Nghiên cứu - Trao đổi  

Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp thực hiện giám sát chuyên đề

Cập nhật ngày 16/06/2023 10:57:07 AM - Lượt xem: 256

Cơ sở pháp lý Giám sát là một trong những chức năng của cơ quan dân cử được pháp luật quy định, tổ chức thực hiện giám sát là một hoạt động rất quan trọng nhằm theo dõi, xem xét, đánh giá các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thông qua hoạt động giám sát chủ thể giám sát xử lý những vấn đề phát sinh trên thực tiễn theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên khảo sát thực địa diện tích trồng mắc ca do Hợp tác xã Mắc ca Hội Cựu chiến binh huyện Mường Ảng liên kết với nhà đầu tư tại xã Búng Lao. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân là 02 trong 11 chủ thể giám sát được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Theo đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát thông qua: Giám sát chuyên đề việc thi hành pháp luật ở địa phương; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; cử đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tại địa phương khi có yêu cầu.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thông qua các hoạt động: Giám sát chuyên đề; xem xét quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 5 của Luật này trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân; tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng quy định: “Căn cứ vào chương trình giám sát của mình hoặc theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phân công, Đoàn đại biểu Quốc hội quyết định thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc thi hành pháp luật ở địa phương”; “Thường trực Hội đồng nhân dân giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân
cùng cấp…”.

Tại Thông báo Kết luận Hội nghị triển khai chương trình giám sát năm 2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các Đoàn đại biểu Quốc hội bám sát yêu cầu của Kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề, chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc giám sát các chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Trong một số kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề như: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”...

Sẽ tránh được tình trạng trùng nội dung chủ đề giám sát trên địa bàn

Xuất phát từ sự tương đồng về tổ chức giám sát chuyên đề việc thi hành pháp luật ở địa phương trong hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; kế thừa và phát huy truyền thống từ các nhiệm kỳ trước, Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ này tiếp tục tổ chức thực hiện hoạt động phối hợp giám sát trên địa bàn tỉnh. Tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV tới nay, Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên đã phối hợp giám sát 07 chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể:

Giám sát theo yêu cầu của Quốc hội 03 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế  cơ sở, y tế dự phòng” trên địa bàn tỉnh.

Giám sát theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 04 chuyên đề: “Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” trên địa bàn tỉnh.

Qua giám sát đã đánh giá đúng kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, đồng thời xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, địa phương để đưa ra kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết vướng mắc, bất cập, hạn chế đối với những nội dung được giám sát. Sau giám sát đã gửi đến các cơ quan có thẩm quyền 88 kiến nghị, trong đó 78 kiến nghị gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; 10 kiến nghị gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đề nghị xem xét, giải quyết.

Công tác phối hợp giám sát giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thời gian qua không có tình trạng trùng nội dung chủ đề trong hoạt động giám sát trên địa bàn. Căn cứ vào Chương trình giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh dự kiến chương trình giám sát chuyên đề hằng năm của Hội đồng nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân quyết định, đồng thời Thường trực Hội đồng nhân dân chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh để lựa chọn nội dung giám sát, xác định đối tượng chịu sự giám sát, thời gian, địa điểm giám sát phù hợp, không trùng lặp về nội dung giám sát với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các đơn vị không phải tiếp nhiều đoàn vào nhiều thời điểm, giành được nhiều thời gian để các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát

Chuyên đề giám sát theo yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường có phạm vi rất rộng, đối tượng chịu sự giám sát là tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh. Trong nhiệm kỳ này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có 06 đại biểu, trong đó 02 đại biểu công tác tại địa phương, 04 đại biểu công tác tại các cơ quan Trung ương, các đại biểu cũng đã cân đối thời gian tham gia các hoạt động giám sát của đoàn, đã chủ động nghiên cứu các nội dung chủ đề giám sát. Tuy nhiên để có sự nhìn nhận toàn diện nội dung chủ đề giám sát, nắm bắt tình hình và giám sát quá trình triển khai các nội dung tại địa phương Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn phối hợp tốt với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc mời đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia là thành viên đoàn giám sát cùng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Căn cứ vào nội dung giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cử đại diện là Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực liên quan tham gia Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Ví dụ, chuyên đề giám sát về giáo dục - đào tạo và y tế, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cử đại diện là Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội; chuyên đề giám sát về quy hoạch, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh là Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách... Có những chuyên đề giám sát, cả đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân và lãnh đạo Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh cùng tham gia Đoàn giám sát.

Các thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân tham gia cùng đoàn giám sát đã phát huy rất tốt vai trò “chuyên gia tham vấn giám sát” cho Đoàn giám sát vì thường xuyên cập nhật các thông tin từ thực tế thông qua hoạt động thẩm tra, xem xét báo cáo do Ủy ban nhân dân trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, thông qua hoạt động khảo sát và giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tham gia hoạt động của các Tổ đại biểu… Trong quá trình giám sát, thành viên Đoàn giám sát là đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh luôn phát huy tinh thần trách nhiệm cao, có nhiều đóng góp thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

 Mặt khác qua hoạt động phối hợp giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân cũng sẽ nắm được những kết quả và tồn tại hạn chế trong việc tổ chức thực hiện các nội dung chính sách liên quan đến chủ đề giám sát, những vấn đề phát sinh cần xử lý và những kiến nghị sau giám sát mà Đoàn giám sát đề nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền của địa phương giải quyết sẽ được Thường trực Hội đồng nhân dân tiếp tục theo dõi giám sát các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh.

Công tác phối hợp giám sát cũng giúp Thường trực Hội đồng nhân dân đánh giá việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan đến các chuyên đề giám sát. Ví dụ, qua giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế  cơ sở, y tế dự phòng”, đánh giá được việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên và nghị quyết về quy định mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Hay qua giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, đánh giá được việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về dự toán ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh. Đây chính là một trong những cơ sở để Thường trực Hội đồng nhân dân phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách cho phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân nói chung, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh nói riêng.

Kết quả phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề trên địa bàn cho thấy quá trình thực hiện sẽ tránh được tình trạng trùng nội dung chủ đề giám sát; nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của cả Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong thời gian tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân trong việc phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát trên địa bàn./.

Lò Thị Luyến Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh

 

 


Tin liên quan
Chú trọng, nâng cao chất lượng công tác giám sát chuyên đề
Phát huy vai trò của HĐND tỉnh trong xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên
Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động góp phần nâng cao vị thế cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 2004 đến nay (HĐND tỉnh khóa XII - XV)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1986 - 2004 (HĐND tỉnh khóa VIII- XI)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1975 – 1986 (HĐND tỉnh khóa V, VI, VII)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1963 – 1975 (HĐND tỉnh khóa I-IV)
Cần có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia
Xuống với dân bằng cái tâm sáng
Làm thế nào để các Ban làm tốt nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân