Nghiên cứu - Trao đổi  

Chủ động triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ để đảm bảo quyền bầu cử của cử tri

Cập nhật ngày 21/05/2021 16:59:16 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 được ấn định là Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021; đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp của nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quyền bầu cử là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận; đồng thời, hiện nay được quy định cụ thể trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.


Để chuẩn bị các bước cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tỉnh Điện Biên theo luật định, ngày 16/4/2021 Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn và lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, kết quả: tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 8/6 đại biểu được bầu; tổng số người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh là 88/52 đại biểu được bầu; tổng số người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện là 543/322 đại biểu được bầu; tổng số người ứng ứng cử đại biểu HĐND cấp xã là 4.735/2.740 đại biểu được bầu.

Để mỗi cử tri được thực hiện đầy đủ quyền của mình trong việc lựa chọn, bầu người xứng đáng làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, bên cạnh việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bầu cử, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần chủ động triển khai, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Đoàn công tác của Tỉnh ủy kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại khu vục bỏ phiếu số 2, xã Thanh Yên,  huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên  Ảnh: LH

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử

Để cuộc bầu cử thành công, công tác tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong xã hội về trước, trong và sau cuộc bầu cử. Việc tuyên truyền về bầu cử đã được hướng dẫn cụ thể tại văn bản số 169-HD/BTGTW ngày 20/01/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương; Kế hoạch số 13-KH/TU, ngày 08/02/2021 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 605/KH-UBND, ngày 10/3/2021 của UBND tỉnh Điện Biên về việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, cần tuyên truyền sâu rộng để Nhân dân hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; các quy định của pháp luật có liên quan đến bầu cử, đặc biệt là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước; đồng thời, tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nâng cao ý thức, kỷ cương, kỷ luật, nêu cao tinh thần trách nhiệm tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân trong việc thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh; nâng cao tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm trong việc tham gia đấu tranh với âm mưu hoạt động phá hoại bầu cử của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, chống đối; đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn cho ngày bầu cử. Động viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử; cần nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bầu cử, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử.

Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền sẽ tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong toàn xã hội để tổ chức cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 đạt kết quả cao. Công tác tuyên truyền bầu cử cần đảm bảo đúng sự chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và Hội đồng bầu cử Quốc gia, bám sát vào kế hoạch của Ủy ban bầu cử tỉnh; tạo không khí phấn khởi trong Nhân dân, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả…

Thứ hai, làm tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức phụ trách bầu cử tại địa phương

Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương gồm: Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử có vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức bầu cử. Nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức này được quy định rõ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, các tổ chức bầu cử ở địa phương cần phát huy vai trò, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về bầu cử. Trong đó, đặc biệt là các nhiệm vụ như: Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử; quản lý và phân bổ kinh phí tổ chức bầu cử, ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu của mỗi đơn vị bầu cử, nhận và xem xét hồ sơ của những người được giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử, lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử… Các Tổ bầu cử cần đảm bảo bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị thùng phiếu; phát thẻ cử tri, phiếu bầu cho cử tri; thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu; thực hiện nghiêm quy định về bầu cử và nội quy phòng bỏ phiếu; kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử… theo đúng luật định.

Thứ ba, tạo điều kiện để người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri

Để giúp nhân dân lựa chọn được người có đủ năng lực làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, cần đảm bảo Nhân dân được tiếp cận với thông tin về những người ứng cử. Việc lập danh sách cử tri cần tuân thủ quy định từ Điều 29 đến Điều 34 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, đảm bảo mọi công dân đủ điều kiện thực hiện quyền bầu cử được tham gia bầu cử. Danh sách cử tri phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi để nhân dân kiểm tra, trường hợp có sai sót để Nhân dân khiếu nại kịp thời.

Thông tri số 13/TT MTTW-BTT, ngày 19/01/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện quyền vận động bầu cử, đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật. Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, hiểu rõ hơn người ứng cử. Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin đại chúng tích cực đưa tin về các hội nghị tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn của những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Thông qua hoạt động này, cử tri sẽ hiểu rõ hơn về những người ứng cử, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn khi thực hiện quyền bầu cử.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh

Trong thời gian gần đây tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á và các nước láng giềng, số lượng người bệnh, số người tử vong do Covid-19 tăng đột biến, vượt tầm kiểm soát; tình hình dịch bệnh ở các tỉnh, thành phố trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, để tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng của nhân dân, triển khai thành công cuộc bầu cử trong thời gian tới: các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các ngành chủ động quán triệt và thực hiện nghiêm, kịp thời các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình, diễn biễn dịch Covid-19 trong và ngoài tỉnh; đặc biệt là các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm quy định về việc đeo khẩu trang, khai báo y tế, cách ly... để người dân đồng thuận, chủ động thực hiện vì sức khỏe, tính mạng của từng người dân và gia đình. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh hoặc cấp có thẩm quyền để được giải quyết, hỗ trợ kịp thời, không để bị động, bất ngờ.

Thứ năm, xây dựng phương án xử lý các tình huống có thể phát sinh trước, trong và sau ngày bầu cử

Các tình huống có thể phát sinh trước, trong và sau ngày bầu cử được quy định tại Điều 15, Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp; theo đó, đã dự phòng 02 trường hợp là tình huống dịch Covid-19 bùng phát và trường hợp mưa lũ đặc biệt nghiêm trọng, địa hình bị chia cắt dẫn đến cử tri không thể đi đến khu vực bỏ phiếu. Nếu khi xảy ra các trường hợp này, tinh thần chung là địa phương, Tổ bầu cử chủ động xây dựng các phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Do đó cần chủ động chuẩn bị phương án để đảm bảo cử tri vẫn thực hiện được quyền bầu cử khi xảy ra các trường hợp bất lợi nêu trên.

Việc tổ chức thực hiện tốt cuộc bầu cử, đảm bảo cho cử tri được thực hiện đầy đủ quyền bẩu cử của mình sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

Mạnh Thắng, VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

 

 


Tin liên quan
HĐND huyện Điện Biên Đông tổng kết nhiệm kỳ 2016 – 2021 v
Kết quả hoạt động phối hợp giữa Thường trực HĐND với Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ
Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng Nhân dân
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh
Điện Biên: thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, góp phần vào việc ban hành các chính sách sát thực tiễn, hợp lòng dân
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới của thời kỳ hội nhập
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Đưa chè Shan tuyết Tủa Chùa vươn xa
Răn dạy, trả ơn trâu trong văn hóa Thái