Nghiên cứu - Trao đổi  

Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị: Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

Cập nhật ngày 05/12/2024 10:18:59 AM - Lượt xem: 256

Phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Vấn đề bức thiết đặt ra là phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.


Yêu cầu thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”.

Qua thực hiện, hệ thống tổ chức đảng các cấp, bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, tổ chức cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được đổi mới một bước theo hướng tinh gọn, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Thông qua vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền; kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng cao. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu quả hoạt động chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống, một số chủ trương không triển khai được hoặc triển khai hình thức, dẫn đến tính chủ động, đổi mới, sáng tạo chưa cao, năng suất, hiệu suất lao động thấp; tình trạng thờ ơ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, phiền nhiễu còn nhiều… gây lãng phí nguồn lực, cản trở, kìm hãm sự phát triển. Yêu cầu của thực tiễn cần thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng về xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo ra khí thế mới, nguồn lực, động lực mới, sức mạnh nội sinh mới của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, nâng cao sức mạnh, sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của tổ chức Đảng, đáp ứng yêu cầu ngang tầm nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới. Phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Vấn đề bức thiết đặt ra là phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.  Tổng Bí thư đề nghị: Các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, đặc biệt là các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, gương mẫu, chủ động quyết liệt, mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở.

Một số định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ của Đảng, Hiến pháp, Pháp luật và yêu cầu thực tiễn. Quán triệt, kiên định thực hiện các nguyên tắc cốt lõi, bảo đảm vận hành thông suốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức bộ máy mới hoạt động phải tốt hơn tổ chức bộ máy cũ. Trong quá trình sắp xếp phải bảo đảm vận hành thông suốt, không gián đoạn, mất thời gian chờ đợi; không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Bộ máy sau sắp xếp, tinh gọn phải được vận hành thông suốt, hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực. Tinh gọn tổ chức bộ máy phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đáp ứng phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Có cơ chế sàng lọc đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; thu hút, sử dụng người có năng lực nổi trội. Thực hiện thật tốt công tác tư tưởng chính trị, chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi tác động, ảnh hưởng khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, các vấn đề chung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gồm:

Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, đảng đoàn trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng lập các đảng bộ.

Nghiên cứu, đề xuất giải thể, sáp nhập, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; giảm tầng nấc trung gian.

Nghiên cứu tổ chức lại hoạt động của các báo, tạp chí, truyền hình, cổng thông tin điện tử… của các ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ… để tăng cường chất lượng, hiệu quả, giảm chi phí.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW

Tại Phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Thủ tướng Chính phủ đã giao các đồng chí Thường trực Chính phủ phụ trách khối trực tiếp chỉ đạo sắp xếp hợp nhất các bộ, tổ chức bên trong của các bộ, ngành, cụ thể: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì cùng Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc; Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Chuyển đổi số và Khoa học Công nghệ giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì; Bộ Nội vụ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì./.

Bài, ảnh: Cát Tường

 

 

 


Tin liên quan
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động: TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP THỰC HIỆN HIỆU QUẢ VÀ BỀN VỮNG
Giấy phép lái xe có 12 điểm
Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác tham mưu rà soát nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh Điện Biên
Quy định kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một: NỖ LỰC TRONG BAN HÀNH CHÍNH SÁCH
Việt Nam là điểm sáng về phát triển kinh tế năm 2024
Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị
Tình hình triển khai Luật Đất đai 2024
Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, thách thức
Chính sách Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân
Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên