Nghiên cứu - Trao đổi  

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “tự soi, tự sửa” của cán bộ, đảng viên

Cập nhật ngày 31/08/2023 16:16:47 PM - Lượt xem: 256


Vì sao cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa?

Năm 1927, trong sách Đường cách mệnh, khi bàn về tư cách một người cách mệnh, Hồ Chí Minh đề cập ba mối quan hệ: Tự mình phải, đối người phải, làm việc phải. Tháng 2/1947, trong Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Người đề cập cán bộ phải có 5 mối quan hệ: Mình đối với mình, mình đối với đồng chí mình, mình đối với công việc, đối với nhân dân, đối với đoàn thể. Năm 1948, khi viết về Tư cách người Công an cách mệnh, Người đề cập 6 mối quan hệ: Đối với tự mình, đối với đồng sự, đối với Chính phủ, đối với nhân dân, đối với công việc, đối với địch. Trên Báo Nhân dân ngày 20/5/1951 trong bài Tự phê bình, Bác đã viết: “Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý. Vì vậy, người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm”.

Trong tất cả các mối quan hệ trên dù bất cứ ở thời kỳ nào, Hồ Chí Minh đều đặt “đối với tự mình” lên trên hết. Bởi lẽ, về lý luận và thực tiễn, “đối với tự mình” là nói đến yếu tố chủ quan, yếu tố bên trong, còn “đối với người” là nói đến yếu tố khách quan, yếu tố bên ngoài. Triết học mácxít chỉ rõ rằng yếu tố chủ quan, yếu tố bên trong bao giờ cũng là yếu tố đóng vai trò quyết định. V.I. Lênin viết: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta… Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ, thì tất cả sẽ sụp đổ”[1].

Bài Tự phê bình trên Báo Nhân dân ngày 20/5/1951 của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong đổi mới, nhận thức rõ ý nghĩa to lớn, sâu xa của tự soi, tự sửa, Đảng ta khẳng định: “Sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng bộ và đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại, những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân mình”[2]. Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (tháng 10/2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh để tay nhúng chàm... Việc tự sửa chữa khuyết điểm, sai lầm, tự gột rửa các hạn chế của bản thân không chỉ để tự hoàn thiện mình, tự nâng mình lên mà còn lan tỏa đến những cá nhân khác và giúp cho tổ chức mà mình là thành viên trở nên trong sạch hơn, mạnh mẽ hơn…

Tự soi, tự sửa là gì?

“Tự soi, tự sửa” là mỗi cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm, tự soi lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa chữa. “Tự soi, tự sửa” là việc làm của cá nhân, của chính mình. Đó là việc đấu tranh quyết liệt với cái tôi của bản thân. Soi đúng thì sẽ sáng hơn, sửa đúng thì sẽ đẹp hơn. Tự soi, tự sửa khó nhưng không phải không làm được.

 Thực chất của “tự soi, tự sửa” chính là thường xuyên tự phê bình, tự điều chỉnh mình, như một thói quen rửa mặt hàng ngày. Soi, sửa bao gồm về nhận thức, về hành động, về đạo đức lối sống,... để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn, ngang tầm, có hành động tích cực, hiệu quả, đưa lại lợi ích chính đáng cho Nhân dân, cho Đảng, trong đó có bản thân mình, có đạo đức lối sống lành mạnh, văn minh. Hồ Chí Minh nói: “Khuyết điểm cũng như một chứng bệnh. Phê bình là thuốc để chữa bệnh khuyết điểm”[3].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích… Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi. Sau khi làm xong một công việc gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, có được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”[4].

Tự soi đã khó, tự sửa cũng chẳng dễ. Thấy được hạn chế, khuyết điểm rồi nhưng mà để thành thật sửa chữa cũng phải là một cuộc đấu tranh không dễ đối với chính mình. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến lợi ích của cá nhân thì việc tự sửa cũng đồng nghĩa là tự đánh mất những lợi ích đó, sợ bị thua thiệt. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến uy tín, vị thế của mình thì việc tự sửa cũng như là sẽ giảm đi sự oai phong, bớt đi phần quan trọng. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến lập trường, quan điểm, đến việc phân định đúng - sai thì việc tự sửa cảm giác như là mình đuối lý, là vô lý. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến đạo đức, lối sống thì việc tự sửa cảm thấy hổ thẹn, sợ bị chê cười… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, khuyết điểm, việc tự sửa nếu không có quyết tâm lớn, không nhận thức đầy đủ, không bắt đầu tự chính mình thì dễ dẫn đến tình trạng hạn chế, khuyết điểm nhiều hơn.

