Nghiên cứu - Trao đổi  

Một số kinh nghiệm tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân

Cập nhật ngày 28/09/2020 09:38:00 AM - Lượt xem: 256

HĐND - Nghị quyết của Hội đồng nhân dân là văn bản pháp lý chủ yếu nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm căn cứ để UBND và các cơ quan liên quan ban hành các quyết định trong quá trình chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Việc nâng cao chất lượng nghị quyết của HĐND luôn đòi hỏi đặt ra, vừa phải đảm bảo các quy định của pháp luật vừa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.


 
Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên đã tổ chức 13 kỳ họp, ban hành 209 nghị quyết, trong đó có 52 nghị quyết QPPL. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh được ban hành đảm bảo đúng quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của pháp luật, được UBND tỉnh, các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai, thực hiện, mang lại hiệu quả rõ rệt. 
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác chuẩn bị, xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh vẫn còn một số tồn tại như: Việc rà soát các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đôi khi còn bỏ sót; hồ sơ còn thiếu và sơ sài; thuyết minh chưa đủ sức thuyết phục; chưa đánh giá tác động của chính sách đến đối tượng thụ hưởng; thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản chưa đạt yêu cầu; việc tham gia ý kiến của các cấp, các ngành còn hình thức. Mặt khác việc gửi tài liệu, hồ sơ một số báo cáo, đề án, tờ trình dự thảo Nghị quyết gấp, ngay sát ngày họp thẩm tra, ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh.
Xác định việc tham gia, đóng góp ý kiến vào các dự thảo tờ trình, đề án và nghị quyết trước khi UBND tỉnh chính thức trình HĐND phải được các Ban quan tâm, coi đó như chính là việc của mình. Thời gian qua, Ban Văn hóa - Xã hội đã nắm bắt vấn đề đó và tham gia ý kiến với các đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo, từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng là HĐND ban hành Nghị quyết, tập trung chủ yếu trong ba giai đoạn, đó là tham gia ý kiến với các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo; thứ 2 là tham gia ý kiến tại các phiên họp của UBND tỉnh; thứ 3 là thẩm tra trình HĐND tỉnh, do đó để làm tốt và hiệu quả các giai đoạn nói trên Ban VHXH - HĐND tỉnh đã thực hiện tốt những nội dung sau:
Thứ nhất: phối hợp với đơn vị soạn thảo tham gia có trách nhiệm từ khâu đầu tiên của quy trình. Khi các đơn vị xin ý kiến, Ban Văn hóa - xã hội nghiêm túc nghiên cứu, thu thập tài liệu có liên quan, nhất là các văn bản QPPL, tập trung vào các nội dung chính, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, những bất cập, chưa phù hợp.... để tham gia với các đơn vị. Khi thấy cần thiết trao đổi với bộ phận soạn thảo để làm rõ những nội dung còn băn khoăn, chưa hiểu. Thường gặp ở nội dung văn bản giai đoạn này là còn mang tính chủ quan của cơ quan soạn thảo. Một số đơn vị, lãnh đạo chưa nghiêm túc đầu tư nghiên cứu, bàn bạc, thảo luận để xây dựng dự thảo vừa đúng với hướng dẫn của cấp trên, vừa phù hợp với thực tế địa phương, dự thảo vẫn còn là của chuyên viên, của phòng được lãnh đạo giao, chưa phải của sở, của ngành tham mưu cho UBND tỉnh.
Chẳng hạn, thời gian qua Ban VHXH đã tham gia ý kiến với Sở Giáo dục và Đào tạo về 2 dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập và nghị quyết quy định cơ chế thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học. Qua nghiên cứu, Ban nhận thấy về cơ sở pháp lý chưa đảm bảo: Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Trong khi các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ chưa ban hành, kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh được tổ chức vào đầu tháng 7/2020. Do đó Ban cho rằng khi ban hành chính sách không thể chỉ căn cứ vào Luật, mà phải căn cứ vào Nghị định và Thông tư hướng dẫn. Trong khi đó khi thẩm định hai nội dung trên, Sở Tư pháp, với tư cách là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về tính hợp Hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật lại đồng tình với việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2020. Tại cuộc họp Thường trực HĐND tỉnh tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã xin rút hai nội dung trên ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 14.
Thứ hai: tham gia ý kiến tại cuộc họp của UBND tỉnh. Các cuộc họp của UBND tỉnh hàng tháng đều mời Thường trực HĐND và các Ban tham gia. Đây là dịp các Ban được nghe những nội dung mà UBND tỉnh bàn bạc, quyết định, trong đó có các nội dung sẽ trình HĐND tỉnh. Các Ban HĐND thường quan tâm đến những nội dung thuộc lĩnh vực của Ban mình và sẽ phải tổ chức họp thẩm tra trình tại kỳ họp. Ý kiến tham gia của các thành viên UBND tỉnh là rất quan trọng, nhất là những ý kiến trái chiều, ý kiến còn băn khoăn. Cuối cùng là ý kiến kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về những nội dung đó. 
