Đoàn khảo sát thực tế khu nội trú trường phổ thông DTNT-THPT Mường Ảng, huyện Mường Ảng
Những khó khăn, vướng mắc!
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2024-2025, giáo dục Tiểu học toàn tỉnh có 167 trường, 503 điểm trường, 667 lớp với 12.590 trẻ người dân tộc thiểu số tham gia học tiếng Việt trước khi vào lớp Một. Tổng số giáo viên tham gia dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một là 761 người, trong đó số giáo viên biết tiếng Dân tộc thiểu số là 513 người, số giáo viên được tập huấn dạy học tiếng Việt trước khi vào lớp Một là 761 người, đạt tỷ lệ 100% giáo viên. Để huy động được số trẻ em là người dân tộc thiểu số tham gia học tiếng Việt trước khi vào lớp Một, Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm tốt công tác phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, triển khai đầy đủ các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và cha mẹ học sinh với nhiều hình thức đa dạng như tuyên truyền trên trang website, facebook, zalo, bản tin phát thanh của thôn, bản; tuyên truyền trong các cuộc họp, hội nghị giao ban của ngành, của xã, thôn bản ở các địa phương... qua đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong tổ chức, thực hiện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định như: việc tiếp cận tài liệu dạy và học tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một để nghiên cứu trước khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Giáo viên và trẻ em tham gia dạy và học tiếng Việt
trước khi vào lớp Một chưa hỗ trợ tài liệu giảng dạy học tập do các nhà xuất bản
phát hành; chưa được hỗ trợ về kinh phí giảng dạy và học tập để thực hiện dạy và
học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.
Một số ít giáo viên chưa biết tiếng dân tộc thiểu số... do đó còn khó khăn trong việc tương tác giữa thầy và trò.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn nêu trên đó là việc giáo viên tham gia dạy tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp Một chưa được trang cấp tài liệu theo Quyết định số 2101/QĐ-BGDĐT ngày 09/8/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Phê duyệt Bộ tài liệu “Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một” và Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT ngày 08/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một là do chưa có kinh phí nên phải sử dụng bản điện tử pdf. Bên cạnh đó, khi triển khai dạy học tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp Một vùng dân tộc thiểu số nơi điều kiện giao tiếp tiếng Việt còn hạn chế, giáo viên phải vận động trẻ ra lớp; tuyên truyền trên trang website, facebook, zalo; tuyên truyền trong các cuộc họp phụ huynh, hội nghị giao ban của xã, thôn bản ở các địa phương; xây dựng kế hoạch bài dạy, chuẩn bị phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học, tổ chức lên lớp, kiểm tra đánh giá học sinh.... nhưng chưa được hỗ trợ một phần kinh phí khi thực hiện các hoạt động trên. Ngoài ra tài liệu và đồ dùng học tập của trẻ cũng là một rào cản lớn đến quá trình tham gia học tiếng Việt trước khi vào lớp Một vì đa phần các hộ gia đình vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nên việc mua sắm, trang cấp đồ dùng học tập cho trẻ học tiếng Việt trước khi vào lớp Một rất hạn chế nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học và khả năng tiếp cận của trẻ em dân tộc thiểu số nơi có điều kiện giao tiếp tiếng Việt còn hạn chế
Đồng chí Nguyễn Quang Lâm - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc với các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã Mường Nhà, huyện Điện Biên tại trường THPT Mường Nhà
Đến việc ban hành chính sách
Trước yêu cầu của thực tiễn và để kịp thời cụ thể hóa quy định Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT ngày 08/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh đã báo cáo và được Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh về Quy định kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn tỉnh Điện Biên tại Nghị quyết số 150/NQ-TTHĐND ngày 27/9/2024 nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn trong thực tiễn, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của việc nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác dạy và học nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh nói riêng.
Theo dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành chính sách quy định kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn tỉnh Điện Biên gồm 05 điều, trong đó đã xác định phạm vi điều chỉnh của chính sách quy định kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn tỉnh Điện Biên với các nội dung hỗ trợ, định mức chi hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ cho cơ sở giáo dục, giáo viên và trẻ em là người dân tộc thiểu số tham gia dạy và học tiếng Việt trước khi vào lớp Một. Dự thảo nghị quyết cũng xác định đối tượng áp dụng cụ thể của chính sách là các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi điều kiện giao tiếp tiếng Việt của trẻ là người dân tộc thiếu số trước khi vào lớp Một còn hạn chế. Giáo viên tham gia dạy và trẻ em là người dân tộc thiểu số tham gia học tiếng Việt trước khi vào lớp Một ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi điều kiện giao tiếp tiếng Việt trước khi vào lớp Một còn hạn chế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ dạy và học tiếng Việt trước khi vào lớp Một trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý là dự nghị quyết đề cập đến 02 nhóm nội dung hỗ trợ, cụ thể: Đối với giáo viên và học sinh, hỗ trợ kinh phí để chi trả cho giáo viên với định mức 60.000đ/giáo viên/tiết dạy, không quá 80 tiết/lớp. Hỗ trợ kinh phí để mua sắm đồ dùng học tập gồm 01 quyển vở tập tô, 01 bảng con, 03 bút chì, 02 hộp phấn, 01 hộp sáp màu, 01 tẩy. Đối với lớp học: Hỗ trợ kinh phí để mua sắm tài liệu cho mỗi lớp học gồm 01 bộ tài liệu dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hỗ trợ kinh phí để mua sắm văn phòng phẩm dùng chung cho mỗi lớp học gồm: 01 gam giấy A4, 01 gam bìa màu, 10 hộp phấn; thời gian hỗ trợ thực hiện trong tháng 8 hàng năm trước khi trẻ học chương trình lớp Một, tổng nguồn kinh phí thực hiện chính sách của tỉnh hàng năm là gần 4 tỷ đồng, đó là những nội dung có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm, nỗ lực của tỉnh trong việc xem xét, cân đối, bổ sung nguồn kinh phí thực hiện chính sách nêu trên đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đại phương.
Trước đề xuất ban hành chính sách nêu trên của UBND tỉnh, tin tưởng rằng Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khoá XV sắp tới, sẽ được HĐND tỉnh thảo luận, cân nhắc, xem xét, quyết định việc ban hành chính sách đảm bảo phù hợp với chủ trương, chính sách của cấp trên, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, sát với yêu cầu của thực tiễn của tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh trong những năm tiếp theo./.
Nguyễn Quang Lâm
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên