Nghiên cứu - Trao đổi  

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác tham mưu rà soát nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh Điện Biên

Cập nhật ngày 28/11/2024 15:47:22 PM - Lượt xem: 222

Đến tháng 10/2024, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã tham mưu Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh rà soát 175 Nghị quyết QPPL do HĐND tỉnh ban hành từ năm 2004 đến nay còn hiệu lực. Công tác rà soát Nghị quyết QPPL đảm bảo theo quy định, song vẫn còn một số hạn chế. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu rà soát Nghị quyết QPPL của HĐND tỉnh cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:


Thường xuyên rà soát Nghị quyết QPPL theo quy định

Việc rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát là nguyên tắc cơ bản theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Căn cứ rà soát Nghị quyết QPPL gồm: văn bản là căn cứ để rà soát là văn bản được ban hành sau, có quy định liên quan đến văn bản được rà soát, gồm: văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn văn bản được rà soát; văn bản QPPL của chính cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản được rà soát; điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên sau thời điểm ban hành văn bản được rà soát; tình hình phát triển kinh tế - xã hội là căn cứ để rà soát được xác định căn cứ vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; kết quả điều tra, khảo sát và thông tin thực tiễn liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản được rà soát. Văn phòng thường xuyên theo dõi Nghị quyết QPPL của HĐND tỉnh, ngay sau khi có căn cứ rà soát nêu trên, kịp thời, chủ động tham mưu, đề xuất Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh rà soát Nghị quyết QPPL bảo đảm theo quy định.

Tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục rà soát văn bản theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP

Việc rà soát văn bản QPPL cần đảm bảo tuân thủ các bước sau:

- Lập kế hoạch rà soát, phân công người rà soát văn bản ngay sau khi có căn cứ rà soát văn bản;

- Tiến hành rà soát văn bản: người rà soát xác định căn cứ cần rà soát, báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định.

- Lập Phiếu rà soát văn bản (theo mẫu) thể hiện kết quả rà soát và ý kiến đề xuất xử lý văn bản (nếu có).

- Lập Hồ sơ rà soát văn bản gồm: văn bản được rà soát; văn bản, tài liệu liên quan là căn cứ rà soát; Phiếu rà soát văn bản; dự thảo Báo cáo kết quả rà soát văn bản.

- Lấy ý kiến và hoàn thiện hồ sơ rà soát văn bản.

- Xử lý hoặc kiến nghị xử lý kết quả rà soát văn bản theo quy định tại Điều 154 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Để việc rà soát Nghị quyết QPPL của HĐND tỉnh được thống nhất, khi giao văn bản rà soát cần kèm theo mẫu biểu để tổng hợp lập Phiếu rà soát và dự thảo Báo cáo kết quả rà soát văn bản đảm bảo hiệu quả, tuân thủ theo quy định.

Nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu phục vụ công tác rà soát

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 143/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Triển khai sâu rộng đến đội ngũ công chức tham mưu rà soát văn bản Công văn số 563/STP-XDKTVB ngày 26/4/2023 của Sở Tư pháp về việc hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển và cung cấp tài liệu liên quan đến tích hợp Bộ pháp điển. Giới thiệu, phổ biến đến công chức tham mưu về Bộ pháp điển điện tử gồm 45 chủ đề. Địa chỉ khai thác, tra cứu Bộ Pháp điển Việt Nam được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển sẽ giúp công chức nhanh chóng xác định được văn bản đang còn hiệu lực làm căn cứ để rà soát Nghị quyết QPPL của HĐND tỉnh.

Bộ Tư pháp tập huấn thực hiện và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển

Chú trọng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng rà soát văn bản cho đội ngũ công chức tham mưu

Thường xuyên cử công chức tham mưu, giúp việc Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng về văn bản QPPL, chuyên đề rà soát văn bản QPPL do cơ quan chuyên môn tổ chức. Tiếp tục quan tâm bố trí nhân lực, kinh phí và các điều kiện đảm bảo khác tương xứng với tầm quan trọng của các công tác rà soát Nghị quyết QPPL của HĐND tỉnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chỉ đạo Phòng Công tác HĐND tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nghiệp vụ, kỹ năng rà soát văn bản theo tài liệu Hướng dẫn nghiệp vụ rà soát văn bản QPPL của Sở Tư pháp; thường xuyên trao đổi chuyên môn để làm rõ và thống nhất về nhận thức, phương pháp trong tham mưu rà soát Nghị quyết của HĐND tỉnh. Tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả rà soát Nghị quyết QPPL của HĐND tỉnh với Sở Tư pháp; gắn kết chặt chẽ hoạt động rà soát văn bản QPPL với xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật để kiểm soát, nâng cao chất lượng văn bản QPPL. Kịp thời phát hiện, tham mưu tự xử lý hoặc kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn./.

Bài, ảnh: Cát Tường

 

 

 


Tin liên quan
Quy định kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một: NỖ LỰC TRONG BAN HÀNH CHÍNH SÁCH
Việt Nam là điểm sáng về phát triển kinh tế năm 2024
Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị
Tình hình triển khai Luật Đất đai 2024
Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, thách thức
Chính sách Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân
Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của HĐND tỉnh
Quan tâm giải quyết kiến nghị của cử tri
Giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND