Nghiên cứu - Trao đổi  

Thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú và trường dân tộc ban trú

Cập nhật ngày 21/03/2015 11:10:35 AM - Lượt xem: 256

Ngày 21/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú (Quyết định 85). Với những chính sách đó đã tạo ra “cú huých” cho công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục ở vùng cao, từ đó đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Trước đây, tại các xã vùng cao việc huy động học sinh đi học là rất khó khăn, cái khó, cái nghèo đã bắt các em phải phụ giúp gia đình như trông em, chăn trâu, kiếm củi, lớn hơn đã là lao động chính trong gia đình. Nếu đi học tại Trung tâm, đường xá đi lại vất vả, gia đình phải cung cấp lương thực, cả tiền cho các em, gia đình không có, các em phải nghỉ học. Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ ra đời, như luồng gió mới giúp cho học sinh nội trú có điều kiện học tập, giảm gánh nặng cho gia đình, thúc đẩy công tác Giáo dục và Đào tạo phát triển. Hiện nay, học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn, tiền xây dựng nhà ở, tiền mua sắm trang thiết bị thể thao và phương tiện phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, kinh phí để lập tủ thuốc chung nên đã đáp ứng được một phần nhu cầu về đời sống sinh hoạt. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ HS bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt của HS, đời sống các em học sinh ngày càng được quan tâm cải thiện, đó chính là một bước thay đổi tạo đà cho sự phát triển về thể chất và trí tuệ cho học sinh vùng cao, để từ đó nâng cao dần chất lượng.

 Qua 4 năm thực hiện, kể từ năm học 2010-2011 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư 133.381 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa (hỗ trợ từ các ngân hàng, nhân dân đóng góp...) để đầu tư hệ thống nhà ở cho học sinh bán trú và tăng cường cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn toàn tỉnh; đã có 1.017 phòng nội trú, 44 nhà bếp, 3 nhà ăn, 5 công trình vệ sinh, 5 nhà tắm…được đầu tư xây dựng. Hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên theo định mức để mua sắm, bổ sung dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, ti vi, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao và lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú với tổng kinh phí 5.389,35 triệu đồng. Chế độ chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với học sinh bán trú được các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, đảm bảo công khai, minh bạch, chi trả đúng, đủ, kịp thời ngay sau khi hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ và chi trả đến tận tay học sinh, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý giáo dục, Ban đại diện cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương; không có trường hợp chi trả chế độ hỗ trợ sai đối tượng; tổng số tiền đã hỗ trợ đối với học sinh bán trú là: 339.925,61 triệu đồng. Trong đó: hỗ trợ tiền ăn: 269.017,08 triệu đồng, hỗ trợ nhà ở 70.908,53 triệu đồng. Từ khi có chính sách hỗ trợ số học sinh bán trú toàn tỉnh tăng 222,6%, số trường phổ thông DT bán trú tăng lên 103 trường, góp phần củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh huy động ra lớp, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần thay đổi rõ rệt, chất lượng giáo dục hàng năm đều tăng, bên cạnh đó góp phần giảm bớt khó khăn cho các hộ gia đình, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo có nhiều con em đi học. Có được những thành quả đó là xuất phát từ sự cố gắng nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay góp sức của nhà trường, gia đình và xã hội, nhất là các thầy cô giáo tại mỗi trường bán trú.

Lợi ích đã thấy rõ qua kết quả và sự đổi thay sau 4 năm triển khai thực hiện chính sách. Song hiện nay các trường gặp không ít khó khăn do cơ sở vật chất của nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu ăn ở của học sinh, có nơi học sinh phải ăn làm 2 ca. Mặt khác  nhiều nơi cha mẹ học sinh còn phó thác cho nhà trường, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc. Trong quá trình thực hiện còn một số bất cập như: kinh phí cấp chậm, nhân viên cấp dưỡng chưa đủ để phục vụ, làm hợp đồng theo năm học, chưa qua đào tạo... Thầy cô giáo ngoài giờ dạy còn là thợ hồ, thợ mộc, thay nhau cấp dưỡng, phục vụ học sinh.

Nhưng phải khẳng định rằng, Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú là một chính sách ưu việt, thực sự cần thiết trong bối cảnh khó khăn đối với HS vùng cao hiện nay. Ngay từ khi ra đời đã nhanh chóng được ngành Giáo dục triển khai sâu rộng, được các thầy cô giáo, các em học sinh, các cấp chính quyền và nhân dân đồng thuận, có những phản hồi tích cực. Cũng chính từ những chính sách thiết thực đó, tuy mỗi địa phương, mỗi nhà trường có những cách làm khác nhau nhưng nhìn chung đều mang lại hiệu quả, việc huy động học sinh ra lớp, việc duy trì sĩ số học sinh giờ đây đã không còn là vấn đề nan giải; chất lượng Giáo dục của các trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã ngày được nâng lên./.

 

                                                                                          Lê Hùng

                                                                                 P. Thông tin - Dân nguyện VP Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh

 


Tin liên quan
Mỗi quan hệ giữa thi đua và khen thưởng
Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có giám sát quyền lực Ở đâu có chính quyền nhân dân, ở đó phải có HĐND
Mô hình chính quyền địa phương: Vẫn rối bời
Đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả giám sát, tiếp xúc cử tri
Đại biểu chuyên trách: hạt nhân của HĐND
Chưa thống nhất về tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, phường
Khó khăn khi giải quyết án hành chính tại Tòa án địa phương
DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DÂN TỘC SI LA, SAU 5 NĂM NHÌN LẠI
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA HIẾN PHÁP 2013
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đại biểu HĐND tỉnh – huyện năm 2014