Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh họp thẩm tra các nội dung trình kỳ họp thứ Mười bảy HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026
Qua thẩm tra nội dung Báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân năm 2024 trình kỳ họp thứ Mười bảy, HĐND tỉnh vừa qua của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho thấy UBND tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản, hướng dẫn thi hành luật, điển hình là ban hành Kế hoạch số 546/KH-UBND ngày 02/02/2024 về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 trên địa bàn tỉnh Điện Biên; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề tài khoa học - Bộ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện Luật Tiếp cận thông tin tại cơ sở, đồng thời giao Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Luật Tiếp cận thông tin của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh... Trên cơ sở các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức khác nhau. Tổ chức rà soát, bố trí hợp lý đơn vị, bộ phận hoặc người làm đầu mối cung cấp thông tin; tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng cung cấp thông tin cho người làm đầu mối cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị...
Điểm nhấn về kết quả nổi bật trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đó là việc các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quan tâm, tổ chức được 14 cuộc tập huấn với 1.162 lượt người tham dự; tổ chức 519 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 123.085 lượt người tham dự; tuyên truyền trên loa phát thanh tại các thôn, bản, khối phố 1.960 lượt; phát 33.123 tờ rơi, 450 sách, treo 379 biển hiệu pa-nô, băng rôn, căng treo 1.445 lượt băng cờ khẩu hiệu. Các hình thức công khai thông tin rộng rãi như: thông qua phần mềm chỉ đạo, điều hành TD-Office; Cổng/Trang thông tin điện tử của tỉnh, ngành, địa phương; phổ biến trên sóng phát thanh - truyền hình các cấp; hệ thống loa truyền thanh cơ sở, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị, địa phương, ứng dụng Điện Biên Smart... với kết quả đó, năm 2024 toàn tỉnh đã công khai 95.019 thông tin với 17.311.560 lượt thông tin được khai thác. Tiếp nhận và giải quyết 422/422 yêu cầu cung cấp thông tin, đạt tỷ lệ 100%; không có yêu cầu cung cấp thông tin bị từ chối; không có trường hợp khởi kiện, khiếu nại, tố cáo về trách nhiệm cung cấp thông tin.
Việc ứng dụng, sử dụng nền tảng quản lý văn bản và hồ sơ công việc và liên thông vào trục liên thông văn bản Quốc gia; thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp trực tuyến toàn trình được thực hiện, tích hợp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được chú trọng... đã góp phần quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thông tin. Quyền tiếp cận thông tin của công dân đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, qua đó đã giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh; từng bước hình thành cơ chế giám sát có hiệu quả của người dân đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định tình hình chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn còn một số ít địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bên cạnh đó là quá trình tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đối với nội dung các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật dự kiến được trình cấp có thẩm quyền ban hành được đăng tải trên các cổng/trang thông tin điện tử được đánh giá là hiệu quả chưa cao, ít nhận được sự quan tâm và có ý kiến tham gia. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hạn chế nên khó khăn trong việc khai thác và cập nhật thông tin. Ngoài ra một trong những hạn chế theo Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh kiến nghị là cần khắc phục sớm đó là vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa ban hành và công bố công khai Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
Để khắc phục những hạn chế đã được đề cập đến qua thẩm tra, bên cạnh việc tán thành các nhóm giải pháp UBND tỉnh đã xác định trong năm 2025, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh cần chú trọng hơn nữa, quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức rà soát, đề xuất các cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các quy định pháp luật, các thủ tục hành chính không phù hợp, các giấy tờ không cần thiết; tăng cường hơn nữa công tác ứng dụng công nghệ thông tin nhằm công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh ban hành và công bố công khai quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết cho việc cung cấp thông tin; quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ làm đầu mối cung cấp thông tin trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đặc biệt tỉnh cần phải quan tâm, chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật, người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Thông qua hoạt động thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh về nội dung nêu trên, chúng ta có thể tin tưởng rằng việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP của Chính phủ sẽ được tiếp tục triển khai thống nhất, hiệu quả và chất lượng hơn trong thời gian tới, nhất là sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quán triệt nội dung của Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, đặc biệt là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp thông tin, công khai thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin dễ dàng, nhanh chóng, phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số, chính quyền số, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tiếp theo./.
Bài, ảnh: Nguyễn Quang Lâm
Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh