Nghiên cứu - Trao đổi  

Đưa chè Shan tuyết Tủa Chùa vươn xa

Cập nhật ngày 29/03/2021 22:31:29 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Là đơn vị duy nhất trên địa bàn huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) có ba sản phẩm được UBND tỉnh Điện Biên công nhận đạt chuẩn OCOP trong chương trình mỗi xã một sản phẩm từ năm 2019, thời gian qua Công ty TNHH Hương Linh đã rất nỗ lực tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm OCOP mang thương hiệu chè Shan tuyết Tủa Chùa vươn xa…


Tình đất vùng chè

Sau vài lần hẹn không thành, mãi cuối tháng 9 vừa qua Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh mới sắp xếp được thời gian trò chuyện với chúng tôi về ba sản phẩm của công ty được công nhận OCOP, gồm: “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết Sính Phình”; “Diệp Thanh Trà -Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” và “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa”. Đưa cho tôi ba hộp trà được đóng gói cẩn thận, thiết kế tinh tế, Nguyễn Mỹ Linh say sưa nói về vùng đất, vùng chè.

Nằm ở độ cao trung bình trên 1.400m so với mực nước biển, khí hậu hai mùa rõ rệt, bốn xã phía Bắc huyện Tủa Chùa có điều kiện tự nhiên phù hợp với sự sinh trưởng của chè Shan tuyết (hay còn gọi là chè cây cao). Với 8.400 cây chè cổ thụ hiện có, Tủa Chùa được đánh giá là nơi còn mật độ cây tập trung lớn so với các tỉnh trong cả nước. Trong đó, riêng bốn xã phía Bắc của huyện, là: Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Lao Xả Phình và Tả Phìn, đã có 7.200 cây. Vì vậy, khi đến đây bạn sẽ dễ dàng nhận thấy trong số những loại cây rừng thì cây chè chiếm ưu thế rõ rệt bởi lượng cây khá dày. Hầu như nhà nào cũng có chè, nhà ít vài cây, nhà nhiều vài chục cây, thậm chí có nhiều nhà sở hữu cả trăm cây.

Không chỉ thế, cây chè Tủa Chùa còn khá đặc biệt, bởi được mệnh danh cho một vùng đất và niên đại của loài cây này vẫn còn là “ẩn số”. Vì không chỉ người dân tộc Mông ở Tủa Chùa không biết, mà ngay cả người trọn đời gắn bó với cây chè như ông Nguyễn Trọng Nghiêu, nguyên Trạm trưởng Trạm giống Nông nghiệp huyện Tủa Chùa, cũng không rõ điều ấy. Ông Nghiêu kể: Năm 2005 có một đoàn chuyên gia của Trung Quốc lên Tủa Chùa tham quan vùng chè cây cao, họ đưa ra giả thiết cách đây khoảng 300 năm trong một cuộc nội chiến, người Trung Quốc lánh nạn đến vùng này và rất có thể do thói quen uống chè nên khi đi người ta đem theo những hạt chè giống. Vậy nhưng khi tận mắt nhìn những cây chè cổ thụ ở Sín Chải thì các chuyên gia Trung Quốc phủ nhận ngay giả thiết của chính mình. Họ bảo cây chè 300 năm tuổi ở Trung Quốc đường kính nhỏ hơn nhiều, nên chắc chắn chè ở Tủa Chùa không thể 300 năm tuổi như giả thiết.

Ở bản Hấu Chua, xã Sín Chải có ông Hạng A Chư sở hữu nhiều cây chè cổ thụ nhất vùng. Trong gia đình, A Chư cũng là đời thứ ba thừa kế cây chè nên mỗi lần có khách hỏi chuyện cây chè A Chư đều say sưa chuyện trò không hề chán. A Chư bảo: “Không phải bây giờ đâu mà bao năm rồi vẫn thế, người Mông bản Hấu Chua quý cây chè lắm cho dù nhiều năm trước đây chả biết nên dùng chè vào việc gì cho có lợi nhất”. Nói rồi, A Chư đưa chúng tôi ra vườn chè kể những câu chuyện gắn với kỷ niệm về ông nội và người cha quá cố của mình. Rằng cách đây lâu lắm rồi, A Chư cũng không còn nhớ chính xác đã bao nhiêu năm, chỉ biết sau một đêm mưa bão bản Hấu Chua tan hoang như vừa xảy ra chiến trận. Ông nội A Chư bảo, chưa bao giờ mưa gió lại dữ dội như thế. Đếm trên đầu ngón tay, cả bản chỉ còn mấy nóc nhà nguyên vẹn sau đêm giông tố là nhờ có vườn chè chắn gió. Thế là sau khi thu dọn nhà cửa, chẳng ai bảo ai người Mông bản Hấu Chua lại ra vườn đốn những cành chè bị gẫy, vun đất cho cây bị quật rễ, cây chè được chăm như chăm người bị thương... Cứ như thế, đời qua đời cây chè Tủa Chùa lặng lẽ lớn bên người; lặng lẽ ngậm sương để dâng hiến búp chè màu sương và chờ bàn tay người đánh thức!

