Nghiên cứu - Trao đổi  

Chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh: Hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng

Cập nhật ngày 28/09/2020 09:25:39 AM - Lượt xem: 256

HĐND - Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 295/2012/NQ-HĐND, ngày 08/12/2012 của HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIII về ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Nghị quyết 295). Đến nay một số nội dung thực hiện chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.


 
Trong những năm qua, trước yêu cầu đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997 của Ban Chấp hành Trung Đảng khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, tỉnh ta đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIII đã xem xét, thông qua Nghị quyết số 295/2012/NQ-HĐND, ngày 08/12/2012 về ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, đồng thời ban hành quyết định về việc phân cấp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức cho thủ trưởng các ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 295 phù hợp với đặc thù và nhu cầu thuộc lĩnh vực của ngành, của địa phương. 
Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết cho thấy, tỉnh đã phân cấp cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức nói chung và việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức có trình độ cao trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự chủ động cho các cơ quan đơn vị trong thực hiện nhưng vẫn đảm bảo đúng các quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đặc biệt, việc thu hút, trọng dụng nhân tài, những người có trình độ cao đến công tác lâu dài tại địa phương có cam kết phục vụ công tác tại tỉnh ít nhất 10 năm được tỉnh hết sức quan tâm vì đây sẽ là nguồn nhân lực góp phần bổ sung cho những ngành, những lĩnh vực mà hiện tại tỉnh đang còn thiếu như bác sỹ nội trú, dược sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II và tương đương trở lên, thạc sỹ, tiến sỹ các ngành khoa học với các mức thu hút bằng 40 lần mức lương tối thiểu/người đối với những người có trình độ thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp I, Dược sĩ chuyên khoa cấp I và tương đương; mức thu hút bằng 50 lần mức lương tối thiểu/người đối với những người có trình độ Bác sĩ chuyên khoa cấp II, Dược sĩ chuyên khoa cấp II và tương đương; mức thu hút bằng 60 lần mức lương tối thiểu/người đối với những người có trình độ Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nội trú trở lên. Ngoài ra, đối với công chức, viên chức có trình độ cao được tuyển dụng hoặc tiếp nhận sẽ được tỉnh ưu tiên bố trí công tác phù hợp với chuyên ngành đào tạo, vị trí việc làm nhằm tạo điều kiện cho họ có môi trường làm việc thuận lợi, phát huy được năng lực, sở trường công tác một cách hiệu quả nhất.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ khi có Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên có hiệu lực cho đến nay (tháng 6/2020), việc thu hút, trọng dụng nhân tài được tỉnh hết sức quan tâm, chú trọng và đã đạt được một số kết quả nhất định; từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã có 14 người được hưởng chính sách thu hút với độ tuổi trung bình khi được thu hút từ 20 đến dưới 25 tuổi, cụ thể: có 12 người được hưởng chính sách thu hút trong lĩnh vực giáo dục; 02 người được hưởng chính sách thu hút trong lĩnh vực y tế với mức thu hút được áp dụng bằng 40 lần mức lương tối thiểu/người. Qua đó, có thể thấy rằng, số công chức, viên chức được áp dụng chính sách thu hút tại tỉnh còn hết sức khiêm tốn, mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực giáo dục, y tế và chủ yếu là đối với người trúng tuyển vào làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp có trình độ thạc sỹ mà chưa có trường hợp nào là thạc sỹ, tiến sỹ của các ngành khoa học kỹ thuật với các mức thu hút cao hơn. Cá biệt, trong số tổng 14 người được hưởng chính sách thu hút, thì đến nay đã có 04 người đã nghỉ việc thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Một trong những nguyên nhân hạn chế cơ bản trong triển khai, thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trên địa bàn tỉnh được xác định và chỉ ra, đó là: tỉnh Điện Biên là một tỉnh miền núi nghèo, cơ sở hạ tầng kém phát triển do đó để thực hiện được chính sách thu hút đối tượng có trình độ cao đến công tác tại tỉnh là một vấn đề khăn, mặt khác chính sách thu hút của tỉnh chưa đủ mạnh, mức thu hút còn hạn chế, tổ chức thực hiện của một số đơn vị chưa đồng bộ, kịp thời, thiếu kinh phí triển khai; bên cạnh đó công tác tuyên truyền về chính sách thu hút chưa được quan tâm… nên những nội dung của Nghị quyết về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài về công tác tại tỉnh hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng. Mặt khác, thời gian qua, HĐND tỉnh cũng chưa phát huy hết vai trò của cơ quan dân cử trong việc giám sát quá trình tổ chức thực hiện nhằm phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai của chính quyền các cấp; công tác giám sát, phản biện xã hội còn những hạn chế nhất định, chưa phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với những nội dung nêu trên.
Do đó, trong thời gian tới, để Nghị quyết 295 của HĐND tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, thu hút được những người có trình độ cao về công tác tại tỉnh, thiết nghĩ trước mắt UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, tích cực nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung của chính sách, đồng thời kiến nghị với trung ương xem xét có những chính sách đặc thù cho các tỉnh miền núi và bổ sung một phần kinh phí cho tỉnh để tỉnh có cơ sở, kinh phí xây dựng và trực tiếp thực hiện chính sách thu hút phù hợp đối với những người có trình độ cao lên công tác tại tỉnh; bên cạch đó, tỉnh kiến nghị với nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao và có thể trực tiếp phân công công tác tới các vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như tỉnh Điện Biên...., Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh cần phải nghiên cứu, tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh tổ chức đánh giá, tổng kết Nghị quyết số 295 làm cơ sở để xem xét, điều chỉnh hoặc ban hành chính sách mới cho phù hợp với các quy định hiện hành của trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh có như vậy mới thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao về công tác tại tỉnh, qua đó sẽ góp phần tăng cường cho tỉnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực cao trong công tác trong thời gian tiếp theo.
 
Nguyễn Quang Lâm
Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh
 


Tin liên quan
Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021
Phòng Tổng hợp - Văn phòng HĐND tỉnh: Thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Chuyên mục “Đại biểu dân cử với cử tri”: những tín hiệu tích cực
Nữ đại biểu dân cử được Nhân dân tin yêu
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước
Chuyên đề: Tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030
Ban hành nghị quyết về mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn HĐND tỉnh trong đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh