Tin tức & sự kiện  

ĐBQH phải có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động

Cập nhật ngày 28/10/2014 10:17:54 AM - Lượt xem: 254

Thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) tại Hội trường chiều 22/10, các ĐBQH cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo luật. Vấn đề về nội dung tiêu chuẩn ĐBQH, tiêu chuẩn của ĐBQH chuyên trách và địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH…được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.


ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh): ĐBQH phải có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động
 
Về tiêu chuẩn ĐBQH, xuất phát từ vị trí, vai trò của ĐBQH được Hiến pháp ghi nhận là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Khoản 1 và khoản 2, Điều 22 của dự thảo luật còn quy định giống như tiêu chuẩn của cán bộ, công chức khác. Đề nghị bổ sung “trung thành với lợi ích của quốc gia, với lợi ích của dân tộc, với lợi ích của nhân dân”. Mỗi khi đại biểu phát biểu hay bấm nút biểu quyết vấn đề quan trọng của quốc gia, của đất nước phải trên cơ sở lợi ích quốc gia để quyết định. 

Khoản 3 quy định “có trình độ, năng lực” còn chung chung, trong thực tiễn ĐBQH gồm nhiều thành phần. Nhưng điều quan trọng là trình độ, năng lực là gì để tránh tình trạng phát biểu ý kiến của người khác, không lấy bài của người khác đọc trước hội trường hoặc phát biểu một chiều, xuôi chiều, không có tính phản biện, đề nghị nêu rõ ở khoản 2 là ĐBQH phải có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động. Năng lực ở đây là năng lực đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước cử tri, trước QH về hành vi và lời nói của mình. 
 
Đối với ĐBQH chuyên trách, đây là nhu cầu để tăng dần đại biểu chuyên trách lên 35%, tăng tính chuyên nghiệp, đòi hỏi phẩm chất của “anh” này khác đại biểu nói chung do đó tiêu chuẩn phải cao về trình độ, có kinh nghiệm thực tiễn, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực mà tới đây “anh” được dự kiến vào ủy ban nào đó. Ví dụ, trong lĩnh vực tư pháp, khi đọc hồ sơ “anh” phải biết được thế nào là oan sai. Nếu không thì chất lượng thẩm tra, giám sát rất hạn chế. Khi lựa chọn đại biểu chuyên trách thì phải căn cứ vào năng lực, tố chất đó, ít nhất là chuyên viên cao cấp và trải qua 15 công tác thực tiễn lĩnh vực ấy, có khả năng đề xuất chính sách pháp luật và kỹ năng soạn thảo văn bản, có kỹ năng giám sát, phản biện. Và mỗi kỳ họp, ĐBQH chuyên trách phải phát biểu trước QH một lần. 
 
ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định): Tiêu chuẩn của ĐBQH phải cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không thể chung chung 
 
QH của chúng ta ngày càng đổi mới, trách nhiệm ngày càng nặng nề, đòi hỏi và kỳ vọng của nhân dân đối với ĐBQH ngày càng cao. ĐBQH không phải chỉ là người đại diện một cách hình thức cho nhân dân và cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất mà còn là người có đủ năng lực, trình độ để tham gia các chức năng hết sức quan trọng của QH như lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước… Do vậy, tiêu chuẩn của ĐBQH cũng phải cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình, không thể chung chung như dự thảo.
 
Điều 22 khoản 3 quy định: ĐBQH có trình độ và năng lực, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH. Ở đây, cần được hiểu như thế nào là người có năng lực, trình độ? Theo tôi, người có năng lực, trình độ, có chuyên môn sâu không có nghĩa là người có năng lực trình độ làm tốt một người ĐBQH. Năng lực chuyên môn sâu chỉ có thể giúp người ĐBQH làm tốt nhiệm vụ của mình hơn. Quy định về năng lực trình độ của ĐBQH phải gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong các điều còn lại của chương này.
 
Tại khoản 4 quy định tiêu chuẩn ĐBQH là liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ của ĐBQH chứ không phải là tiêu chuẩn sẵn có của ĐBQH. Khoản 5 quy định: có điều kiện tham gia các hoạt động của QH, quy định này cũng không rõ đây là điều kiện gì, điều kiện về thời gian hay điều kiện về vật chất? 
 
Do vậy trong điều 22, nên sửa Khoản 3,4,5 theo hướng quy định về năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu hoạt động của QH và phù hợp với lĩnh vực mà người đại diện chú trọng đến khả năng nắm bắt những vấn đề về chính sách vĩ mô, khả năng truyền tải ý kiến, kiến nghị của cử tri; bản lĩnh vững vàng khi thực hiện nhiệm vụ của người ĐBQH và có điều kiện về thời gian cũng như về sức khỏe để tham gia những hoạt động cho phù hợp.
 
ĐBQH Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long): Nên quy định Đoàn ĐBQH có nhiệm vụ, quyền hạn như một cơ quan của QH ở địa phương 
 
Giá trị thực tế hoạt động của Đoàn ĐBQH ở địa phương rất lớn, vì thế cần phải thể chế hóa hoạt động của Đoàn ĐBQH một cách cụ thể hơn. Hoạt động của Đoàn ĐBQH nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH. Quy định tại điều 43 của dự thảo luật không rõ, dự thảo luật quy định: “Đoàn ĐBQH là tổ chức của các ĐBQH” nhưng tổ chức là tổ chức gì, là tổ chức quyền lực hay tổ chức xã hội? Tức là phải có tính chất pháp lý xã hội rõ ràng. Dù có rất nhiều nhiệm vụ nhưng quyền năng không rõ nên không phát huy được vai trò của Đoàn. Trên thực tế, khi chúng ta lấy ý kiến của ĐBQH thì rõ rồi, nhưng ý kiến của Đoàn ĐBQH có giá trị gì không? Quan hệ của Đoàn ĐBQH với các thiết chế khác trong bộ máy quyền lực nhà nước ở địa phương thế nào? Cần phải xác định vị thế của thiết chế này. Theo tôi, nên quy định cụ thể Đoàn ĐBQH có nhiệm vụ quyền hạn như một cơ quan của QH ở địa phương.

theo daibieunhandan.vn
 


Tin liên quan
Đoàn đại biểu HĐND các cấp thăm lối mở A Pa Chải và chợ biên giới Mường Nhé
Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ gắn với trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND 2 cấp tỉnh và huyện nhiệm kỳ 2011 – 2016
Khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII
ĐBQH Trần Thị Dung tiếp xúc cử tri tại xã Na Sang và Sa Lông, huyện Mường Chà
Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã tỉnh lần thứ 5 (khóa III)
Không có người sống sót trong vụ máy bay Algerie
Tạo đà để du lịch Điện Biên “cất cánh”
Quyết tâm xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Gặp mặt kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống BĐBP và 25 năm ngày Biên phòng toàn dân