Tin tức & sự kiện  

5 nhóm chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ

Cập nhật ngày 28/10/2023 08:14:34 AM - Lượt xem: 196

Tiếp theo Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 27/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.


Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Dự thảo Nghị quyết gồm 10 Điều với nội dung chính gồm 05 nhóm chính sách, trong mỗi chính sách sẽ có danh mục thí điểm kèm theo. Chính sách 1 về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP (Điều 4): Đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.Chính sách số 2 về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương (Điều 5): Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nếu có) làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình. Chính sách số 3 về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương (Điều 6):Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án. Chính sách 4 về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Điều 7): Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ. Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan về thuế, phí, pháp luật về bảo vệ môi trường. Chính sách số 5 về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2022.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa quan điểm của Đảng trong triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn của 4 luật liên quan: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Khoáng sản, Luật Ngân sách nhà nước, qua đó góp phần khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển. Với sự đồng hành từ trung ương đến địa phương, đẩy mạnh phân cấp, trao quyền chủ động cho địa phương sẽ góp phần sớm hoàn thành các dự án đầu tư công trình giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) còn băn khoăn về năng lực triển khai của địa phương khi giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án trong chính sách 2, 3. Đại biểu đề nghị cần thẩm định, đánh giá năng lực của địa phương; tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Giao thông vận tải. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị bổ sung tiêu chí để lựa chọn một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương.

Quang cảnh thảo luận tại tổ 8, chiều ngày 27/10

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (thành phố Cần Thơ) nêu vấn đề: việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án có giải quyết được vấn đề thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia dự án giao thông đường bộ. Các dự án đường quốc lộ, đường cao tốc giao cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản sau khi hoàn thành sẽ được quản lý như thế nào, nếu giao Bộ Giao thông vận tải có phù hợp không. Việc tăng tỷ lệ vốn đầu tư nhà nước không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án chưa đề cập đến chi bồi thường giải phóng mặt bằng như Nghị quyết số 98/2023/QH15 đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu thảo luận tại tổ 8, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Điện Biên), Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải làm rõ: việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án sẽ tạo sức hút tốt hơn cho các dự án PPP. Các dự án áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết đã có trong danh mục dự án đầu tư hợp tác công tư PPP, với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng không lên đến 50% tổng mức đầu tư của dự án. Việc bảo trì, bảo dưỡng đường cao tốc đòi hỏi nguồn lực lớn, một số địa phương sẽ không đủ nguồn lực để thực hiện. Nếu thực hiện thu phí sẽ thực hiện chia sẻ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng quy chuẩn đường cao tốc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, bảo trì, bảo dưỡng đường cao tốc./.

Tin, ảnh: Cát Tường

 


Tin liên quan
Hội nghị tập huấn: Hướng dẫn triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025
Đại hội công đoàn tỉnh Điện Biên lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 – 2028
Huyện Mường Ảng tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020 - 2023; Sơ kết quản lý chăm sóc cây xanh, vườn hoa đô thị
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức chương trình “Đêm hội trăng rằm” vui Tết Trung thu năm 2023
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh
Tỉnh Điện Biên tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2023
Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kiểm toán và công bố Quyết định kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Điện Biên
Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Sở Tư pháp về việc thực hiện các quy định pháp luật về cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số
Giám sát cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ
Thường trực HĐND tỉnh giám sát công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số trên địa bàn thị xã Mường Lay