Tin tức & sự kiện  

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024

Cập nhật ngày 10/11/2023 17:19:34 PM - Lượt xem: 246

Sáng ngày 10/11, tại kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và thảo luận ở tổ về các dự án Luật đường bộ, Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.


Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu

trong phiên thảo luận Tổ sáng ngày 10/11

Tham gia thảo luận tổ đối với dự án Luật Đường bộ, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng an ninh về sự cần thiết phải ban hành Luật Đường bộ. Đại biểu cũng tham gia ba ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật như sau: (1) Khái niệm kinh doanh vận tải, đại biểu cho rằng việc sử dụng hai tiêu chí “điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải” để phân biệt doanh nghiệp nào đang kinh doanh vận tải hay không là chưa phù hợp bởi lẽ hai tiêu chí này không thể hiện bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải. (2) Về loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (khoản 11 Điều 61), đại biểu đề nghị loại hình kinh doanh vận tải hành khách này được gọi tên chính xác hơn là kinh doanh vận tải hành khách bằng phương tiện cho thuê riêng. Ngoài ra, nên mở rộng đối tượng là xe ô tô được cung cấp loại hình kinh doanh vận tải thay vì xe ô tô khách như quy định trong dự thảo. (3) Về vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự (Điều 71). Đại biểu đề nghị cần được rà soát, sửa đổi và nên quy định các trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các đối tượng trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách. Tất cả mọi yêu cầu đối với chủ thể cung cấp ứng dụng kết nối vận tải nên được chuyển về Điều 86 dự thảo Luật về Dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải để có một quy định tập trung đối với loại hình dịch vụ này.

Tham gia vào dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị cần tính yếu tố an toàn giao thông ở góc độ kỹ thuật khi xây dựng cơ sở, hạ tầng giao thông. Vấn đề nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng cho học sinh, sinh viên trong nhà trường, chú trọng công tác tuyên truyền trong Nhân dân,... Trên thực tế có nhiều trường hợp người đã được cấp giấy phép lái xe nhưng không điều khiển phương tiện trong thời gian dài, nhất là tài xế điều khiển xe tải, xe chở khách rất dễ gây tai nạn, ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải quy định chặt chẽ hơn đối với việc theo dõi sau sát hạch cấp giấy phép lái xe và vấn đề an toàn giao thông.

Phát biểu thêm, đồng chí Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhất là về cập nhật những tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải. Đồng thời, có ý kiến tham gia đối với loại hình phương tiện giao thông thông minh: Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm phương tiện giao thông thông minh, phương tiện thông minh đến mức nào thì mới được coi là phương tiện thông minh hay phương tiện tự lái có bắt buộc phải có tài xế trong phương tiện hay không? Bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong việc xử lý và quản lý các đề xuất về nghiên cứu phát triển, thử nghiệm, thí điểm phương tiện giao thông thông minh; Cần thiết kế bổ sung những quy tắc chung về việc đảm bảo an toàn và trách nhiệm khi xẩy ra tai nạn trong quá trình thử nghiệm; Các loại giấy tờ để tài xế phương tiện giao thông thông minh cần mang theo.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu

trong phiên thảo luận Tổ sáng ngày 10/11

Nhất trí với quan điểm của đại biểu Tạ Thị Yên, đại biểu Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an đề nghị bổ sung thêm các khái niệm về xe ô tô điện, xe mô tô điện. Đại biểu đề nghị bỏ quy định xe ô tô khách thành phố và thống nhất quy định thành một loại xe là xe ô tô khách. Và cần kiểm soát, giám sát hành trình của xe kinh doanh vận tải hành khách bởi trên thực tế tai nạn giao thông liên quan đến loại xe này rất nhiều, nhất là xe khách chạy tuyến ban đêm, đường núi, do đó cần có chế tài xử lý mạnh hơn đối với những đối tượng này.

Thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Quàng Thị Nguyệt tham gia ý kiến và đề nghị sửa đổi một số điều Luật: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Điều 6), Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8); Quy tắc chung (Điều 9); Chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe (Điều 11); Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 33); Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 49).

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo đề nghị của Chính phủ, thời hạn áp dụng từ năm tài chính 2024. Điều này cũng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế, đồng thời cũng hạn chế được hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài chính cần có đánh giá tác động của chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thu ngân sách nhà nước để từ đó cân đối lại NSNN trung hạn 5 năm 2021-2025, rà soát, điều chỉnh chính sách chi, có thể là tăng chi cho đầu tư phát triển.

Cùng quan điểm, đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chuyên môn nghiên cứu các chính sách để vừa bảo đảm tăng thu thuế nhưng cũng phải bảo đảm được môi trường đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. “Nếu không giải quyết nhanh, sẽ khó đón các tập đoàn lớn”.

Trước đó Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 466 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,33%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024./.

Tin, ảnh: Thu Hà

 

 


Tin liên quan
ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực môi trường
Thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Thường trực HĐND tỉnh dự Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Hội nghị giao ban báo chí tháng 10/2023
5 nhóm chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ
Hội nghị tập huấn: Hướng dẫn triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025
Đại hội công đoàn tỉnh Điện Biên lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 – 2028
Huyện Mường Ảng tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020 - 2023; Sơ kết quản lý chăm sóc cây xanh, vườn hoa đô thị
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức chương trình “Đêm hội trăng rằm” vui Tết Trung thu năm 2023