Nghiên cứu - Trao đổi  

Các chính sách, nghị quyết do HĐND tỉnh Điện Biên ban hành có hiệu lực từ ngày 01/01/2025

Cập nhật ngày 26/12/2024 15:56:01 PM - Lượt xem: 104

Năm 2024, HĐND tỉnh Điện Biên tổ chức 04 kỳ họp (02 kỳ họp thường lệ, 02 kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất); ban hành 66 nghị quyết (22 nghị quyết quy phạm pháp luật, 44 nghị quyết cá biệt). Có 08 chính sách, nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.


Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND)

Đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên gồm: (1) Trẻ em dưới 16 tuổi thuộc một trong các trường hợp: mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS; cả cha và mẹ đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS; cha hoặc mẹ đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; (2) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng (người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi là vợ, chồng, con của người cao tuổi); (3) trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP đang sống tại xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không thuộc vùng đặc biệt khó khăn; đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội đang học nghề; học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất nếu quá 22 tuổi thì tiếp tục được hưởng các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội cho đến khi hoàn thành khoá học, nhưng không quá 25 tuổi.

Các đối tượng khó khăn khác được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định số 76/2024/NĐ-CP nhân với hệ số từ 1,0 đến 4,0. Ngoài ra, các đối tượng khó khăn khác được hỗ trợ chi phí mai táng bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội theo quy định.

Chính sách đối với khuyến nông viên cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Nghị quyết 14/2024/NQ-HĐND)

Mỗi xã, phường, thị trấn (đối với phường, thị trấn có hoạt động sản xuất nông nghiệp) bố trí 01 khuyến nông viên. Khuyến nông viên cấp xã phải có trình độ trung cấp trở lên, có một trong các chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Khuyến nông viên cấp xã được ký kết hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Khuyến nông viên cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng tương ứng với trình độ đào tạo: tốt nghiệp Đại học trở lên hưởng hệ số 2,34 so với mức lương cơ sở; tốt nghiệp Cao đẳng hưởng hệ số 2,10 so với mức lương cơ sở; tốt nghiệp Trung cấp hưởng hệ số 1,86 so với mức lương cơ sở. Khuyến nông viên cấp xã thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và hưởng các chế độ thanh toán khác theo quy định của pháp luật; được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thì được hưởng chế độ theo quy đinh của pháp luật.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ Mười sáu, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026

Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Điện Biên áp dụng từ ngày 01/01/2025

đến hết ngày 31/12/2025 (Nghị quyết 16/2024/NQ-HĐND)

Bảng giá đất của các huyện, thị xã, thành phố bao gồm 08 Phụ lục. Phụ lục I: Bảng giá đất ở đô thị. Phụ lục II: Bảng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ (bao gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản) tại đô thị. Phụ lục III: Bảng giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị. Phụ lục IV: Bảng giá đất ở tại nông thôn. Phụ lục V: Bảng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ (bao gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản) tại nông thôn. Phụ lục VI: Bảng giá đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn. Phụ lục VII: Bảng giá đất nông nghiệp. Phụ lục VIII: Bảng giá các loại đất khác.

Bảng giá đất được sử dụng để tính các nghĩa vụ tài chính về đất theo quy định; tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng.

Nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Nghị quyết 18/2024/NQ-HĐND)

Nguồn kinh phí do người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải nộp theo quy định thực hiện hỗ trợ sản xuất lúa theo diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất. Nguồn kinh phí do người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải nộp theo quy định phát sinh trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố nào thì thực hiện hỗ trợ cho huyện, thị xã, thành phố đó tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất. Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa cho các huyện, thị xã, thành phố bằng định mức trung ương hỗ trợ cho địa phương tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa.

Sử dụng tối thiểu 50% kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng đất trồng lúa: sử dụng giống lúa hợp pháp để sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; xây dựng mô hình trình diễn; hoạt động khuyến nông; tổ chức đào tạo, tập huấn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Sử dụng tối đa 30% kinh phí hỗ trợ để sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã. Phần kinh phí còn lại để thực hiện các hoạt động: cải tạo, nâng cao chất lượng đất trồng lúa; đánh giá tính chất lý, hóa học; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa theo định kỳ 05 năm/lần; hỗ trợ mua bản quyền sở hữu giống lúa được bảo hộ.

Thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Điện Biên (Nghị quyết số 19/2024/NQ-HĐND)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên có giá trị từ 05 tỷ đồng trở lên trên 01 dự án hoặc 01 kế hoạch thuê của cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành và tương đương quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên có giá trị dưới 05 tỷ đồng trên 01 dự án hoặc 01 kế hoạch thuê của cơ quan mình; quyết định việc đầu tư, mua sắm hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 05 tỷ đồng trên 01 dự án hoặc kế hoạch thuê cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 05 tỷ đồng trên 01 dự án hoặc 01 kế hoạch thuê cho cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc sở, ban, ngành và tương đương; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên có giá trị dưới 200 triệu đồng trên 01 dự án hoặc 01 kế hoạch thuê.

Kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Nghị quyết số 20/2024/NQ-HĐND)

Đối với giáo viên: hỗ trợ kinh phí để chi trả cho giáo viên với định mức 60.000đ/giáo viên/tiết dạy, thời lượng 72 tiết/lớp.

Đối với trẻ em: hỗ trợ kinh phí để mua sắm đồ dùng học tập gồm: 01 quyển vở tập tô, 01 bảng con, 03 bút chì, 02 hộp phấn, 01 hộp sáp màu, 01 tẩy.

Đối với lớp học: hỗ trợ kinh phí để mua sắm tài liệu cho mỗi lớp học gồm: 01 bộ tài liệu dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hỗ trợ kinh phí để mua sắm văn phòng phẩm dùng chung cho mỗi lớp học gồm: 01 gam giấy A4, 01 gam bìa màu, 10 hộp phấn.

Đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp thứ Mười bảy, HĐND tỉnh khoá XV

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Nghị quyết số 21/2024/NQ-HĐND)

Trường hợp cơ quan, đơn vị được giao kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhưng không có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, không đủ điều kiện tự tổ chức lớp phải cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác và trường hợp không đủ điều kiện hoặc không lựa chọn được đơn vị thực hiện dịch vụ: Thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày 31 tháng 01 năm 2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Căn cứ nguồn lực tài chính bố trí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức tại cơ quan, đơn vị; căn cứ nội dung chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Điều 4 Thông tư số 36/2018/TT-BTC, khoản 4 và khoản 5 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-BTC và mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức quy định tại Điều 3, Điều 4 Quy định này; thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập quyết định mức chi đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức phù hợp với quy định của pháp luật về cơ chế tài chính của đơn vị mình.

Những người được tuyển dụng theo số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao tại các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thì chỉ được hưởng các chế độ bồi dưỡng (không hưởng chế độ đào tạo), mức chi theo quy định từ nguồn khoán kinh phí của các cơ quan, đơn vị và đóng góp của cá nhân.

Mức hỗ trợ người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Nghị quyết 22/2024/NQ-HĐND)

Người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn được hưởng mức hỗ trợ là 600.000 đồng/tháng/người được giáo dục. Trường hợp thời gian người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ không đủ một tháng thì mức hỗ trợ được tính theo số ngày thực tế giúp đỡ nhân với 600.000 đồng chia cho tổng số ngày trong tháng đó.

Người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn được hưởng hỗ trợ trong thời gian thực hiện việc giúp đỡ theo thời hạn được quy định tại quyết định phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn./.

Bài, ảnh: Phạm Minh Thủy

Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

 

 


Tin liên quan
Du lịch Điện Biên năm 2024: tạo đà bứt phá
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên với cuộc vận động: HỌC SINH NÓI KHÔNG VỚI SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI KHI ĐẾN TRƯỜNG
Một số ghi nhận qua thẩm tra tình hình thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân trên địa bàn tỉnh
Tỉnh Điện Biên: giảm 07 cơ quan chuyên môn, 31 đơn vị sự nghiệp công lập
Thẩm tra tình hình thực hiện lĩnh vực văn hoá - xã hội năm 2024: Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra
Giảm 05 Bộ, 04 cơ quan thuộc Chính phủ
Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin: Dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị: Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động: TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP THỰC HIỆN HIỆU QUẢ VÀ BỀN VỮNG
Giấy phép lái xe có 12 điểm