Nghiên cứu - Trao đổi  

Bước chuyển nông thôn mới ở Điện Biên

Cập nhật ngày 21/03/2015 11:13:56 AM - Lượt xem: 256

Dẫu biết rằng để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Điện Biên là cả chặng đường dài và gian khó. Song với nỗ lực, quyết tâm theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"... là điểm nhấn, tạo "cú hích" để diện mạo khu vực nông thôn ngày càng "thay da đổi thịt".


Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

 Khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh ưu tiên đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là chuyển giao ứng dụng KHKT vào sản xuất cho nông dân thông qua việc thử nghiệm các mô hình sản xuất và sau đó sẽ nhân rộng. Với cách làm này, sau 3 năm thực hiện chương trình, hàng nghìn lượt nông dân đã được chuyển giao KHKT ứng dụng trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, tạo chuyển biến mới trong sản xuất nông - lâm nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng trong năm 2014, với 2,95 tỷ đồng bố trí từ nguồn vốn của Chương trình, tỉnh đã hỗ trợ các mô hình cây ăn quả; trồng cà phê; 4 mô hình chăn nuôi - thủy sản; 8 mô hình hỗ trợ thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất. Nhờ đó, cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng từ độc canh cây lúa sang trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Chăn nuôi lợn, trâu bò gia trại, trang trại hướng thương phẩm được mở rộng; quy mô, giá trị sản xuất lúa chất lượng cao trên cánh đồng Mường Thanh - vùng trọng điểm lúa của cả tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển về chất lượng. Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung, như: chè tuyết shan Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng; phát triển cây cao su. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đã được chuyển giao, ứng dụng thành công góp phần tăng năng suất, sản lượng, liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp được hình thành và nhân rộng. Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn từng bước được lựa chọn khôi phục. Nhờ vậy, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2014 ước đạt 9,15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm từ 50,01% (năm 2010) xuống còn 31,49% vào cuối năm 2014.

Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu

Xây dựng cơ sở hạ tầng được tỉnh ta xác định là khâu đột phá, thúc đẩy tiến độ xây dựng NTM. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư phát triển của chương trình hằng năm rất hạn chế, chủ yếu phụ thuộc nguồn ngân sách Trung ương và các nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Trong 3 năm (2011 - 2013) mới được cấp trên 87 tỷ đồng, năm 2014 được phân bổ 97,13 tỷ đồng. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, lựa chọn những danh mục công trình cần thiết, ưu tiên nguồn lực đầu tư trước. Với cách làm này, sau 4 năm thực hiện chương trình, toàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng mới 487 hạng mục công trình. Trong đó: đầu tư 234 công trình đường dân sinh; 02 công trình đường trục chính nội đồng; 64 công trình nước sạch vệ sinh môi trường; 135 công trình Thủy lợi; 17 công trình Nhà văn hóa thôn bản; Lồng ghép xây dựng 10 công trình Trạm y tế xã; 25 công trình trụ sở xã. Hạ tầng cơ sở thiết yếu được đầu tư đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, cải thiện và dần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đến nay, tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch nông thôn mới, trong đó, có 96/116 xã đã được phê duyệt quy hoạch.

Hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng; đến nay có hơn 670km đường trục xã được bê tông hóa, nhựa hóa đạt chuẩn; gần 320,6km đường trục thôn, bản được cứng hóa, đường ngõ, xóm sạch, đạt chuẩn, không bị lầy lội vào mùa mưa là 176,89km. Đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn 14km. Số cầu, cống dân sinh được cải tạo, xây mới 1.682 cái; 114/116 xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, đảm bảo cho nhân dân đi lại được 4 mùa trong năm. Đến năm 2014, toàn tỉnh có 499 công trình thủy lợi được đầu tư kiên cố; hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới ổn định cho gần 8.465ha lúa đông xuân và 14.126ha lúa vụ mùa.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Điện Biên là điển hình huy động sức dân tham gia xây dựng NTM, nhất là làm đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi nội đồng. Đến nay, toàn huyện đã có gần 1.000km đường giao thông NT. Trong đó, đường trục xã, liên xã 333,23km; đường liên thôn, bản 617.52km. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã được nhựa hóa, bê tông hóa 116/333,23km đường trực liên xã, tăng 145% so với chỉ số "cứng" hóa năm 2010. Các tuyến được "cứng" hóa chủ yếu gồm tuyến: Noong Luống - Pa thơm;  Nà Tấu - Mường Phăng; Núa Ngam - xã Mường Lói. Những tuyến đường trên đã phục vụ đắc lực việc phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và khai thác tiềm năng du lịch các xã: Núa Ngam, Mường Nhà, Mường Lói, Mường Phăng, Pa Thơm. Với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng, trong đó vốn do người dân và doanh nghiệp đóng góp gần 20 tỷ đồng, từ năm 2011 đến nay, các địa phương trong huyện đã "cứng" hóa được 70,36/617,52km đường trục thôn bản, ngõ xóm (tăng 88,95% so với năm 2010).

Phát triển nông thôn mới bền vững

Mục tiêu chương trình xây dựng NTM tỉnh Điện Biên đặt ra đó là phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% số xã đạt cơ bản các tiêu chí về NTM; đến nay mới có 1 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 10,05 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 28,01%... Nguồn lực dự kiến huy động, lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM năm 2015 là 2.401,13 tỷ đồng. Cùng với việc xác định giải pháp xuyên suốt, quan trọng đó là đẩy mạnh tuyên truyền gắn với chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất và phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển sản xuất, ưu tiên phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, xây dựng mô hình mới, nhân rộng các mô hình sản xuất hoạt động có hiệu quả, phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ và bảo vệ môi trường. Tạo sự chuyển biến về xã hội, cảnh quan môi trường nông thôn; phát động phong trào "nhà sạch - vườn đẹp - môi trường trong lành - ngõ xóm văn minh"; vận động các gia đình nông thôn xây dựng và hoàn thiện các công trình vệ sinh thiết yếu (nhà vệ sinh, nhà tắm, chuồng trại chăn nuôi...); cải tạo ao, vườn để tăng thu nhập; xử lý rác thải, trồng cây xanh nơi công cộng. Cùng với đó là phát triển, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội; ưu tiên xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình ở thôn, bản trực tiếp gắn với phát triển sản xuất và đời sống nhân dân./.

Hồng Liên

P. Thông tin - Dân nguyện VP Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh

 


Tin liên quan
Thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú và trường dân tộc ban trú
Mỗi quan hệ giữa thi đua và khen thưởng
Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có giám sát quyền lực Ở đâu có chính quyền nhân dân, ở đó phải có HĐND
Mô hình chính quyền địa phương: Vẫn rối bời
Đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả giám sát, tiếp xúc cử tri
Đại biểu chuyên trách: hạt nhân của HĐND
Chưa thống nhất về tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, phường
Khó khăn khi giải quyết án hành chính tại Tòa án địa phương
DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DÂN TỘC SI LA, SAU 5 NĂM NHÌN LẠI
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA HIẾN PHÁP 2013