Tin tức & sự kiện  

Chính sách đối với nhà giáo còn nhiều khó khăn, bất cập

Cập nhật ngày 10/04/2024 17:01:57 PM - Lượt xem: 256

Tiếp tục thực hiện chương trình khảo sát, chiều 10/4 Đoàn khảo sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo và trẻ em mẫu giáo tại Sở Giáo dục và Đào tạo.


Đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phát biểu chủ trì buổi làm việc

Theo đồng chí Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng gần 200 văn bản liên quan đến quản lý nhà nước về giáo dục, tuyển dụng, sử dụng, thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo được điều chỉnh bởi Luật Viên chức, ngoài ra còn là đối tượng áp dụng của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Công đoàn, Luật Người khuyết tật, Luật Thể dục, thể thao, Luật Thi đua, khen thưởng... nên việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn.

Vị trí, vai trò của nhà giáo trong các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước chưa đủ để nhà giáo thực sự thấy an tâm với nghề, yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp khác biệt so với các nghề khác để nhà giáo thể hiện được đúng vị thế, vai trò của mình. Chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo.

Quy mô học sinh không ngừng tăng trong khi giáo viên không được bổ sung kịp thời do thiếu biên chế và thiếu nguồn tuyển. Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung dẫn tới khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên theo định mức, theo chuyên môn đào tạo. Chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về tỉ lệ, cơ cấu viên chức theo hạng chức danh nghề nghiệp, làm căn cứ để xác định chỉ tiêu xây dựng Đề án thăng hạng và tổ chức thi/xét thăng hạng đối với nhà giáo.

Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Các quy định về tiêu chuẩn, chức danh nhà giáo chưa có sự thống nhất giữa các cấp học. Giảng viên giảng dạy trong trường Cao đẳng sư phạm chưa có quy định chuẩn nghề nghiệp. Chưa có quy định chuẩn hiệu trưởng của trường Cao đẳng sư phạm và hiệu trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngoài việc phải tham gia bồi dưỡng theo yêu cầu của viên chức (bồi dưỡng theo vị trí việc làm lãnh đạo quản lý, nghiệp vụ chuyên ngành, chuyên môn dùng chung) còn phải tham gia các chương trình bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, bồi dưỡng chính trị hằng năm. Đội ngũ nhà giáo khi tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoài việc phải tự sắp xếp đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn, còn phải tự đảm bảo các chi phí (đi lại, lưu trú, tài liệu, thiết bị học tập...).

Kiến nghị với Đoàn khảo sát, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần thiết phải xây dựng Luật Nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc, rõ ràng và toàn diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo. Luật Nhà giáo cần làm rõ vị trí, vai trò, vị thế của nhà giáo, giúp nhà giáo hiểu rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ; làm rõ hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, thể hiện được tính chuyên nghiệp khác biệt so với các nghề khác; xây dựng chính sách phù hợp để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Luật Nhà giáo cần đảm bảo thống nhất tiêu chuẩn chung của nhà giáo ở các cấp học về đạo đức nhà giáo, về thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương...; thống nhất giữa các tiêu chí, tiêu chuẩn trong quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm đảm bảo kết quả đánh giá, phân loại theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên tương xứng với chức danh nghề nghiệp giáo viên hiện giữ và làm cơ sở để thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Quy định cụ thể về tỉ lệ, cơ cấu viên chức theo hạng chức danh nghề nghiệp, làm căn cứ để xác định chỉ tiêu xây dựng Đề án thăng hạng và tổ chức thi/xét thăng hạng đối với nhà giáo.

Cần thống nhất, giảm tải các chương trình bồi dưỡng đối với nhà giáo; xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, làm căn cứ bảo vệ ngân sách và thực hiện chi trả chế độ cho nhà giáo khi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng.

Liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết tính đến tháng 3 năm 2024, toàn tỉnh có 168 trường mầm non đang hoạt động giáo dục, với 2.453 nhóm, lớp (nhà trẻ: 695 nhóm; mẫu giáo: 1758 lớp; riêng lớp mẫu giáo 5 tuổi là: 1.014 lớp). Tổng số điểm trường lẻ 808 điểm trường. Tổng số trẻ đi học tại các cơ sở giáo dục là 56.237 trẻ (nhà trẻ: 14.661 trẻ; mẫu giáo: 41.573 trẻ; riêng trẻ 5 tuổi: 14.193 trẻ). Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đi học đạt 46,07%; tỷ lệ trẻ mẫu giáo đi học đạt 99,8%; riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,93%. Toàn tỉnh hiện có 02 trường mầm non tư thục, 06 nhóm lớp độc lập với 23 nhóm, lớp (trong đó: 14 nhóm trẻ và 9 lớp mẫu giáo) và 360 (nhà trẻ: 221 trẻ, mẫu giáo: 139 trẻ) trẻ đang học tại các cơ sở GDMN này. 100% nhóm, lớp được tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục mầm non do Bộ GDĐT ban hành. Tỷ lệ nhóm, lớp tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại trường là 99,6%.

Tại buổi làm việc, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị với Đoàn Khảo sát 08 nội dung: (1) Bổ sung biên chế, đặc biệt là phân bổ nguồn bổ sung giáo viên theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị giai đoạn 2022-2026 cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong đó có tỉnh Điện Biên; (2) Có chương trình riêng đầu tư về cơ sở vật chất để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo vì hiện nay các đề án, chương trình của cấp học mầm non đều lồng ghép các nguồn vốn nên khó thực hiện; (3) Tăng mức hệ số lương của giáo viên mầm non bằng hệ số lương như các cấp học khác được quy định theo Thông tư số 01, 02, 03 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tương xứng với đặc thù của cấp học; (4) Sửa đổi Thông tư 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ tài chính theo hướng cho phép các đơn vị thuộc ngành Giáo dục sử dụng ngân sách trích từ chi thường xuyên để xây dựng, cải tạo, nâng cấp phòng học, phòng chức năng đáp ứng yêu cầu thực tế trong giáo dục mầm non và đảm bảo theo quy chuẩn; (5) Sửa đổi Thông tư 13/ 2020/TT-BGDĐT Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non để thuận lợi hơn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; (6) Sửa đổi Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non để bổ sung quy định về thời gian làm việc, chế độ giảm giờ dạy đối với giáo viên làm công tác kiêm nhiệm nhân viên thư viện, thủ quỹ, văn thư trong trường mầm non; (7) Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn về thủ tục chuyển đổi nhóm trẻ độc lập thành lớp mầm non độc lập khi quy mô của nhóm trẻ phát triển; (8) Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của tỉnh đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới.

Đoàn khảo sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội thăm cô và trò Trường Mầm non 7.5, TP. Điện Biên Phủ

Ngoài ra, đề nghị Đoàn khảo sát có ý kiến với cấp có thẩm quyền xem xét có chính sách miễn học phí đối với trẻ ở các độ tuổi thực hiện phổ cập; nâng mức hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo (hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng là quá thấp) và có chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ để nâng cao số lượng và chất lượng trẻ làm tiền đề cho việc đảm bảo chất lượng giáo dục trẻ mẫu giáo ở vùng dân tộc thiểu số; có chính sách hỗ trợ tiền đi lại cho giáo viên dạy ở các điểm trường lẻ (do giao thông đi lại khó khăn, điểm trường lẻ cách xa điểm trường trung tâm, giáo viên phải đi lại nhiều lần trong tháng trong khi mức lương còn thấp nên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống); có chính sách hỗ trợ giáo viên ở điểm trường trung tâm dạy lớp ghép và tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số; có chính sách hỗ trợ trực trưa cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn dạy 2 buổi/ngày; nâng mức hỗ trợ cho giáo viên dạy lớp ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ ở điểm trường lẻ lên bằng 40% mức lương cơ sở; hỗ trợ cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác phổ cập giáo dục; có cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non người dân tộc thiểu số, giáo viên mầm non ngoài công lập được hưởng đầy đủ chế độ cho giáo viên mầm non theo quy định hiện hành; nâng mức hỗ trợ cho nhân viên nấu ăn tại các vùng đặc biệt khó khăn, trường có nhiều điểm trường lẻ

Đoàn khảo sát ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo để đưa vào báo cáo khảo sát và nghiên cứu, tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng các chính sách liên quan trong thời gian tới./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 

 


Tin liên quan
Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khảo sát tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
Giám sát việc thực hiện giao đất giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường
Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khảo sát tại huyện Điện Biên
Đoàn giám sát làm việc với Công an tỉnh, Sở GTVT và thường trực Ban ATGT tỉnh
Mường Ảng gặp mặt, đối thoại với Bí thư chi bộ, Trưởng bản, Tổ trưởng tổ dân phố năm 2024
Giám sát việc giao đất, giao rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng tại huyện Điện Biên Đông
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 tại Thị xã Mường Lay
Tổ công tác số 1, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề trên địa bàn huyện Mường Nhé
Giám sát việc thực hiện giao đất, giao rừng, chi trả dịch vụ Môi trường tại Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé
Khai mạc Lễ hội Thành Bản Phủ năm 2024