Đặc trưng từng sản phẩm

Cầm hộp trà tên gọi “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết Sính Phình”, Nguyễn Mỹ Linh, cho biết: Nguyên liệu chế biến dòng sản phẩm này là 100% búp chè được đồng bào dân tộc Mông ở Sính Phình hái thủ công trên những đồi chè hơn 20 năm tuổi. Về giống, cây chè ở Sính Phình đều được ươm từ hạt của chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, song để phân biệt giữa chè Shan tuyết cổ thụ với chè Shan tuyết trồng mới tại Sính Phình thì ngay sau khi trồng mới người dân địa phương đã đặt tên cho cây chè Sính Phình là chè Shan tuyết Sính Phình. Bởi vậy, sau quá trình tìm hiểu nguồn gốc, đánh giá chất lượng và sản lượng chè Shan tuyết Sính Phình, Công ty TNHH Hương Linh đã quyết định sản xuất sản phẩm trà xanh Shan tuyết lấy tên gọi vùng đất nuôi dưỡng cây chè ấy là: “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết Sính Phình”.

Về chất lượng, hương vị “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết Sính Phình” như Hương Linh phân tích thì khác biệt hoàn toàn với sản phẩm trà nơi khác chính là đảm bảo “SẠCH” từ quy trình chăm sóc, thu hái đến chế biến và đóng gói thành phẩm. Theo hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm Công ty TNHH Hương Linh ký kết với 391 hộ dân ở xã Sính Phình thì các khâu chăm sóc cây chè, như: làm cỏ, bón phân đều phải thực hiện thủ công có sự giám sát của trưởng nhóm thu hái và đại diện công ty. Công đoạn thu hái cũng phải thực hiện thủ công theo hướng dẫn: “Chỉ hái búp đủ lớn chứ không hái kiệt” để không ảnh hưởng lứa thu hái sau và trong vòng ba giờ sau khi thu hái thì người dân phải đem chè búp tươi về xưởng sơ chế, sản xuất. “Khác biệt hẳn là cây chè Sính Phình không phải ăn thuốc trừ cỏ như một số vùng chè khác; phân bón là hữu cơ được kiểm nghiệm của cơ quan chức năng địa phương; kỹ thuật hái thì hoàn toàn yên tâm vì bà con dân tộc Mông ở Sính Phình không chỉ chăm chỉ mà đã thành thục kỹ thuật thu hái” - Nguyễn Mỹ Linh cho biết như thế!

Với hai sản phẩm “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” và “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa”, có điểm chung là đều được thu hái từ vùng chè cổ thụ thuộc các xã phía Bắc huyện Tủa Chùa, gồm: Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sính Phình, Sín Chải. Nơi đây chính là vùng chè cổ thụ nổi tiếng từng thu hút nhiều đoàn chuyên gia Nhật, Trung Quốc, Viện nghiên cứu nông nghiệp về tìm hiểu lịch sử cây chè. Tuy nhiên, sau nhiều biến thiên lịch sử, nhiều thăng trầm của vùng đất, đời người, hiện Tủa Chùa còn khoảng 8.400 cây chè Shan tuyết cổ thụ. Không được chăm bón như cây chè nơi khác, chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa chỉ ngậm sương, hút đất trong lòng đá mà lớn rồi lặng lẽ dâng cho đời những búp chè phủ lông tơ màu tuyết. Để thu hái búp trên cây chè cổ thụ, bà con dân tộc Mông nơi đây phải leo lên từng ngọn cây rồi dùng nèo kéo từng cành nhỏ vào hái búp. Sau một đợt hái phải chờ cả tháng mới được hái đợt tiếp, bởi rễ chè phải cần mẫn hút chất nuôi cây.

Ở nơi núi cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên hương vị chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa cũng khá đặc biệt. Trà có màu vàng sóng sánh như mật; có vị chát đậm đà rồi sau đó lại rõ vị ngọt hậu đượm mãi. Đặc biệt, cây chè càng già ở Tủa Chùa càng cho nhiều búp có vị đanh, hương trà đậm đà rõ vị hơn. Là người thưởng trà tinh tế, bạn sẽ nhận thấy vị trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa thật khác biệt, bởi quyện trong hương trà có mùi thơm của cây cỏ núi rừng, có vị chát pha chút đắng nhè nhẹ như cuộc sống của đồng bào Mông trên vùng đất gian khó Tủa Chùa.

