Nghiên cứu - Trao đổi  

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO PHONG CÁCH ỨNG XỬ, LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Cập nhật ngày 02/01/2024 15:58:10 PM - Lượt xem: 256

Phong cách ứng xử theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Phong cách ứng xử chính là mối quan hệ giữa người với người trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày, được thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành vi, tốc độ xử lý vấn đề hay tính cách, trình độ của một con người. Văn hóa ứng xử thể hiện năng lực trí tuệ, khả năng ứng biến, tư duy của con người trong thực tiễn cuộc sống. Người ứng xử có văn hóa là người biết lễ độ, biết đối nhân xử thế, hiểu mình hiểu người để hành xử đúng đắn, văn minh.


Phong cách ứng xử Chủ tịch Hồ Chí Minh rất độc đáo, chứa đựng cả giá trị của dân tộc, phương Đông và phương Tây, được nhiều nhà khoa học đánh giá, ca ngợi đó là kiểu ứng xử văn hoá, có lý, có tình, hài hoà, nhuần nhị. Hồ Chí Minh am tường năm cái biết trong ứng xử của người phương Đông: tri kỷ (biết mình), tri bỉ (biết người), tri thời (biết thời thế), tri túc (biết chừng mực), tri biến (biết biến đổi - dĩ bất biến ứng vạn biến). Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh thể hiện qua một số nội dung sau:

(i) Khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp: Bác luôn khiêm tốn, nhã nhặn lịch thiệp, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, luôn quan tâm chu đáo đến những người xung quanh. (ii) Chân tình, nồng hậu, tự nhiên: sự chân thành, ân cần, nồng hậu của Bác Hồ đã xóa bỏ mọi nghi thức, mọi khoảng cách, kể cả đó là khoảng cách quốc gia, dân tộc, tôn giáo. Sự chân tình của Bác làm cho bất kỳ ai khi tiếp xúc cũng cảm nhận được bằng trái tim, bằng tình cảm chân thực, tự nhiên. (iii) Linh hoạt, chủ động, biến hóa: cách ứng xử của Hồ Chí Minh đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm nồng hậu với lý trí sáng suốt, linh hoạt, uyển chuyển, sẵn sàng vì cái lớn mà châm chước cái nhỏ. (iv) Yêu thương, tôn trọng mọi người: tình yêu thương, sự tôn trọng mọi người của Bác không giới hạn bất kỳ một tầng lớp, thành phần nào trong xã hội. Nhận xét về phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: Con người giản dị, vĩ đại ấy cũng là người cực kỳ lịch sự, thanh tao, cao quý trong cách ứng xử với bạn bè quốc tế, với cụ già, phụ nữ, thanh niên và nhi đồng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ, bộ đội, công nhân nông trường Mộc Châu, ngày 8-5-1959.(ảnh tư liệu)

Lề lối làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Lối làm việc là phong cách, lề lối, cách thức làm việc. Ở bất cứ xã hội nào, thời đại nào thì lối làm việc cũng nói một cách rõ nhất bản chất thời đại ấy. Vì qua cách làm việc sẽ cho thấy đạo đức công vụ cũng như đạo đức đảng cầm quyền, cho thấy hiệu quả và mục đích công việc.

Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (bút danh X.Y.Z.). Tác phẩm là một đề cương mẫu trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Một trong những nội dung cốt lõi của tác phẩm là “Sửa đổi lối làm việc” của đảng viên, cán bộ, với nội dung chủ yếu sau:

(i) Phận sự của đảng viên và cán bộ là sự kiến tạo một mô hình con người văn hóa cán bộ mới mẻ, sinh động và thuyết phục. Mô hình con người văn hóa cán bộ vừa truyền thống (bao gồm năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm) vừa rất mới với phẩm chất trước hết là tính lý tưởng, tức “tính đảng”, phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của Tổ quốc lên trên hết. (ii) Tư cách và bổn phận đảng viên, là đảng viên càng phải có tư cách. Tư cách đảng viên như tấm gương sáng để dân chúng học hỏi, noi theo. Ngoài ra, đảng viên còn phải làm tốt bổn phận. Bác không dùng từ Hán Việt “trách nhiệm”, “nghĩa vụ” mà dùng từ “bổn phận” đã được Việt hóa. “Bổn phận” là nói phần việc mình phải gánh vác, lo liệu, ngoài nghĩa “trách nhiệm”, “nghĩa vụ” còn thêm cái ý: đó là cái tất yếu của riêng mình phải làm cho tốt. (iii) Chữa căn bệnh “chủ nghĩa cá nhân”. Đó là “thứ vi trùng rất độc” đục khoét, làm ruỗng dẫn đến yếu sức các cây cột chống đạo đức, sớm muộn sẽ làm nghiêng ngả ngôi nhà nhân cách đảng viên. Các loại “vi trùng” ấy là: tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ và các thứ bệnh có thể nhẹ hơn nhưng không kém phần nguy hiển như bệnh “hữu danh vô thực”, kéo bè kéo cánh, “cận thị”, “cá nhân”, bệnh “tỵ nạnh”, bệnh lười biếng, bệnh “xu nịnh, a dua”... Cách chữa triệt để không chỉ căn cứ vào “con bệnh”, còn phụ thuộc mối quan hệ với môi trường xã hội, tức quan hệ cấp trên cấp dưới, quan hệ đồng chí, quan hệ với công việc, quan hệ với dân... (iv) Phải rèn luyện tính đảng. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên. Tính đảng gồm những nội dung sau: phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn; lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau. (v) Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng. Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh. Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân, so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân./.

Cát Tường 

 

 

 


Tin liên quan
Một số điểm mới của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022
Một số nội dung mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023
5 nhóm chính sách được sửa đổi, bổ sung trong Luật Hợp tác xã năm 2023
Căn bệnh thành tích vẫn còn rất nặng nề
Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo phối hợp thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW, ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương
Đảm bảo việc phân cấp chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thông suốt, đồng bộ giữa các luật
Một số nội dung cơ bản và điểm mới của luật thanh tra năm 2022
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “tự soi, tự sửa” của cán bộ, đảng viên
Một số điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Quan tâm giải quyết kiến nghị chính đáng của cử tri