Nghiên cứu - Trao đổi  

HĐND tỉnh Điện Biên với việc tổ chức hoạt động giám sát và ban hành nghị quyết triển khai thực hiện chủ trương, đường lối và chiến lược quy hoạch phát triển KT- XH, bảo đảm QP- AN gắn với vùng, liên vùng

Cập nhật ngày 16/06/2023 11:21:51 AM - Lượt xem: 256

Phát triển vùng là một chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình phát triển đất nước nhằm khai thác, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của các vùng và các địa phương trong cả nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Phát huy tốt nhất lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội dung và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới... ”. Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng với vùng đồng bằng Sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước”.


Các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công gói thầu số 19 thuộc Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên. Ảnh: internet

Trên cơ sở thể chế các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về phát triển vùng. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên luôn xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho việc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh chính là giải pháp phát triển kinh tế vùng, liên vùng. Với vị trí chiến lược an ninh, quốc phòng của cả khu vực Tây Bắc; là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với hai quốc gia Trung Quốc và Lào. Trên tuyến biên giới Việt - Lào có 2 cửa khẩu đã được mở là cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc, cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Trên tuyến biên giới Việt - Trung sẽ mở cặp cửa khẩu A Pa Chải - Long Phú thành cửa khẩu quốc gia; là đầu mối giao lưu của vùng Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc; có đường hàng không từ Điện Biên Phủ đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi để đẩy mạnh thương mại quốc tế, phát triển kinh tế, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh và phát triển nông lâm nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với vùng và liên vùng. Tỉnh Điện Biên đã chú trọng đẩy mạnh xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên; ứng dụng khoa học công nghệ tăng cường liên kết vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là tăng diện tích các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; chăn nuôi gia súc gắn với công nghiệp chế biến, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp vật liệu xây dựng và chú trọng du lịch sinh thái và đã đạt được nhiều kết quả. Đối với cơ quan dân cử, với vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thực hiện chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 2021 - 2026, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh đã chủ động các hoạt động giám sát và ban hành nghị quyết để triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh gắn với vùng, liên vùng và đạt được một số kết quả quan trọng đó là:

Đối với hoạt động giám sát về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân chủ yếu thực hiện thông qua 2 hình thức: Giám sát thông qua hoạt động thẩm tra các Báo cáo, dự thảo nghị quyết về kinh tế - xã hội, trình tại các kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân tỉnh và hoạt động giám sát chuyên đề. Đối với giám sát của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết về kinh tế - xã hội. Ngay sau khi ban hành thông báo nội dung, chương trình, thời gian các kỳ họp thường lệ trong năm. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản phân công các Ban Hội đồng nhân dân, trong đó đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh gửi sớm các báo cáo, dự thảo nghị quyết về kinh tế - xã hội để các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh có thời gian tổ chức khảo sát phục vụ hoạt động thẩm tra, trên cơ sở đó, tại các báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển vùng, liên vùng...

Trong hoạt động giám sát chuyên đề, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh đã lựa chọn các chuyên đề về kinh tế - xã hội để tổ chức giám sát Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và hằng năm. Trong nhiệm kỳ  2016 - 2021 và 2021 - 2026, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức giám sát 15 chuyên đề về kết quả thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư công; cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; việc thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)...; các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức giám sát 10 chuyên đề trong thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân về kinh tế - xã hội, đầu tư công; cải cách thủ tục hành chính, chính sách an sinh xã hội. Qua hoạt động giám sát chuyên đề cho thấy. Về cơ bản công tác điều hành chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh đã bám sát các chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành về triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các nhóm giải pháp được đưa ra tại nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm đều gắn với vùng, liên vùng, trong đó đưa ra giải pháp thực hiện quyết liệt, đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh, chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng,  nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực thu hút mạnh nguồn lực cho đầu tư phát triển, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo chất lượng. Trên cơ sở kết quả giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh đã kiến nghị nhiều giải pháp đối với Ủy ban nhân dân tỉnh trong hoạt động chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tạo cơ sở để Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu triển khai.

Về hoạt động ban hành các nghị quyết

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công 10 kỳ họp (trong đó 04 kỳ họp thường lệ, 06 kỳ họp chuyên đề), thông qua 175 nghị quyết (trong đó 14 Nghị quyết về công tác cán bộ, 161  Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội). Nội dung các nghị quyết tập trung chủ yếu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị gia tăng, tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các vùng kinh tế, quy định về mức hỗ trợ, các chính sách trong lĩnh vực đất đai, các chương trình mục tiêu quốc gia; lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa xã hội... Đặc biệt, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất phê duyệt chủ trương giải phóng mặt bằng để xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với tổng vốn đầu tư 1.467,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, xin chủ trương giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 (thành phố Điện Biên Phủ - Nút giao Km15+800/QL279) theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BTL trong giai đoạn 2022 - 2030 nhằm tháo “nút thắt“ về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối liên vùng; đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối với các trung tâm kinh tế, chính trị cả nước, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh Điện Biên.

Việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã góp phần đạt được kết quả kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó năm 2022, kinh tế tỉnh Điện Biên có tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 10,19%. Cơ cấu các ngành: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 16,93%; công nghiệp - xây dựng 21,25%; dịch vụ 57,41%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 4,41%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 39,68 triệu đồng/người/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 17.547,62 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 1.559 tỷ đồng; tổng số xã nông thôn mới đến cuối năm 2022 đạt 52 xã, chiếm 45,21% tổng số xã trên địa bàn tỉnh... Phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, thể thao và bảo vệ môi trường được chú trọng; công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt, đời sống nhân dân các dân tộc từng bước được nâng lên; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát và ban hành nghị quyết triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh gắn với phát triển vùng của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn đó là:

Việc tổ chức giám sát chuyên đề về kinh tế - xã hội, công tác quy hoạch, đầu tư công, đất đai còn hạn chế, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành để thúc đẩy phát triển vùng còn ít, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tế, chủ yếu mang tính hỗ trợ, chưa chú trọng kích thích phát triển. Quy hoạch thiếu sự liên kết, đồng bộ, thống nhất, chưa gắn với chủ trương phát triển liên vùng. Cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, dàn trải, hiệu quả sử dụng chưa cao, tỉnh chưa cân đối được ngân sách; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu; quy mô kinh tế còn nhỏ; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; cơ cấu nội ngành và giữa các ngành kinh tế chuyển dịch còn chậm; năng lực quản lý của bộ máy quản lý nhà nước ở một số nơi còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa thực sự triệt để; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn...

Từ thực tiễn thông qua hoạt động giám sát và ban hành nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xin đề xuất, kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Một là, nghiên cứu đề xuất với Trung ương phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương theo hướng tăng thẩm quyền quyết định các chính sách trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, đất đai, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện đặc thù của mỗi vùng, liên vùng. 

Hai là, Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng cần tập trung đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, các Trung tâm kinh tế chính trị lớn của cả nước, các trục giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, mở các tuyến đường bay đến các Trung tâm lớn của cả nước, việc đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên sẽ tác động đến liên kết - phát triển vùng, tác động đến liên kết phát triển tiểu vùng quốc tế như kết nối bằng đường hàng không với cố đô Luông Pha Băng của Lào, Côn Minh (Trung Quốc), Chiềng Mai (Thái Lan), để phát triển thương mại và dịch vụ du lịch, từng bước thực hiện mục tiêu đưa Điện Biên trở thành Trung tâm của khu vực Tây Bắc, trở thành cửa ngõ giao thương của Việt Nam với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng theo định hướng hợp tác phát triển của Chính phủ và các nước Asian đã thống nhất.

 

Ba là, đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của liên kết vùng; xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; tập trung khai thác thế mạnh của địa phương để cùng bổ trợ cho các địa phương trong vùng; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư; tiếp tục kiến nghị với Trung ương có chính sách phù hợp, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư; khai thác lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng; thực hiện tốt công tác bảo tồn sinh thái, giữ gìn văn hóa, đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới, hướng tới sự phát triển bền vững cho cả vùng.

Bốn là, đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi; trong đó ưu tiên cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng; hạ tầng lưới điện quốc gia; các công trình dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục bố trí nguồn lực sớm hoàn thành việc sắp xếp lại dân cư, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao lũ ống, lũ quyét và sạt lở đất nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai tới đời sống của nhân dân./.

Mùa Thanh Sơn, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh

 

 

 


Tin liên quan
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp thực hiện giám sát chuyên đề
Chú trọng, nâng cao chất lượng công tác giám sát chuyên đề
Phát huy vai trò của HĐND tỉnh trong xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên
Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động góp phần nâng cao vị thế cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 2004 đến nay (HĐND tỉnh khóa XII - XV)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1986 - 2004 (HĐND tỉnh khóa VIII- XI)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1975 – 1986 (HĐND tỉnh khóa V, VI, VII)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN giai đoạn 1963 – 1975 (HĐND tỉnh khóa I-IV)
Cần có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia