Đồng chí Nguyễn Quang Lâm, UVTT, Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên
Thực trạng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Trên cơ sở chỉ tiêu về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động được xác định trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh giai đoạn và hàng năm của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và phân công trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động bám sát các mục tiêu nghị quyết đã đề ra. Các sở ngành và địa phương ban hành nhiều văn bản tổ chức triển khai các quy định của pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nhiều địa phương đã cụ thể hoá các mục tiêu, chỉ tiêu vào Nghị quyết của cấp uỷ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của đơn vị, địa phương, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho 426 lượt cán bộ làm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền với hình thức tuyên truyền đa dạng qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người lao động về học nghề, tiếp cận việc làm để có thu nhập ổn định.
Theo đánh giá kết quả giám sát của Ban VHXH - HĐND tỉnh cho thấy, hiện nay toàn tỉnh có 03 trường cao đẳng, 09 Trung tâm GDNN - GDTX công lập cấp huyện và 01 Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, quy mô tuyển sinh và đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh khoảng 10.000 người/năm. Hệ thống Thư viện và thiết bị dạy học của các trường, Trung tâm đáp ứng yêu theo quy định. Đội ngũ giáo viên dạy nghề cơ bản đủ số lượng và tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ cho giảng dạy. Toàn tỉnh có 233 người làm việc trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 192 biên chế, 41 hợp đồng với trình độ trên đại học có 120 người, đại học 104 người, cao đẳng 5 người, trung cấp 3 người và 01 người trình độ khác. Chính sách đãi ngộ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được đảm bảo theo quy định hiện hành, ngoài ra giáo viên còn được hưởng một số chế độ, chính sách riêng như chế độ đặc thù đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, phụ cấp ưu đãi trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy cho người khuyết tật, dạy thực hành,…
Giai đoạn từ năm 2022 - 2024, toàn tỉnh đã đào tạo được 25.480 lao động/24.950 lao động đạt tỷ lệ 102,1% mục tiêu; giải quyết việc làm cho 29.483 lao động/27.200 lao động, đạt tỷ lệ 108,3% mục tiêu tỉnh giao, với tổng nguồn kinh phí thực hiện cho công tác đào tạo nghề là 577.768 triệu đồng; giải quyết việc làm là 11.685,526 triệu đồng. Toàn tỉnh cũng đã thực hiện hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm cho 8.801 người lao động với tổng số tiền là 671.740 triệu đồng; đưa được 603 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó: Hàn Quốc 85 người; Nhật Bản 266 người; Đài Loan 234 người; thị trường khác 18 người như Romani, Malaysia, Đan Mạch, Algeria…. Thực hiện hỗ trợ tiền vé xe cho 162 người lao động đi sơ tuyển, đi làm việc có tổ chức tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh theo Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh khoá XV... với kết quả đó cho thấy công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm hàng năm đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tỉnh đạt 63%, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 34%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị hàng năm đều dưới 3% qua đó đã góp phần quan trọng trong quá trình cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động cũng như góp phần giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số... trên địa bàn của tỉnh
Đoàn giám sát thực tế tại cơ sở kinh doanh homestay Mường Lay, của gia đình chị Lò Thị Hường, phường Na Lay thị xã Mường Lay, là học viên được đào tạo nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX thị xã
Còn đó những khó khăn
Mặc dù việc triển khai thực hiện đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đã đạt những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện ở một số ngành, địa phương cũng còn những hạn chế nhất định, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Công tác đào tạo nghề chưa thực sự hiệu quả, số lao động có tay nghề chuyên môn cao còn hạn chế. Số lao động được giải quyết việc làm thông qua chính sách tạo việc làm trong tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm chưa cao; giải quyết việc làm chưa mang tính ổn định, chất lượng công việc, thu nhập chưa cao. Tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Các trường cao đẳng tuyển sinh hằng năm không đạt kế hoạch giao. Tỷ lệ sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp và tỷ lệ người lao động đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng sau tốt nghiệp có việc làm đạt thấp. Trang thiết bị đào tạo, đội ngũ giáo viên giảng dạy ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đảm bảo cơ cấu ngành nghề. Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên. Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên còn những khó khăn nhất định. Quy định mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập theo Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập và mức hỗ các chi phí quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng hiện tại thấp, không phù hợp với thực tiễn. Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc 02 Chương trình MTQG chưa được nhiều. Triển khai chính sách hỗ trợ tiền vé xe cho người lao động theo Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh kết quả chưa cao, trong 3 năm mới hỗ trợ được 162 lao động với số tiền trên 84 triệu đồng. Ngoài ra Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh chưa phát huy hết vai trò, chức năng, nhiệm vụ, mới tập trung tuyên truyền, giới thiệu người lao động tự đến các công ty, doanh nghiệp tuyển lao động, chưa phối hợp được với các doanh nghiệp ngoài tỉnh đưa người lao động đi làm việc có tổ chức. Công tác xác định và dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp và dự báo nhu cầu việc làm của người lao động trên thị trường lao động còn hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng; Các sản phẩm dự báo thị trường lao động còn ít, chưa kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động của một số địa phương còn hạn chế, cá biệt một số địa phương chưa quan tâm đến nhiều đến công tác này nên chưa kịp thời có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động...
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản của những khó khăn nêu trên đó là sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở một số địa phương chưa quyết liệt; công tác phối hợp các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; chưa có nhiều giải pháp về định hướng giải quyết việc làm cho người lao động. Công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động chưa đi vào chiều sâu, nhận thức của người lao động về học nghề, tự tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động còn hạn chế, người lao động thiếu thông tin, chưa tiếp cận được nhiều kênh thông tin tìm kiếm việc làm. Hoạt động tư vấn hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh tại các trường THCS, THPT còn nhiều bất cập do nhu cầu và mong muốn của đa số các gia đình và học sinh lựa chọn vào đại học. Mặt khác phong tục tập quán của người lao động ngại đi làm xa nhà, ý thức chấp hành các điều kiện lao động chưa cao; việc thanh toán các chính sách hỗ trợ không được thuận tiện do đó chưa thu hút được người lao động. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động phân tích, dự báo và tổng hợp nhu cầu lao động còn hạn chế; ngành lao động tỉnh chưa có phần mềm quản lý phục vụ công tác phỏng vấn online, lưu trữ cơ sở dữ liệu, kết nối tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề và bảo hiểm thất nghiệp... do vậy chưa có công cụ đánh giá kịp thời, chính xác nguồn cung nhân lực và dự báo nhu cầu việc làm của người lao động trên thị trường lao động....là những khó khăn nổi lên trong thời gian qua.
Tăng cường các giải pháp
Để duy trì và đảm bảo triển khai thực hiện đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động một cách hiệu quả và bền vững cần thiết phải tiếp tục chú trọng, tăng cường các giải pháp như nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho trong triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên kết quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; thực hiện có hiệu quả công tác thống kê, điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề, việc làm của lao động, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh theo quy định để ban hành, phân bổ chỉ tiêu đào tạo, giải quyết việc làm phù hợp với điều kiện, thực tiễn của địa phương. Thường xuyên rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, chất lượng đào tạo; xác định cụ thể ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn, phù hợp với nhu cầu của xã hội để đầu tư và thực hiện đào tạo; làm tốt công tác liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp; quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các trường chuyên nghiệp, Trung tâm GDNN-GDTX... theo hướng đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và trình độ chuyên môn. Đồng thời tỉnh cần sớm đề nghị các Bộ ngành trung ương kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập và mức hỗ trợ chi phí đào tạo tối thiểu đối với các đối tượng được quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng nâng mức hỗ trợ cho phù hợp với thực tiễn hiện nay và có các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện đồng bộ, liên tục và tháo gỡ được những khó khăn trong hỗ trợ chính sách. Mặt khác, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần phải tham mưu cho tỉnh sơ kết đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ tiền vé xe cho người lao động của tỉnh Điện Biên đi sơ tuyển, đi làm việc có tổ chức tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh qua đó làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai trong những năm tiếp theo, có như vậy hiệu quả của việc triển khai đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh mới đảm bảo hiệu quả và bền vững, hoàn thành được các mục tiêu hàng năm và giai đoạn đã đề ra./.
Nguyễn Quang Lâm
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Điện Biên