Nghiên cứu - Trao đổi  

UBND huyện Mường Chà: Công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang)”

Cập nhật ngày 12/11/2021 23:06:43 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Tối 11/11, tại bản Thèn Pả, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, UBND huyện Mường Chà long trọng tổ chức lễ công bố, trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang)” thuộc loại hình tri thức dân gian đối với nghề làm giày của cộng đồng dân tộc người Hoa (Xạ Phang), sinh sống tại các xã Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa), xã Huổi Lèng, Sa Lông (huyện Mường Chà) và xã Phìn Hồ, (huyện Nậm Pồ), tỉnh Điện Biên.


Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Minh Phú, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch; Nguyễn Cao Cường, TUV, Bí thư Huyện ủy huyện Mường Chà; Nguyễn Quang Lâm, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch…

Người Hoa (Xạ Phang) là một trong 19 cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cư trú thành bản, theo dòng họ ở các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa... Quá trình định cư, lập bản, đến nay, đồng bào Xạ Phang vẫn gìn giữ, bảo lưu được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc trong lao động, sinh hoạt hàng ngày, trong đó nghề làm giày thêu là một điển hình. Nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang) được thêu thủ công cùng với bộ trang phục càng tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Xạ Phang, qua đó khẳng định ý nghĩa và bản sắc văn hóa của người Hoa (Xạ Phang) được gửi gắm trong từng nét họa tiết, hoa văn, từng đường kim mũi chỉ trên những đôi giày thêu thủ công và trên bộ trang phục truyền thống, đây là nét di sản văn hóa cần được bảo lưu, trao truyền, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Hoa (Xạ Phang) và làm phong phú thêm đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc trong tỉnh Điện Biên. Giày thêu thủ công của người Hoa (Xạ Phang) có nhiều loại để phân biệt giới tính, độ tuổi và mục đích sử dụng hàng ngày cũng như trong những sự kiện, nghi lễ của dân tộc. Mỗi loại đều có kiểu dáng, màu sắc, họa tiết riêng trên các bộ phận cấu thành của chiếc giày, do những người phụ nữ tự khâu, thêu cho các thành viên trong gia đình sử dụng và tích lũy dùng dần.

 

Hiện nay, tại các bản làng người Hoa (Xạ Phang) sinh sống, các em gái được mẹ, chị, bà truyền dạy cho cách thêu thùa, may vá; tạo lập nên ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng, tộc người cho thế hệ trẻ.

Với giá trị tiêu biểu, nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL, ngày 09/3/2021, để tiếp tục bảo tồn và phát huy gia trị di sản, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Hoa (Xạ Phang) tại các huyện của tỉnh Điện Biên.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa thể thao và Du lịch đã trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang)” cho các địa phương được công nhận.

Với việc “Nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang)” được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Điện Biên đã có 12 di sản nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Những năm qua, các di sản đã góp phần tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, góp phần phát triển du lịch, bổ sung thêm nguồn tư liệu di sản văn hóa độc đáo trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam./.

Lê Hùng

 


Tin liên quan
Thành công của cuộc bầu cử tiếp tục khẳng định niềm tin vững chắc của Nhân dân
Lựa chọn những người tiêu biểu vào Hội đồng nhân nhân tỉnh Điện Biên khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026)
Chủ động triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ để đảm bảo quyền bầu cử của cử tri
HĐND huyện Điện Biên Đông tổng kết nhiệm kỳ 2016 – 2021 v
Kết quả hoạt động phối hợp giữa Thường trực HĐND với Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ
Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng Nhân dân
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh
Điện Biên: thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, góp phần vào việc ban hành các chính sách sát thực tiễn, hợp lòng dân
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới của thời kỳ hội nhập