Ví dụ, khi tham gia dự thảo Tờ trình về chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên và mức chi đối với các giải thi đấu thể thao trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Nội dung được xây dựng dựa trên những quy định tại Nghị định số 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 61/2018/TT-BTC ngày 26/7/2018 của Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL của liên bộ Tài chính, Văn hóa Thể thao và Du lịch. Khi nghiên cứu Thông tư 61 của Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao. Theo Luật TDTT thì các giải thi đấu thể thao thành tích cao thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Chủ tịch các liên đoàn thể thao quyết định, do đó vận dụng quy định của Thông tư 61 như thế nào vào các giải thi đấu của tỉnh, các giải thể thao cấp huyện, cấp xã là do HĐND quyết định. 
Từ những căn cứ nêu trên, Ban đã đề xuất bổ sung nội dung khen thưởng. Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng nội dung này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Ban VHXH thì cho rằng trong các giải thi đấu thể thao không thể thiếu nội dung khen thưởng. Khen bằng các danh hiệu thi đua, còn thưởng là bằng tiền, chủ yếu là thưởng tiền và mức thưởng của mỗi giải là bao nhiêu? Mà đã là ngân sách thì phải thông qua HĐND quyết định. Ủy ban nhân tỉnh tiếp thu ý kiến này và giao Sở Văn hóa Thể thao và du lịch bổ sung vào dự thảo. Trong quá trình thẩm tra, Ban đã đề nghị HĐND bổ sung thêm khen thưởng cho đối tượng là Huấn luyện viên, vì không có Huấn luyện viên giỏi thì làm sao có Vận động viên thành tích cao được, cho nên khi VĐV đạt thành tích cao thì “nhớ” đến công thày của mình: khi Vận động viên (ngoài thưởng) đạt Huy chương vàng, bạc, đồng tại các giải thi đấu khu vực, quốc gia và quốc tế thì Huấn luyện viên, vận động viên được khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng và Quy chế thi đua khen thưởng của UBND tỉnh.
Thứ ba: tham gia khi thẩm tra, đây là khâu cuối cùng trước khi trình HĐND quyết định. Nếu làm tốt hai khâu trên thì khâu này rất thuận lợi. Báo cáo thẩm tra phải mang tính khái quát cao, nêu rõ quan điểm nội dung nào nhất trí, nội dung nào không nhất trí, nội dung nào cần sửa đổi, bổ sung. Lý giải vì sao không nhất trí, căn cứ vào đâu để sửa đổi, bổ sung... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các báo cáo thẩm tra của Ban cơ bản được UBND tỉnh tiếp thu để chỉnh sửa dự thảo Nghị quyết trước khi trình HĐND tỉnh.
Hiện nay các văn bản của UBND tỉnh hoàn thiện chuyển sang HĐND tỉnh thường chậm, sát đến ngày khai mạc kỳ họp. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra của các Ban. Khi thẩm tra, các Ban nghiên cứu các văn bản chưa chính thức của UBND tỉnh để xây dựng báo cáo thẩm tra. Đến khi có văn bản chính thức các Ban lại phải rà soát lại báo cáo thẩm tra của mình. 
Vấn đề quan trọng là khi thẩm tra phải phát hiện tính hợp lý và không hợp lý của vấn đề. Tại kỳ họp thứ 10, Ban VHXH được phân công phối hợp với Ban Dân tộc thẩm tra dự thảo nghị quyết quy định mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi từ 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 và trên 100 tuổi. Người cao tuổi thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà chúc thọ, mừng thọ; người cao tuổi thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà, quà gồm tiền mặt và hiện vật. Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị đối với người cao tuổi thọ 95 tuổi và trên 100 tuổi, ngoài phần tiền mặt, có quà bằng hiện vật. Đối với người cao tuổi thọ trên 100 tuổi, đề nghị bổ sung: Mỗi năm được tặng quà mừng thọ 01 lần. Đây là những nội dung rất phù hợp với đối tượng là người cao tuổi. Ban đề xuất, khi chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên ngoài tiền mặt có một gói quà trị giá 200 ngàn đồng. Đề xuất này được UBND tỉnh tiếp thu và HĐND tỉnh biểu quyết thông qua.
Tham gia ý kiến ở cả ba khâu của quá trình xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh là rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nghị quyết, một loại văn bản pháp lý chủ yếu của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Phải có nhận thức và quan điểm đúng về vấn đề này, không phân biệt việc này của UBND, việc kia của HĐND, mà phải có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu đầu tiên (soạn thảo) đến khâu cuối cùng là ban hành (nghị quyết). Có như vậy Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND mới thực sự là của dân, do dân và vì dân./.
 
Nhữ Văn Quảng
Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh
 
 


Tin liên quan
Hoạt động giám sát của HĐND được quan tâm, chú trọng
Chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh: Hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng
Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021
Phòng Tổng hợp - Văn phòng HĐND tỉnh: Thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Chuyên mục “Đại biểu dân cử với cử tri”: những tín hiệu tích cực
Nữ đại biểu dân cử được Nhân dân tin yêu
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước
Chuyên đề: Tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030