Hỏi thêm Nguyễn Mỹ Linh điều khác biệt căn bản giữa hai sản phẩm “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” và “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” là gì? Được biết, chính là công đoạn thu hái. Với sản phẩm “Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa”, cho phép hái từ búp đến lá thứ hai hoặc có thể là lá thứ ba, nhưng “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” chỉ được hái búp và lá thứ nhất mà dân làm trà thường gọi là “một tôm một lá”. Quá trình ủ, sao để làm thành sản phẩm “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” đòi hỏi yêu cầu khắt khe hơn, thời gian dài hơn mới hoàn thành một mẻ, do vậy mà chất lượng, giá thành khác. Để lựa chọn nguyên liệu cho sản phẩm “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa”, trước mỗi vụ thu hái đích thân Mỹ Linh phải khảo sát từng vườn chè để chọn cây chè có búp đều rồi đặt người thu hái trong cùng ngày. Bởi yêu cầu khắt khe về chất lượng, thời gian thu hái nên hiện tại sản lượng “Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” của Công ty TNHH Hương Linh sản xuất không nhiều. “Chủ yếu là khách quen đặt để làm quà biếu, tặng! Số ít người sành trà ở Sài Gòn, Hà Nội cũng đặt cung cấp thường xuyên” - Mỹ Linh vui vẻ cho biết thêm.

Nỗ lực đưa chè Tủa Chùa vươn xa

Vui mừng nhận chứng nhận sản phẩm OCOP cho ba dòng sản phẩm của Công ty, nhưng ngay sau đó, Nguyễn Mỹ Linh lại tất tả với việc tìm kiếm thị trường, đưa các sản phẩm chè Tủa Chùa đến người tiêu dùng. Nguyễn Mỹ Linh bộc bạch: Được sự hỗ trợ rất nhiều từ UBND, Phòng NN và PTNT huyện Tủa Chùa và Sở Công thương, Sở NN và PTNT tỉnh Điện Biên, thời gian qua Công ty TNHH Hương Linh đã dự nhiều hội chợ giới thiệu, hợp tác tiêu thụ sản phẩm OCOP tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, được nghe phản hồi từ khách hàng trong mỗi chuyến đi, Mỹ Linh đã ghi chép cẩn thận. Với Mỹ Linh điều trăn trở nhất không phải lượng tiêu thụ hay doanh thu mà chính là những câu hỏi rất đỗi ngạc nhiên từ khách hàng, với kiểu như là: “Ồ, Tủa Chùa cũng có chè cây cao à?”, “Sao chưa bao giờ nghe cây chè Tủa Chùa nhỉ?”… trong khi thực tế niên đại, chất lượng chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa không khác gì dòng chè cùng loại ở Tả Xùa, Suối Giàng. Song không nản, chính những câu hỏi của khách hàng càng thôi thúc Mỹ Linh mấy mò tìm lời giải. Để rồi đêm từng đêm bên chén trà sóng sánh ánh vàng ngào ngạt hương, Mỹ Linh lại miên man nghĩ về những cây chè cổ thụ và hình dung cách người Mông cẩn thận hái từng búp chè trong sương sớm nơi núi đá vùng cao. Bất giác Mỹ Linh đã hiểu, đưa chè Tủa Chùa vươn xa cũng là cách làm gần hơn đường xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc Mông Tủa Chùa. Trên đường ấy sẽ nhiều đoạn gập ghềnh và gian nan, nhưng Mỹ Linh luôn vững niềm tin: Thời gian sẽ chứng minh, chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa sẽ đánh thức trái tim người thưởng lãm, để chè Tủa Chùa vươn sóng vượt ngàn xa…/.

Lê Lan

 


Tin liên quan
Răn dạy, trả ơn trâu trong văn hóa Thái
Mường Phăng - khát vọng vươn tới tương lai
Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIV Trách nhiệm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ
Ban Dân tộc HĐND nhất trí trình HĐND tỉnh Về chủ trương đầu tư dự án Bảo vệ và phát triển rừng bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025
Đồng chí Lò Văn Phương, Phó chủ tịch HĐND tỉnh chúc tết các đơn vị và gia đình chính sách trên địa bàn huyện Mường Chà
Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam
Một số quy định mới về việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Một số giải pháp thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
Một số kinh nghiệm tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân