Nghiên cứu - Trao đổi  

Đảng đoàn HĐND lãnh đạo hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh

Cập nhật ngày 21/04/2022 09:47:46 AM - Lượt xem: 256

Giám sát là chức năng cơ bản, quan trọng của HĐND, đây là hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước, thông qua giám sát nhằm đảm bảo các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của HĐND; đồng thời, qua giám sát cũng chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, trong quá trình triển khai thực hiện, xác định rõ nguyên nhân, để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khắc phục những hạn chế, hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.


Với chức năng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND thực hiện đúng Cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong thời gian qua, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã lãnh đạo HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh tổ chức, thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật nói chung và trong hoạt động giám sát nói riêng, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Kết quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Để đạt được những kết quả đó, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp, tổ chức các hoạt động giám sát một cách thiết thực, hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh, cụ thể như sau:

Trong năm 2021, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã lãnh đạo HĐND tỉnh thực hiện  giám sát 02 chuyên đề; lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động giám sát giữa các Ban của HĐND tỉnh, trong đó đã phân công các Ban HĐND tỉnh tổ chức 04 cuộc giám sát chuyên đề và nhiều cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên, nổi bật là:

HĐND tỉnh giám sát “Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020”; “Việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XIV về Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đối ứng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”; qua giám sát, HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được và chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, phân tích rõ nguyên nhân; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao trách nhiệm của UBND tỉnh, các cơ quan, tổ chức hữu quan, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao chất lượng công tác xây dựng nông thôn mới, lập kế hoạch đầu tư công hàng năm; tăng cường kiểm tra, quản lý dự án đầu tư công, quản lý chất lượng xây dựng cơ bản, quyết toán dự án hoàn thành; ưu tiên bố trí đủ vốn cho những công trình, dự án đã hoàn thành còn thiếu vốn, các dự án hoàn thành trong giai đoạn, để nhanh chóng đưa các công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư… trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành 02 Nghị quyết về kết quả giám sát.

Lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh giám sát 04 chuyên đề, cụ thể: Ban  Kinh tế - Ngân sách giám sát “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; tình hình nợ đọng thuế đến 31/8/2021 trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Ban Văn hóa - Xã hội giám sát việc triển khai thực hiện Quy định mức hỗ trợ và các khoản đóng góp đối với người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm 2020 - 2021; Ban Pháp chế giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh; Ban Dân tộc giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ngoài các cuộc giám sát chuyên đề nêu trên, Đảng đoàn đã lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban HĐND tỉnh giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các kiến nghị sau giám sát; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi, giám sát, khảo sát nắm tình hình việc ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đối với UBND tỉnh và HĐND cấp huyện; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH, thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và một số chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ; lãnh đạo Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh tổ chức khảo sát, nắm tình các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh, các nội dung phục vụ cho công tác thẩm tra, xem xét, quyết định tại kỳ họp của HĐND tỉnh…

Đạt được kết quả nêu trên, Đảng đoàn HĐND tỉnh rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp trong công tác lãnh đạo hoạt động giám sát của HĐND, đó là:

Thứ nhất: Xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hợp lý

Đây là khâu quan trọng của quy trình giám sát, trong đó, việc lựa chọn nội dung, chuyên đề giám sát là khâu then chốt, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Do đó, Đảng đoàn đã lãnh đạo xây dựng chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, các chương trình, dự án có tác động, ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến đời sống của người dân và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; những vấn đề bức xúc, nổi cộm được Nhân dân và đại biểu HĐND quan tâm. Trong quá trình xây dựng chương trình giám sát hằng năm, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh chủ động phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cung cấp thông tin cho Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy để thống nhất các chuyên đề giám sát, tránh trùng lặp, chống chéo giữa hoạt động giám sát của HĐND với công tác kiểm tra của Đảng. Để tổ chức giám sát hiệu quả Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã xây dựng kế hoạch giám sát, đề cương báo cáo giám sát cụ thể, chi tiết, trong đó xác định rõ nội dung, đối tượng, phạm vi, hình thức giám sát, thời gian tiến hành các hoạt động giám sát; yêu cầu thời hạn báo cáo kết quả giám sát về Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh để xem xét, tổng hợp, tổ chức giám sát và báo cáo HĐND tỉnh kết quả giám sát theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: Đổi mới phương pháp tiến hành giám sát

Đảng đoàn đã lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh tích cực đổi mới phương pháp giám sát theo hướng thực chất và hiệu quả; tổ chức Đoàn giám sát tinh gọn, chất lượng, chia thành các tổ, nhóm để tiến hành giám sát, vừa đảm bảo giám sát được phạm vi rộng hơn lại tránh gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu sự giám sát; việc tổ chức giám sát được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như giám sát thông qua báo cáo, giám sát trực tiếp tại cơ sở, tổ chức đi khảo sát thực tế, gặp gỡ nắm thông tin từ người dân trên địa bàn, các đối tượng được thụ hưởng chính sách, tổ chức các buổi làm việc để làm rõ vấn đề...; phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh và HĐND cấp huyện trong quá trình tổ chức các hoạt động giám sát tại địa phương. Qua đó, giúp cho việc đánh giá nội dung giám sát được toàn diện hơn, đầy đủ hơn, được nhìn nhận ở nhiều phương diện hơn, đánh giá, xác định rõ hơn trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó đề xuất các giải pháp để giải quyết trong thời gian tới sát hơn và hiệu quả hơn.  

Thứ ba: Theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát

Xác định đây là nội dung quan trọng, quyết định đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát. Đảng đoàn HĐND tỉnh đã lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Ban HĐND tỉnh theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh; phân công các Ban HĐND tỉnh tăng cường theo dõi nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết về kết quả giám sát của HĐND tỉnh, theo đến cùng việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát để thông tin kịp thời đến cử tri và Nhân dân; đồng thời xem xét thực hiện tái giám sát (khi cần thiết), hoặc làm cơ sở để đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND, yêu cầu giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND nếu đối tượng chịu sự giám sát chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa hoàn thành, chưa đảm bảo theo tiến độ, thời gian đã cam kết, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát.

Thứ Nâng cao năng lực hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh và bộ máy tham mưu giúp việc cho HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND

Năm 2021 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ hoạt động của HĐND tỉnh khóa XIV và khóa XV. Đảng đoàn HĐND tỉnh đã lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026; trong đó, tập trung bồi dưỡng cho đại biểu, nhất là những đại biểu mới tham gia lần đầu những kiến thức, kỹ năng cơ bản để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật.

Đảng đoàn HĐND đã lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất trình xin chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trình HĐND tỉnh quyết nghị thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh theo Nghị quyết số 1004/2020/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đây là mô hình được đánh giá là phù hợp, thống nhất trong công tác tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh; lãnh đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ tham mưu, giúp việc theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; kết hơn giữa việc phân công, phân nhiệm cụ thể, nhưng có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh nói chung và hoạt động giám sát nói riêng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh vẫn còn một số hạn chế bất cập: Các cuộc giám sát chủ yếu do Thường trực HĐND, các Ban HĐND tổ chức; các Tổ đại biểu chưa thực hiện giám sát; việc giải quyết, trả lời kiến nghị sau giám sát có việc chưa dứt điểm, chưa rõ nguyên nhân, trách nhiệm, không xác định biện pháp giải quyết cụ thể;… Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên được Thường trực HĐND tỉnh xác định là trách nhiệm của một số Sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết kiến nghị sau giám sát chưa cao; việc giải quyết một số kiến nghị sau giám sát cần có sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành và kinh phí, thời gian giải quyết; một số kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung chính sách, tỉnh phải kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết nên không xác định cụ thể được thời hạn giải quyết; cơ chế hoạt động giám sát, nhất là giám sát của Tổ đại biểu HĐND chưa có quy định cụ thể nên khó khăn trong việc thực hiện giám sát.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND, các cơ quan của HĐND tỉnh, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về kỹ năng hoạt động giám sát thuộc các lĩnh vực khác nhau nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, năng lực giám sát cho đại biểu HĐND và đề nghị sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND./.

Lò Văn Phương

Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh

 

 

 

 


Tin liên quan
Tổ đại biểu HĐND thành phố Điện Biên Phủ tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026
UBND huyện Mường Chà: Công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang)”
Thành công của cuộc bầu cử tiếp tục khẳng định niềm tin vững chắc của Nhân dân
Lựa chọn những người tiêu biểu vào Hội đồng nhân nhân tỉnh Điện Biên khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026)
Chủ động triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ để đảm bảo quyền bầu cử của cử tri
HĐND huyện Điện Biên Đông tổng kết nhiệm kỳ 2016 – 2021 v
Kết quả hoạt động phối hợp giữa Thường trực HĐND với Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ
Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng Nhân dân
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh
Điện Biên: thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới