Nghiên cứu - Trao đổi  

Chú trọng, nâng cao chất lượng công tác giám sát chuyên đề

Cập nhật ngày 16/06/2023 10:51:34 AM - Lượt xem: 256

Ngày 27/10/1962, Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ Năm, quyết định tái lập tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Lai Châu, Điện Biên). Sau khi tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời, ngày 09/6/1963, tỉnh Lai Châu đã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa I. Đến nay, HĐND tỉnh Điện Biên đã trải qua 60 năm với 15 khóa. Trong giai đoạn đầu từ 1963 - 1989 (HĐND tỉnh khóa I - khóa VIII), HĐND tỉnh tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính các cấp năm 1962, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1983, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1989. HĐND tỉnh chưa có Thường trực HĐND. Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính các cấp năm 1962 quy định cho phép HĐND có thể thành lập các Ban, tuy nhiên, HĐND cấp tỉnh có bao nhiêu Ban, gồm những Ban gì thì chưa được quy định. Đến HĐND tỉnh khóa VI thành lập 03 Ban, HĐND tỉnh khóa VII có 05 Ban, khóa VIII có 06 Ban. Về chức năng, nhiệm vụ HĐND tỉnh chủ yếu thực hiện chức năng quyết định. Nhiệm vụ giám sát của HĐND tỉnh chưa làm được nhiều, quan hệ giám sát giữa HĐND tỉnh với Ủy ban hành chính tỉnh chưa được thực hiện; việc giám sát của HĐND tỉnh đối với việc thực hiện nghị quyết, pháp luật ở các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể quần chúng còn hạn chế. Trải qua 08 nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã từng bước quan tâm đến công tác giám sát, đặc biệt là giám sát chuyên đề.


Đồng chí Lò Văn Phương, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát  phát biểu tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Ảnh: TC

Quan tâm, chú trọng giám sát chuyên đề trong giai đoạn 1989 - 2016 (HĐND tỉnh khóa IX - khóa XIII)

Thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1989, HĐND tỉnh khóa IX đã bầu Thường trực HĐND tỉnh khóa IX gồm Chủ tịch HĐND tỉnh, 01 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, 04 Ủy viên thư ký. Hoạt động của HĐND tỉnh khóa IX đã có bước tiến bộ rõ nét. Các Ban HĐND tỉnh đã thực hiện các giám sát chuyên đề. Ban Kinh tế - Kế hoạch, Ban Văn hóa - Xã hội đã bước đầu thực hiện nhiệm vụ thẩm định các báo cáo của UBND tỉnh. Ban Văn hóa - Xã hội tổ chức khảo sát thực tế và tham gia chuẩn bị các chuyên đề như: chuyên đề về dân số - kế hoạch gia đình. Ban Pháp chế cùng với Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện pháp luật. Ban Dân tộc phối hợp giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND và UBND về chống tệ nạn thuốc phiện. Tuy nhiên, công tác giám sát theo chuyên đề còn ít.

HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh khóa XI đã quan tâm thực hiện tốt công tác giám sát. Trong nhiệm kỳ đã tổ chức được 32 đợt giám sát chuyên đề, nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề búc xúc được cử tri quan tâm như: tình hình thực hiện Chương trình 135 và chế độ cử tuyển tại 6/10 huyện, thị xã, 15 xã được hưởng Chương trình 135; tình hình thực hiện kế hoạch, chính sách tại Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và nông thôn, Sở Tài chính vật giá, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Kiểm lâm; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức tái định cư cho nhân dân vùng lòng hồ sông Đà với 9 đợt tại các huyện; chương trình khai hoang ruộng bậc thang, Chương trình 500 bản, chương trình kiên cố hóa trường, lớp học,…

HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh khóa XII (2004 - 2011) đã tổ chức 65 đợt giám sát chuyên đề trên địa bàn 9/9 huyện, thị xã, thành phố, 14 sở, ban, ngành tỉnh và nhiều đơn vị sự nghiệp. Thông qua hoạt động giám sát đã kiến nghị nhiều vấn đề cụ thể để cơ quan nhà nước các cấp xử lý kịp thời những tồn tại, vướng mắc, điều chỉnh bất cập trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh khóa XIII (2011 - 2016) đã có nhiều cải tiến, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước khắc phục được tính hình thức trong giám sát. Trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức hơn 40  cuộc giám sát chuyên đề. Nội dung giám sát tập trung việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND và những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát chuyên đề trong giai đoạn 2016 đến nay (HĐND tỉnh khóa XIV, XV)

Hệ thống văn bản về hoạt động giám sát của HĐND gồm: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016), Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15, ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân được ban hành đã góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giám sát của HĐND, trong đó có giám sát chuyên đề.

Khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021), HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức 40 cuộc giám sát chuyên đề. Nội dung các cuộc giám sát tập trung vào giám sát thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND cùng cấp và những vấn đề bức xúc của cử tri, giám sát các hoạt động của cơ quan tư pháp... Các cuộc giám sát đều đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật, qua giám sát đã khẳng định những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế, trên cơ sở đã kiến nghị 169 vấn đề với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành trung ương và các ngành chức năng để xem xét, giải quyết, tỷ lệ giải quyết cơ bản các kiến nghị sau giám sát đạt trên 95% đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XV đã tổ chức giám sát 14 chuyên đề; qua giám sát đã kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành trung ương, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét, giải quyết trên 150 kiến nghị. Nội dung giám sát được lựa chọn từ những vấn đề trọng tâm, nổi cộm được dư luận và cử tri quan tâm như: việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XIV về Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn Ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đối ứng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; việc thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-HĐND, ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh thông qua Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; việc quản lý và sử dụng đất của tổ chức (Doanh nghiệp, Hợp tác xã) trên địa bàn tỉnh từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến 31/12/2021; việc thực hiện Quyết định 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”; việc thực hiện pháp luật trong công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2019 – 2021,...

Hoạt động giám sát được đổi mới về phương thức; kiến nghị sau giám sát cụ thể rõ ràng, rõ việc, rõ trách nhiệm; việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan hữu quan giải quyết các kiến nghị sau giám sát được HĐND và các cơ quan của HĐND tỉnh quan tâm đã góp phần nâng cao trách nhiệm, năng lực điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước. Công tác phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ giám sát được đảm bảo theo quy định. Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh được quan tâm thực hiện. Thường trực HĐND đã giao các Ban HĐND tỉnh phối hợp với các Tổ đại biểu HĐND tỉnh giám sát tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022. Một số Tổ đại biểu đã tổ chức giám sát vấn đề búc xúc, được dư luận và cử tri quan tâm như Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Mường Ảng đã giám sát nội dung phản ánh của Báo Điện Biên Phủ: Đừng để Hợp tác xã mắc ca “tự bơi”,… Các quy định mới về hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân theo Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15, ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Thường trực HĐND tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả.

Chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh được nâng lên rõ nét, ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao, chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của  HĐND tỉnh trong xây dựng và phát triển địa phương./.

Giàng Thị Hoa - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

 

 

 


Tin liên quan
Phát huy vai trò của HĐND tỉnh trong xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên
Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động góp phần nâng cao vị thế cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 2004 đến nay (HĐND tỉnh khóa XII - XV)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1986 - 2004 (HĐND tỉnh khóa VIII- XI)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1975 – 1986 (HĐND tỉnh khóa V, VI, VII)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1963 – 1975 (HĐND tỉnh khóa I-IV)
Cần có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia
Xuống với dân bằng cái tâm sáng
Làm thế nào để các Ban làm tốt nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân
Một số chuyển biến về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh qua các giai đoạn trên địa bàn tỉnh Điện Biên