Nghiên cứu - Trao đổi  

Thẩm tra tình hình thực hiện lĩnh vực văn hoá - xã hội năm 2024: Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra

Cập nhật ngày 08/12/2024 14:59:49 PM - Lượt xem: 166

Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh vừa tổ chức thẩm tra tình hình thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội, đảm bảo Quốc phòng - An ninh năm 2024 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2025, tỉnh Điện Biên đã đánh giá nhiều chỉ tiêu thuộc lĩnh vực Văn hoá - Xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra của năm 2024.


Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh làm việc tại huyện Mường Nhé

Báo cáo của UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khoá XV về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024 trong đó khẳng định tỉnh Điện Biên thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong bối cảnh với những khó khăn thách thức, thuận lợi đan xen, nhưng với sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ ngành trung ương và các địa phương, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, sâu sát của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc cùng với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, do đó tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2024 đã có nhiều kết quả tích cực với 16/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch giao đầu năm trong đó có nhiều chỉ tiêu thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội đã hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra điển hình như công tác giải quyết việc làm mới cho khoảng 11.099 lao động, đạt 120,64% kế hoạch; tuyển sinh đào tạo nghề cho 10.958 người, đạt 124,52% kế hoạch; tổ chức cai nghiện ma tuý cho 1.215 người, đạt 109,26% kế hoạch; các chỉ tiêu tiêm chủng tăng so với năm 2023; chất lượng giáo dục được nâng lên, năm học 2023-2024 điểm trung bình các môn thi đỗ tốt nghiệp THPT đạt cao nhất trong 10 năm gần đây; các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm, triển khai hiệu quả, hoàn thành bàn giao toàn bộ 5.000 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ dân trước Tết nguyên đán Giáp Thìn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,06% so với năm 2023; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại được duy trì, phát triển; lượng khách du lịch và doanh thu từ hoạt động du lịch tăng cao so với năm 2023, đặc biệt là Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và Năm du lịch quốc gia và chuỗi các hoạt động khác; công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được chỉ đạo, triển khai thực hiện...

Nhấn mạnh về kết quả triển khai thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội trong năm 2024, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trong quá trình thẩm tra đã đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và đạt được một số kết quả nổi bật như: Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; công tác chăm lo Tết cho nhân dân và đối tượng chính sách được thực hiện tốt; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng; nâng cấp sửa chữa được 137 căn nhà cho người có công, gia đình cựu chiến binh; tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện tại là 30.802 hộ chiếm 21,62%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được cải thiện; an toàn thực phẩm được tăng cường kiểm soát; dịch bệnh trên người được kiểm soát. Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững; 9/9 chỉ tiêu đạt huy động dân số trong độ tuổi đến trường đều đạt và vượt kế hoạch; số thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,36%. Hệ thống hạ tầng bưu chính, viên thông phát triển ổn định. Tỷ lệ phủ sóng phát thanh, truyền hình đạt 100%; hoạt động thông tin, báo chí được định hướng tuyên truyền phù hợp với các sự kiện chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi động; hoạt động du lịch là điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ tiêu về doanh thu du lịch tăng 1,88 lần vượt 50% kế hoạch năm và số lượt khách tham quan du lịch tăng gấp 1,85 lần so với cùng kỳ năm 2023. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, kịp thời giải quyết các đề nghị hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo, tuyên truyền hướng dẫn đảm bảo nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được quan tâm.....

Đồng chí Đỗ Xuân Toán, Phó Giám đốc Sở Tư pháp bát biểu tại phiên họp thẩm tra trước kỳ họp thứ Mười bảy của Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh

