Tin tức & sự kiện  

Phải đảm bảo sự hài lòng của người dân trong chuyển đổi số

Cập nhật ngày 18/11/2023 07:32:05 AM - Lượt xem: 219

Chiều nay (17/11), Đoàn giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Điện Biên.


Đồng chí Lò Thị Luyến, TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND tỉnh, căn cứ chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương về chuyển đổi số, Tỉnh uỷ Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xác định tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện chuyển đổi số trên ba trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Thời gian qua, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, toàn diện với nhiều giải pháp phù hợp và đạt được những kết quả nhất định: Tổ chức bộ máy chuyển đổi số được kiện toàn; hàng năm tỉnh đã ưu tiên cân đối, bố trí tối thiểu 1% ngân sách chi thường xuyên cho thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Giai đoạn 2020-2023, tỉnh Điện Biên đã bố trí 433 tỷ đồng để thực hiện các dự án, nhiệm vụ lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển chính quyền số; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã hiện đang cung cấp 627 dịch vụ công trực tuyến toàn; Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc của 100% các cơ quan, đơn vị các cấp (tỉnh, huyện, xã) trong tỉnh được kết nối liên thông. Tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 97%; Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh đạt gần 8%, năng suất lao động bình quân ước đạt khoảng 7%; Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 68%, 34% dân số có tài khoản thanh toán điện tử, 42% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng…

Đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng các địa phương vẫn còn khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số bởi chưa liên thông, kết nối được dữ liệu từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã), hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi số chưa rõ và chưa nhận được sự hài lòng của người dân do thủ tục còn phức tạp, khó sử dụng. Đại biểu cho rằng, muốn chuyển đổi số được, phải căn cứ vào ba điều kiện: thứ nhất là kinh phí; thứ hai là nguồn nhân lực; thứ ba là phải có sự sẵn sàng của cơ quan nhà nước và người dân. Nhà nước cần đầu tư kinh phí để đầu tư công nghệ đồng bộ của quốc gia, 4 cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã phải liên thông được với nhau. Thủ tục dịch vụ công trực tuyến phải đơn giản, dễ sử dụng thì mới khuyến khích được người dân. Một nội dung nữa là phải đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin cá nhân, an toàn an ninh mạng quốc gia.

“Chuyển đổi số phải hướng tới mục tiêu căn bản đó là: xử lý thông tin nhanh và liên tục; phải đảm bảo sự hài lòng của người dân; phải thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Lò Thị Luyến khẳng định.

Kết luận phiên làm việc, đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận kết quả thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Điện Biên đã ban hành khá đầy đủ những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện chuyển đổi số. Cơ chế chỉ đạo, điều hành đảm bảo chặt chẽ, được phân công, phân nhiệm rõ ràng. Đặc biệt, tỉnh đã rất quan tâm tới lĩnh vực chuyển đổi số, thể hiện ở việc cân đối 1% ngân sách chi thường xuyên cho thực hiện nhiệm vụ này, không phải tỉnh nào cũng làm được. Bên cạnh kết quả đạt được, Trưởng đoàn giám sát cũng khẳng định việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn cũng còn có những khó khăn nhất định do thiếu hụt nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin còn khó khăn… Đồng chí đề nghị UBND tỉnh Điện Biên đề xuất cụ thể những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách, pháp luật về chuyển đổi số để Đoàn giám sát đề nghị với Quốc hội, các bộ, ngành trung ương, các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, giải quyết./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 

 


Tin liên quan
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba
Hội nghị tập huấn công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng tỉnh Điện Biên năm 2023
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2024
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024
ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực môi trường
Thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Thường trực HĐND tỉnh dự Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Hội nghị giao ban báo chí tháng 10/2023