thôn.”. Tuy nhiên để có nguồn lực  tài chính  thực hiện mục tiêu chiến lược này, trong điều kiện tỉnh nghèo, khó khăn là một bài toán không hề đơn giản. Do đó, tính đến hết năm 2014,  116 xã của tỉnh Điện Biên chưa có một xã nào đạt đủ tiêu chí nông thôn mới, chỉ có 1 xã đạt 15/19 tiêu chí, 93 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Bên cạnh đó nguồn lực con người để thực hiện công cuộc giảm nghèo ở tại cơ sở cũng không ít khó khăn. Nhiều cán bộ xã, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế về năng lực quản lý xã hội, quản lý kinh tế. Khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…  Hiểu rõ thực trạng của đội ngũ cán bộ cơ sở, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Giàng Thị Hoa, khi làm việc với các địa phương trong đợt giám sát Chương trình giảm nghèo luôn nhấn mạnh vấn đề: “cầm tay, chỉ việc” không chỉ đối với người nghèo, mà còn cả đối với cán bộ cơ sở.

Một thách thức không nhỏ, trên lộ trình giảm nghèo là nhận thức của một bộ phận không nhỏ người nghèo về vấn đề thoát nghèo. Tư tưởng ỷ lại, trông chờ những chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước, thiếu động lực và lòng tự trọng, cũng như thiếu trách nhiệm với xã hội và cộng đồng nên họ coi nghèo là “nghề” để kiếm sống. Cá biệt, có cả những cán bộ xã cũng “thích nghèo” để thụ hưởng chính sách với bài tách hộ hoặc cho vợ đứng tên chủ hộ và mình “xuống thứ”, và tự “thưởng” cho gia đình mình là hộ nghèo. Có hộ vợ là cô giáo, chồng buôn bán nhỏ ở bản lại là hộ nghèo. Khi cán bộ tỉnh xuống giúp xã rà soát, điều tra hộ nghèo, họ thuê ô tô chở ti vi tủ lạnh, máy giặt… hàng hóa đi sơ tán, chỉ “trưng bày” mấy đứa trẻ ăn mặc rách rưới, nhà không, chuồng trống. Sau khi chắc chắn mình có tên trong danh sách hộ nghèo, họ mới lại xếp đặt “giang sơn” như cũ.  

“Cho cái cần câu thay vì cho con cá”. Là phương châm giúp người nghèo thoát nghèo của cha ông. Trong những năm qua, để giúp người nghèo đủ “sức” cầm “cái cần” trước tiên Nhà nước đã phải “cho cá”. Nhưng những người chỉ muốn có cá mà trốn câu thì cũng cần xem xét.

Mặt khác giảm nghèo còn luôn đứng trước thách thức nguy cơ tái nghèo cao khi có những biến động về kinh tế như khủng hoảng, thất nghiệp cũng như những rủi ro về dịch bệnh, ốm đau, thiên tai khốc liệt và bất thường do biến đổi khí hậu; và khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp.Để giảm nghèo bền vững, không chỉ cần có các chính sách giúp các hộ nghèo thoát nghèo mà còn phải có các chính sách phù hợp và thoả đáng để những hộ không nghèo không bị rơi vào nghèo đói; tập trung các biện pháp, giảm nghèo tại các xã có số hộ nghèo lớn đa dạng hoá huy động nguồn lực trong nước và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, và đổi mới phương thức thực hiện; giảm nghèo gắn với dạy nghề và giải quyết việc làm, nâng cao trình độ và kiến thức cho người nghèo để họ nâng cao năng lực, tự vươn lên thoát nghèo.

Giảm nghèo và hiệu quả của chính sách giảm nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng chứng minh sự ưu việt của chế độ, sự phát triển của một quốc gia. Mặc dù, tiềm lực kinh tế của Việt Nam chưa mạnh, Ngân quỹ quốc gia chưa dồi dào nhưng Đảng, Nhà nước vẫn dành một nguồn lực lớn để thực hiện chính sách giảm nghèo. Tuy nhiên, chính sách của Nhà nước mới chỉ là yếu tố cần. Để giảm nghèo bền vững thì yếu tố đủ chính là sự nỗ lực của các địa phương, ý chí vươn lên của người nghèo, trong đó có nội hàm của lòng tự tôn quốc gia, dân tộc.

Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, đã bước vào năm cuối cùng của giai đoạn I, Những mục tiêu cơ bản đã đạt được, song phía trước còn đầy những cam go thách thức. Nhưng chúng ta tin rằng với sự  quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, chúng ta sẽ đạt mục tiêu đề ra./.

                                                   Trần Thành

                                        Hội văn học - Nghệ thuật tỉnh

 

 

 


Tin liên quan
Tổ chức tiếp xúc cử tri như thế nào cho hiệu quả, khắc phục tính hình thức
Luật Tiếp công dân - khẳng định bản chất dân chủ của Nhà nước ta
Ý kiến trao đổi - Hoàn thiện thể chế đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã
Bước chuyển nông thôn mới ở Điện Biên
Thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú và trường dân tộc ban trú
Mỗi quan hệ giữa thi đua và khen thưởng
Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có giám sát quyền lực Ở đâu có chính quyền nhân dân, ở đó phải có HĐND
Mô hình chính quyền địa phương: Vẫn rối bời
Đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả giám sát, tiếp xúc cử tri
Đại biểu chuyên trách: hạt nhân của HĐND