Tuy nhiên, thông qua hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, đa số các vị đại biểu HĐND tỉnh tham dự phiên họp thẩm tra cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về phát triển văn hoá - xã hội như: Các chỉ tiêu về bảo hiểm không đạt kế hoạch đề ra, trong đó Bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ đạt 64,10% kế hoạch năm, BHXH bắt buộc đạt 86,42%, Bảo hiểm thất nghiệp đạt 85%. Còn một số đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT, BHTN đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động khi khám chữa bệnh và các chế độ chính sách BHXH khác. Việc triển khai quản lý bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử nhân dân đạt thấp, đạt 6,39% kế hoạch. Việc xây dựng trình HĐND tỉnh ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý và quyết định mức giá cụ thể hoặc thực hiện áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương chậm, chưa đảm bảo thời gian theo quy định tại Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ và Thông tư số 21/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế. Ngoài ra tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm thông qua chính sách tạo việc làm chưa mang tính ổn định, chất lượng việc làm, thu nhập chưa cao. Công tác xác định và dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp và dự báo nhu cầu việc làm của người lao động trên thị trường lao động còn hạn chế. Việc quản lý các công ty, đơn vị đưa người lao động đi làm việc trong và ngoài nước chưa được chặt chẽ, còn tình trạng đưa người đi lao động nước ngoài không thực hiện theo cam kết ảnh hưởng không tốt đến dự luận xã hội, gây bức xúc trong Nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hoá thể thao cơ sở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Số thôn, bản và tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu văn hoá giảm so với cùng kỳ năm 2023, không đạt kế hoạch đề ra....

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng bày tỏ lo ngại trước tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng, công nghệ cao để lừa đảo nhân dân ngày càng phức tạp và tinh vi gây ra nhiều hệ luỵ và bức xúc trong Nhân dân, do đó các đại biểu cũng đề nghị các ngành chức năng tỉnh cần có giải pháp hữu hiệu hơn để tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền để nhân dân hiểu, phòng ngừa tình trạng lừa đảo trong không gian mạng, công nghệ cao trong thời gian tới.

Tán thành và nhất trí cao với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển lĩnh vực văn hoá - xã hội năm 2025 đã được đề cập trong báo cáo, các đại biểu cũng đề xuất thêm một số giải pháp để thực hiện có hiệu hơn nữa trong năm 2025 như: tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quan tâm phát triển thị trường lao động, hiện đại hóa nâng cao hiệu quả hoạt động ngày hội việc làm, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, việc làm. Mở rộng diện bao phủ và nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo đạt chỉ tiêu, kế hoạch Thủ tướng Chính phủ, trong đó đặc biệt quan tâm đến nâng chỉ tiêu về BHXH tự nguyện và BHYT để góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; hạ tầng số và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động. Tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm năm chẵn quan trọng của đất nước và tỉnh. Quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo trường học đảm bảo các điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế cho các trạm Y tế xã cấp xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cụ thể hoá các chính sách của cấp trên phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo quy định. Đặc biệt là cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn lợi dụng tự do tín ngưỡng để tuyên truyền đạo trái phép và âm mưu lợi dụng của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, một nội dung rất quan trọng được Ban Văn hoá - Xã hội đề cập đến trong năm 2025 là tỉnh cần phải quan tâm, sớm cụ thể hoá thành chương trình, kế hoạch cụ thể để huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện đồng bộ và hoàn thành tốt nội dung Chỉ thị số 42/CT-TTg, ngày 09/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong đó có tỉnh Điện Biên.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh phấn đấu thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tin tưởng rằng tỉnh ta sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2025 trong đó có nhiều chỉ tiêu về lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt kết quả cao nhất sẽ góp phần vào hoàn thành tốt Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 5 năm giai đoạn 2021-2026 đã được HĐND tỉnh khoá XV đề ra./.          

Nguyễn Quang Lâm

Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh

 

 


Tin liên quan
Giảm 05 Bộ, 04 cơ quan thuộc Chính phủ
Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin: Dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị: Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động: TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP THỰC HIỆN HIỆU QUẢ VÀ BỀN VỮNG
Giấy phép lái xe có 12 điểm
Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác tham mưu rà soát nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh Điện Biên
Quy định kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một: NỖ LỰC TRONG BAN HÀNH CHÍNH SÁCH
Việt Nam là điểm sáng về phát triển kinh tế năm 2024
Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị
Tình hình triển khai Luật Đất đai 2024