Tự soi, tự sửa như thế nào?

Cán bộ, đảng viên phải tự giác, thường xuyên, hằng ngày, suốt đời tự soi, tự sửa như chuyện rửa mặt hằng ngày để giữ vững đạo đức cách mạng, cao nhất là chí công vô tư. Mỗi cán bộ, đảng viên, phải tự soi trong từng công việc, trong từng lời nói và việc làm, trong chính suy nghĩ của mình để tự thấy hạn chế, khuyết điểm mà sửa, nhất là những hạn chế, khuyết điểm thuộc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Làm được như vậy mới giải quyết được tận gốc, làm rõ được nguyên nhân, mới “chữa đúng bệnh” và tạo ra được động lực mới.

Tự soi tự sửa là để tránh tự kiêu, tự đại, vì tự kiêu, tự mãn như cái chén, cái đĩa cạn, một chút nước cũng tràn đầy vì độ lượng nó hẹp. Đảng viên phải như sông to, biển rộng, bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Tự soi, tự sửa là để luôn luôn chân thành, khiêm tốn, thật thà đoàn kết, phải học và giúp người tiến bộ.

Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì, đều phải tự soi, tự rèn, tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân để lại sau. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng.

Việc “tự soi, tự sửa” phải được tiến hành một cách chủ động, ngăn chặn từ xa, đẩy lùi từ sớm, ngay từ khi nó bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ, trong hành động của mình và điều quan trọng là phải thực hiện thường xuyên như “ngày nào cũng ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn”[5]

Việc “tự soi, tự sửa” đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có tính tự giác, thật thà và trung thực, nhất là khi “tự soi, tự sửa” những hạn chế, khuyết điểm của bản thân. Các biểu hiện suy thoái, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị thuộc phạm trù ý thức, nó ẩn khuất, ngấm ngầm trong suy nghĩ, trong tư tưởng con người, nhiều khi được che đậy kín đáo, rất khó phát hiện, nếu cán bộ, đảng viên không nghiêm túc và tự giác “tự soi” mình thì việc “tự sửa” sẽ khó mang lại kết quả.

“Tự soi, tự sửa” là một giải pháp rất quan trọng, có tính quyết định để ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi vì, các biểu hiện suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chủ yếu từ mình mà ra và tự mình là chính. Cho nên, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình soi xét, khi thấy có biểu hiện suy thoái phải quyết tâm sửa chữa và tự giác khắc phục. Cấp uỷ, tổ chức Đảng dù có tích cực giáo dục đến mấy và công tác kiểm tra, giám sát có chặt chẽ đến đâu, nhưng nếu cán bộ, đảng viên không tự giác, không kiên quyết thì rất khó đẩy lùi những biểu hiện thuộc về ý thức của con người. Song, để việc “tự soi, tự sửa” đạt hiệu quả cao hơn, cần có môi trường tốt để cán bộ, đảng viên phát huy tính tự giác của mình, đó là chi bộ thực sự vững mạnh, đoàn kết./.

                                                                                       Tác giả: Cát Tường



[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978, t. 41, tr. 311

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.64

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.317

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 28

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.82

 

 

 


Tin liên quan
Một số điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Quan tâm giải quyết kiến nghị chính đáng của cử tri
Kế thừa kinh nghiệm, đổi mới hoạt động của các ban HĐND tỉnh hiệu quả, sát thực đáp ứng yêu cầu tình hình mới
HĐND tỉnh Điện Biên với việc tổ chức hoạt động giám sát và ban hành nghị quyết triển khai thực hiện chủ trương, đường lối và chiến lược quy hoạch phát triển KT- XH, bảo đảm QP- AN gắn với vùng, liên vùng
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp thực hiện giám sát chuyên đề
Chú trọng, nâng cao chất lượng công tác giám sát chuyên đề
Phát huy vai trò của HĐND tỉnh trong xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên
Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động góp phần nâng cao vị thế cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 2004 đến nay (HĐND tỉnh khóa XII - XV)